Tuyên bố và lời kêu gọi của Enamullah Samangani, thành viên ủy ban văn hóa của Taliban, là khẳng định đầu tiên về cách quản trị ở cấp độ quốc gia sau khi lực lượng này kiểm soát cả nước.
Dù chưa có báo cáo về tình trạng giao tranh ở Kabul nhưng nhiều người dân vẫn chỉ dám ở trong nhà và lo sợ tình trạng tù nhân thoát hết khỏi các nhà tù sau khi Taliban tiếp quản thủ đô. Thế hệ người già Afghanistan vẫn nhắc lại những gì mà lực lượng Hồi giáo cực đoan này thực thi hồi còn cầm quyền (từ 1996 đến 2001), như hình phạt ném đá, chặt ngón tay, hành quyết công khai…
“Tiểu vương quốc Hồi giáo không muốn phụ nữ trở thành nạn nhân. Họ nên tham gia vào cấu trúc chính phủ theo luật Hồi giáo Sharia”, Samangani nói. Ông này cũng thừa nhận, cấu trúc chính phủ chưa thực sự rõ ràng, nhưng dựa vào kinh nghiệm sẽ có một ban lãnh đạo Hồi giáo hoàn toàn và tất cả các bên nên tham gia. Tuy vậy, đại diện này vẫn nói mơ hồ trong những khía cạnh khác, ngụ ý rằng mọi người đã biết các quy tắc của Hồi giáo như thế nào và Taliban mong họ tuân thủ. “Những người dân của chúng ta là người Hồi giáo và chúng tôi không ở đây để buộc họ tuân thủ luật Hồi giáo”, Samangani nói.
Dưới thời Taliban trước đây, với chính sách áp dụng cách diễn giải luật Hồi giáo hà khắc, phụ nữ chủ yếu phải ở nhà. Taliban đang cố tạo nên hình ảnh ôn hòa hơn trong những năm gần đây, nhưng nhiều người Afghanistan vẫn hoài nghi. Phát ngôn viên Taliban Suhail Shaheen nói với kênh tin Dunya News rằng lực lượng này sẽ “tôn trọng quyền của phụ nữ và các nhóm thiểu số theo các chuẩn mực của Afghanistan và giá trị của Hồi giáo”. Shaheen cũng thúc giục người dân quay lại làm việc và chính quyền mới sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế để tái thiết đất nước.
Tiếp tục sơ tán
Các chuyến bay quân sự hôm qua được nối lại để đưa nhân viên ngoại giao và thường dân ra khỏi Afghanistan, sau khi cảnh tượng hỗn loạn ở đường băng được xử lý. Stefano Pontecorvo, đại diện dân sự cấp cao của NATO ở Afghanistan, đăng lên mạng một video cho thấy đường băng trống trải và binh lính Mỹ đang canh gác. “Đường băng đang mở. Tôi thấy các máy bay cất và hạ cánh”, Pontecorvo viết trên Twitter. “Nhiều người ở đây hôm qua đã về nhà”, một quan chức sân bay nói với Reuters. Các nhân chứng cho biết họ vẫn nghe thấy tiếng súng thỉnh thoảng vang lên từ hướng sân bay.
Bộ Ngoại giao Đức hôm qua cho biết một chiếc máy bay vận tải quân sự của nước này đã hạ cánh xuống Kabul, nhưng chỉ có thể đón 7 người trước khi phải khởi hành. “Vì tình hình hỗn loạn tại sân bay và nổ súng thường xuyên tại các điểm tiếp cận nên máy bay không thể đón thêm công dân Đức và những người khác cần đến sân bay mà không được quân đội Đức bảo vệ”, Bộ Ngoại giao Đức cho biết. Một chuyến bay quân sự đặc biệt với 120 quan chức Ấn Độ hôm qua cất cánh từ Kabul và đáp xuống bang Gujarat ở miền tây Ấn Độ, PTI đưa tin. Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde viết trên Twitter rằng nhân viên đại sứ quán Thụy Điển ở Kabul đã được đưa về nước.
Nhóm lính Mỹ cuối cùng sẽ rời đi vào cuối tháng này theo thoả thuận với Taliban. Taliban cam kết sẽ không để lãnh thổ Afghanistan bị dùng làm nơi phát động khủng bố quốc tế. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nhấn mạnh rằng dù Afghanistan không bao giờ được trở thành nơi phát động khủng bố, nhưng phương Tây phải thực tế trong quan hệ với Taliban và sẽ cố gây ảnh hưởng tích cực. “Thế giới đang theo dõi các diễn biến ở Afghanistan với một trái tim nặng trĩu và lo lắng sâu sắc về những gì sẽ diễn ra”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói.
Mỹ tuyên bố chỉ công nhận chính quyền Taliban ở Afghanistan nếu lực lượng này tôn trọng quyền phụ nữ và tránh xa các phong trào cực đoan như Al-Qaeda. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định: “Khi nói đến tư thế của chúng ta với bất kỳ chính phủ tương lai nào ở Afghanistan, điều đó sẽ phụ thuộc vào hành động của chính phủ đó - của Taliban”, theo Reuters.
Tổng thống Mỹ Joe Biden bảo vệ quyết định rút binh lính về nước. “Tôi kiên định ủng hộ quyết định của mình. Sau 20 năm, tôi buộc phải chấp nhận thực tế rằng không có thời điểm nào là thích hợp cho việc rút các lực lượng Mỹ”, ông Biden nói trong bài phát biểu trên truyền hình từ Nhà Trắng. Ông Biden cho rằng sai lầm là do các lãnh đạo Afghanistan bỏ chạy và quân đội nước này không có ý chí chiến đấu.
Đối thoại có vẻ vẫn đang diễn ra giữa Taliban và một số quan chức chính phủ Afghanistan. Cựu Thủ tướng Gulbuddin Hekmatyar cho biết sẽ đến Doha (Qatar) trong ngày 17/8 để gặp phái đoàn của Taliban. Ông cùng đi với cựu tổng thống Hamid Karzai, cựu ngoại trưởng và phái viên hòa bình Abdullah Abdullah, Al Jazeerađưa tin. Một quan chức nắm được tình hình cho biết lãnh đạo cấp cao của Taliban Amir Khan Muttaqi đã từ Qatar trở về Kabul. Muttaqi là bộ trưởng giáo dục hồi Taliban cầm quyền và là người đã liên lạc với các lãnh đạo chính trị của Afghanistan ngay từ khi Tổng thống Ashraf Ghani chưa bỏ chạy.