Chúng tôi hỏi chuyện Phó giáo sư/Associate Professor Takeuchi Ikuo về những kỷ niệm với Việt Nam của ông. Ông kể lại bằng tiếng Việt rất dễ nghe.
Quyết tâm học tiếng Việt sau một bài báo về tín hiệu “Đổi Mới”
Takeuchi Ikuo thi đỗ Đại học Tokyo và chọn khoa Kinh tế, một phần do ảnh hưởng của cha ông - khi đó là một trong những người lãnh đạo Liên hiệp các công đoàn lao động toàn Nhật Bản (Sôhyô), một tổ chức đấu tranh vì quyền lợi cho người lao động Nhật Bản. Lúc còn là sinh viên, Takeuchi đã đọc trọn bộ Tư Bản 3 tập do Các Mác viết.
Tranh: Kim Duẩn |
Năm 1979, sau khi tốt nghiệp, Takeuchi làm việc tại Viện Nghiên cứu các nền kinh tế đang phát triển (Ajiken). Ông nghiên cứu chuyên sâu về 3 nước Đông Dương, chủ yếu là Việt Nam. Takeuchi được bố trí theo dõi các vấn đề thời sự. Tình cờ, chàng trai trẻ 25 tuổi đọc được một bài báo vào khoảng giữa tháng 8/1979 - nói chính phủ Việt Nam manh nha một chính sách mới về kinh tế nhằm chuyển một phần nền kinh tế sang cơ chế thị trường đồng thời mở rộng quy mô phân cấp quản lý, hướng tới phát triển công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp địa phương. Đây là một trong những thông tin đầu tiên giải thích những yếu tố mang tính đổi mới quan trọng trong nghị quyết 6 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 4. Là nguồn gốc của công cuộc “Đổi mới” năm 1986 sau này.
Ông nhớ lại: “Bài báo đó là động lực cho việc nghiên cứu của tôi về kinh tế xã hội Việt Nam. Tôi nhận thấy cần phải học tiếng Việt để trực tiếp tiếp cận những thông tin của Việt Nam".
Từ Tùy viên Kinh tế…
Viện Nghiên cứu Ajiken quy định, mọi chuyên viên nghiên cứu đều phải đi biệt phái dài ngày tại quốc gia là đối tượng nghiên cứu, ít nhất 2 lần. Lần đầu ở độ tuổi 20, lần hai vào độ tuổi 40. Takeuchi muốn sang Việt Nam để làm việc tại một trường đại học hoặc cơ quan nghiên cứu với tư cách là khách mời.
Ông kể: “Vào thời kỳ đó, đầu thập kỷ 80, mặc dù đã thông qua Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Tokyo để liên lạc với một số trường đại học và cơ quan nghiên cứu ở Hà Nội, nhưng tôi không thành công. Tuy nhiên thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đang cần một chuyên viên nghiên cứu ngoài Bộ sang Việt Nam làm tùy viên kinh tế tại ĐSQ Nhật ở Hà Nội. Tôi đã ứng tuyển và được chấp nhận. Vào tháng 9/1984, tôi bay sang Việt Nam”.
Công việc tại ĐSQ của Takeuchi bao gồm 2 mảng: hành chính và nghiên cứu. Việc nghiên cứu là hằng ngày theo dõi tình hình kinh tế ở Việt Nam; Mỗi tháng 1 lần ra phố để khảo sát thị trường (ví dụ, ông nhớ khi đó 1 bao thuốc lá “ba số 5” có giá tương đương với 1 đô la Mỹ và 1 bát phở bình thường là 50 đồng); Cứ 3 tháng 1 lần, ông vào thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu việc cải cách kinh tế ở đây…
Takeuchi cũng cố gắng đọc và giao tiếp để nâng cao trình độ tiếng Việt. Ông bồi hồi: “Trước khi sang Việt Nam, tôi chỉ nghĩ Việt Nam là một nước XHCN nằm ở châu Á. Nhưng khi đã được phép tiếp xúc với nhân viên Việt Nam ở ĐSQ và người dân Hà Nội, tôi biết thêm đất nước này luôn giữ gìn được những nét văn hóa xã hội mang tính truyền thống. Khi đó việc người nước ngoài tiếp xúc với người VN bị hạn chế ít nhiều. Kể cả nhân viên người Việt Nam cũng hiếm tiếp xúc với người Nhật chúng tôi sau giờ làm việc. Nhưng vào dịp Tết dân tộc Việt Nam, một số nhân viên người Việt của ĐSQ Nhật tại Hà Nội, đã tới nhà tôi ở khu tập thể Trung Tự, tặng tôi bánh chưng do gia đình họ tự gói và bảo: “Không hiểu có hợp với anh không nhưng anh ăn thử nhé”. Đây là một trong những kỷ niệm sâu sắc của tôi".
… đến Nhà Việt Nam học
Cùng các sinh viên Việt Nam trong Lễ tốt nghiệp Cao học (năm 2008) |
Anh Vũ Thái Trường và chị Vũ Thục Linh – các cựu sinh viên của thầy Takeuchi Ikuo đều nhớ rõ tình cảm ấm áp của vợ chồng thầy khi họ xa quê, được mời đến nhà thầy ăn bữa cơm tân niên đậm đà hương vị bánh chưng, giò lụa, xôi chả và canh măng nấu móng giò… Anh Trường không quên được tầng thượng, nơi mà thầy gọi là Phòng nghiên cứu không gian – với hệ thống kính viễn vọng để ngắm các vì sao cũng như hiểu được sự thú vị của bầu trời. Chị Linh thì ấn tượng với giá sách, đặc biệt có đủ văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau khi hết nhiệm kỳ Tùy viên Kinh tế, Takeuchi Ikuo trở lại Viện Ajiken và được thuyên chuyển sang phòng nghiên cứu theo góc độ đất nước học. Ông trực tiếp phụ trách việc mời một số nhà khoa học Việt Nam sang làm chuyên viên nghiên cứu theo chế độ “visiting research fellow”/ nghiên cứu viên ngắn hạn - của Viện với thời gian 4 tháng. Cho tới 1999, ông đã mời 8 chuyên viên nghiên cứu người Việt, như ông Võ Đại Lược (lúc đó là Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới); ông Đỗ Lộc Diệp (Viện phó Viện Kinh tế Thế giới); ông Ngô Văn Hoa (Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế - Bộ Ngoại giao); ông Lâm Quan Huyên (Viện phó Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ); ông Hà Huy Thành (Viện phó Viện Kinh tế học); ông Phan Sỹ Mẫn (Viện trưởng Viện phát triển Bền vững)…
Khi mời những chuyên viên Việt Nam sang Nhật làm việc, Takeuchi luôn cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của họ như cố gắng thuê khách sạn với giá cả hợp lý và thuận tiện. Vài tuần đầu, sáng nào ông cũng ghé đón họ ở khách sạn và cùng đi đến Viện. Hết giờ làm việc, ông lại đưa họ về tận khách sạn. Giờ ăn trưa, ông luôn mời họ đi ăn cùng ở nhà ăn của Viện. Nếu hôm nào họ mang cặp lồng cơm, thì ông mua bánh mỳ để cùng ăn với họ.
Ông nhận xét: “Họ cởi mở khi nói chuyện với tôi, kể cho tôi nghe nhiều chuyện mà thường người nước ngoài khó tiếp cận. Họ cũng sẵn sàng giúp tôi nâng cao trình độ đối thoại tiếng Việt theo nhiều cách khác nhau. Khi họ sắp kết thúc nhiệm kỳ, đôi khi tôi và vợ tôi mời họ đi tham quan thành phố Tokyo. Mỗi khi tôi sang Việt Nam công tác, tôi luôn tới chào những người này và luôn được họ tiếp đãi rất nồng nhiệt”.
Năm 1999, Takeuchi chuyển sang trường Đại học Nông nghiệp - Công nghệ Tokyo, để giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu với sinh viên hệ cao học. Nhờ chế độ ưu đãi của Bộ Giáo dục khoa học Kỹ thuật của Nhật và của JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) và bằng cách tận dụng 2 chế độ “quốc phí” và chế độ du học “tư phí”, Takeuchi đã tiếp nhận và đào tạo khoảng 40 sinh viên Việt Nam tại phòng nghiên cứu của ông.
Ông nhớ lại: “Tiếp xúc với sinh viên Việt Nam, tôi hiểu thêm tại sao họ quyết tâm học ở Nhật, bằng cách nào. Vì sao lại chọn đề tài nghiên cứu ấy. Sao lại muốn có học vị thạc sỹ. Sau khi tốt nghiệp, sẽ làm việc và sống ở đâu. Trong thời gian du học, họ đi làm thêm và chuyển tiền về giúp đỡ gia đình như thế nào… Chính vì họ xuất thân từ nhiều địa phương khác nhau ở Việt Nam nên tôi cũng biết thêm những nét đặc trưng của từng địa phương khác nhau, hiểu “cục bộ địa phương” là gì. Hoặc so với người thành phố thì người ở các miền quê Việt Nam cũng giống người Nhật ở nông thôn: giữ truyền thống nhiều hơn, tình cảm ấm áp hơn.
Ngoài thời điểm cuối học kỳ ra, những ngày lễ quan trọng ở Việt Nam như Tết cổ truyền hoặc ngày nhà giáo Việt Nam… các sinh viên Việt Nam tại phòng nghiên cứu của tôi cùng các sinh viên Việt Nam ở phòng nghiên cứu khác, thường tổ chức liên hoan vui vẻ tại phòng nghiên cứu của tôi. Vì biết tiếng Việt, nên tôi thường xuyên tiếp xúc cũng như giảng bài bằng tiếng Việt. Khi hướng dẫn viết luận văn thạc sỹ, tôi thường để họ viết bằng tiếng Việt, tôi đọc, sửa rồi mới để họ dịch sang tiếng Anh và lại kiểm tra lần nữa”.
Phóng viên đã gặp vài cựu sinh viên của thày Takeuchi Ikuo, anh Vũ Thái Trường (cán bộ quản lý chương trình, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc/ UNDP) và chị Vũ Thục Linh (Viện Quy hoạch Thiết kế Nông nghiệp (Bộ NN & PTNT). Họ đều từng nhận học bổng của Chương trình học bổng Phát triển nguồn nhân lực (JDS) Nhật Bản, học tại Đại học Nông nghiệp & Công nghệ Tokyo (Nokodai). Là sinh viên khóa trước khóa sau nhưng họ cùng được thầy Takeuchi hướng dẫn trực tiếp trong toàn bộ quá trình học tập, nghiên cứu và viết luận văn Thạc sỹ. Anh Trường và chị Linh sôi nổi kể, thầy là một nhà giáo chuẩn mực, luôn hỗ trợ và lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của sinh viên trong nghiên cứu và học tập, quan tâm sinh viên là người nước ngoài, đặc biệt với người Việt Nam.
Quá trình làm Tùy viên Kinh tế, rồi nhà nghiên cứu, giảng viên đại học - đã ảnh hưởng đến quyết định của Takeuchi Ikuo trong việc tiếp cận nghiên cứu: nghiên cứu Việt Nam dưới góc độ là một nước XHCN hay nghiên cứu ở góc độ là một nước mang tính xã hội truyền thống (đất nước học/ Việt Nam học)? Takeuchi cố gắng học hỏi nhiều từ cuộc sống xã hội, văn hóa của Việt Nam. Ông sưu tầm sách Việt Nam, không chỉ về kinh tế xã hội mà về văn hóa, lịch sử, chính trị… Ông bỏ tiền túi đặt mua sách báo Việt Nam qua Xunhasaba (Công ty Xuất nhập khẩu Sách báo Việt Nam) từ năm 1986 tới nay, như báo Nhân dân, Sài Gòn giải phóng, Nông nghiệp Việt Nam, Nông thôn ngày nay, Văn nghệ, Đầu tư... và các tạp chí như: Tài chính, Cộng sản, Thời báo Kinh tế Sài gòn, Nghiên cứu kinh tế, Xã hội học, Kinh tế và Dự báo, Khoa học Xã hội... Tổng chi phí khoảng 5.000 USD mỗi năm. Mấy năm nay nghỉ hưu, ông vẫn đặt mua với khoảng 2.500 USD/năm.
Takeuchi Ikuo đánh giá: “Theo tôi, sự kiện lớn nhất ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc tới việc chuyển đổi nền kinh tế và xã hội Việt Nam từ cuối thập kỷ 90 đến đầu những năm 2000 - là việc Việt Nam hội nhập vào kinh tế quốc tế, tham gia WTO năm 2007. Sách nghiên cứu mà tôi vừa xuất bản “Sự tồn tại của vai trò Thể chế cộng đồng ở Việt Nam” - cũng có thể được đánh giá theo bối cảnh trên, mặc dù cuốn sách này không liên quan gì tới đầu tư tại Việt Nam. Hiện nhiều người Nhật Bản, trong đó có các nhà đầu tư, đã quan tâm sâu sắc hơn tới Việt Nam so với trước kia, nên với việc xuất bản lần này, tôi muốn giúp họ hiểu hơn những vấn đề liên quan tới tập quán văn hóa xã hội của Việt Nam”.
Ảnh cưới của ông Takeuchi Ikuo và bà Phạm Lan Anh (11/9/1988 tại Hà Nội) |
Tháng 9/1984, Takeuchi Ikuo sang Việt Nam bắt đầu làm việc tại ĐSQ Nhật ở Hà Nội. Ông muốn thuê một giáo viên dạy tiếng Việt để nâng cao trình độ nghe nói. Trong sứ quán, có một cán bộ ngoại giao trẻ trạc tuổi ông, giới thiệu và sắp xếp cho Takeuchi trực tiếp gặp một cô giáo tại ĐSQ.
Ông cảm động nhớ lại: “Vào thời kỳ này, người dân Hà Nội sống khó khăn. Các cô gái thường mặc áo sơ mi trắng và quần đen. Nhưng cô giáo mà tôi gặp thì hơi lạ vì cô mặc cả bộ áo quần jean. Khuôn mặt cô trông xinh xinh, cô cao so với nhiều phụ nữ Việt Nam thời kỳ này. Nên tôi quyết định học cô giáo ấy từ đó tới khi hết nhiệm kỳ 2 năm, mỗi tuần 2 buổi. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 1986, tôi về nước. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc và hai năm sau (1988), tôi quay trở lại Việt Nam để tổ chức đám cưới. Việt Nam từ đấy càng trở nên gần gũi với tôi hơn”.
Ông vui vẻ cười với phóng viên:
- Thế thôi nhé. Nếu phóng viên kể về mối duyên tình của anh thì tôi sẽ sẵn sàng kể thêm nhiều chi tiết hơn nữa.