Tại sao xe VinFast chưa thể có mức giá thấp hơn?

“Tại sao xe Lux A2.0 sản xuất tại Việt Nam lại có giá cao hơn xe Camry tại Nhật”, “Tại sao Nhật, Mỹ, Hàn họ có ô tô nội địa mà giá rẻ vậy, trong khi tại Việt Nam với VinFast lại không”… là những câu hỏi mà cộng đồng mạng từng thắc mắc. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cơ cấu giá xe tại Việt Nam hiện nay, không chỉ VinFast mà bất cứ hãng ô tô nào cũng khó có thể đáp ứng được mong muốn của người tiêu dùng.

Bán xe 1 tỷ đồng, thu hộ nhà nước 500 triệu tiền thuế, phí

“Mong muốn của người tiêu dùng Việt Nam bây giờ là có 1 chiếc xe nội địa giá khoảng 200 triệu, chất lượng tốt, vận hành đa dạng địa hình tại Việt Nam”, một ý kiến được đưa ra sau khi có thông tin VinFast tăng giá bán 50 triệu đồng cho hai dòng xe Lux.

Tại sao xe VinFast chưa thể có mức giá thấp hơn? ảnh 1

Các khoản thuế, phí mà một chiếc xe VinFast Lux phải “gánh” trong giá thành

Theo đại diện VinFast, mức giá 1,04 tỷ đồng cho chiếc sedan Lux A2.0 và 1,46 tỷ cho mẫu xe SUV Lux SA2.0 đã được hãng tính toán và điều chỉnh dựa trên cơ sở chính sách "3 không" cộng thêm ưu đãi đang được áp dụng đối với hai dòng xe kể trên, cũng như căn cứ theo thực tế thị trường.

“Tại sao xe Lux A2.0 sản xuất tại Việt Nam lại có giá cao hơn xe Camry tại Nhật?”; “Tại sao Nhật, Mỹ, Hàn họ có ô tô nội địa mà giá rẻ vậy, trong khi tại Việt Nam với VinFast lại không?”… là những ý kiến cũng thu hút được nhiều sự chú ý.

Ô tô giá rẻ luôn là giấc mơ thường trực của hàng triệu người dân Việt Nam. Trong suốt 30 năm qua, người dân trong nước vẫn mong mỏi về một nền công nghiệp ô tô phát triển để kéo giá ô tô thấp xuống. Đến khi VinFast ra đời, được triển khai với tốc độ mãnh liệt chưa từng có, họ càng tin hơn về chiếc ô tô “200 triệu” như mơ ước sắp trở thành hiện thực.

Tại sao xe VinFast chưa thể có mức giá thấp hơn? ảnh 2

Với mức thu về hơn 400 triệu đồng cho một chiếc Lux A2.0 và hơn 600 triệu đồng cho một chiếc Lux SA2.0, các chuyên gia cho rằng VinFast đang phải chịu lỗ trên mỗi chiếc xe bán ra

Nhưng tại sao VinFast chưa thể kéo được giá ô tô tại Việt Nam đi xuống?

Theo một chuyên gia tài chính giấu tên, từ rất nhiều năm nay, ô tô tại Việt Nam được coi là một món hàng xa xỉ cần hạn chế bằng rất nhiều các loại thuế chồng thuế, dẫn tới việc giá xe ở mức cao hơn so với mặt bằng khu vực và thế giới.

Để chứng minh, vị chuyên gia đã thử bóc giá chiếc xe VinFast Lux A2.0 (bản tiêu chuẩn - 1,04 tỷ đồng) khi đến tay người tiêu dùng thì nhà sản xuất chỉ thu về chưa tới 550 triệu đồng!

Cụ thể, với chiếc Lux A2.0, VinFast phải nộp 10% thuế giá trị gia tăng (VAT) tương đương 95 triệu đồng. Sau khi trừ đi khoản này, mỗi chiếc xe phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt do nhà nước quy định. Với động cơ 2.0L của chiếc sedan VinFast, mức thuế là 40%, tương đương 270 triệu đồng. Tổng tiền thuế 365 triệu đồng này được chuyển về ngân sách mà hãng xe chỉ là trung gian thu hộ qua giá bán.

Ngoài ra, chi phí bán hàng trung bình của các hãng xe rơi vào khoảng 15%, nên VinFast sẽ mất 127 triệu đồng cho mỗi chiếc Lux A2.0, nâng tổng số thuế phí lên tới 492 triệu đồng, từ khi xe xuất xưởng đến tay khách hàng. Con số tương đương với chiếc SUV Lux SA2.0 là 715 triệu đồng, và VinFast chỉ nhận về 750 triệu cho chiếc xe có giá 1,465 tỷ đồng.

“Người dân Việt Nam hoàn toàn có thể mua được chiếc ô tô như Lux A2.0 với giá chỉ 700 triệu nếu thuế không quá cao như hiện tại”, vị chuyên gia nhận định.

Tại sao xe VinFast chưa thể có mức giá thấp hơn? ảnh 3

VinFast Lux A2.0 và Lux SA2.0 đang ngày càng được đánh giá cao nhờ chất lượng, đẳng cấp châu Âu và khả năng vận hành vượt trội.

VinFast chấp nhận lỗ để phủ thị trường

Ngoài 492 triệu đồng thuế phí cho mỗi chiếc Lux A2.0 từ khi xuất xưởng đến tay người tiêu dùng, VinFast còn phải nộp số tiền thuế không nhỏ cho khoản linh kiện cấu thành lên chiếc xe đó. Mỗi chiếc ô tô được tạo ra từ 20.000 đến 30.000 linh kiện, và mặc dù VinFast đặt mục tiêu nội địa hóa lên tới 60% thì ở giai đoạn hiện tại, họ vẫn phải nhập khẩu hầu hết số linh kiện này, bởi lộ trình nội địa hóa chắc chắn không phải một sớm một chiều là đạt được. Với mức thuế nhập khẩu linh kiện từ 10% đến 25%, chiếc sedan VinFast A2.0 có thể mất thêm hơn 100 triệu đồng cho khoản thuế này.

Sau khi trừ các khoản, VinFast thực sự chỉ nhận về hơn 400 triệu đồng cho một chiếc xe hạng sang như Lux A2.0. Với 400 triệu này, VinFast mang đến cho người tiêu dùng một chiếc xe sở hữu khung gầm, động cơ Đức, thiết kế cao cấp từ Ý, các linh phụ kiện chất lượng từ những nhà cung cấp hàng đầu thế giới như Lear, Faurecia, Eagle Ottawa… cùng các công nghệ hỗ trợ vận hành, an toàn vượt trội.

“Tôi cho rằng VinFast đã chấp nhận bán lỗ để tạo độ phủ thị trường. Chính sách này hợp lý với một hãng xe mới như VinFast”, vị chuyên gia tài chính nhận định.

Nhìn rộng ra, so với khu vực và thế giới, Việt Nam là một trong những nước có giá ô tô đắt đỏ bậc nhất. Theo các chuyên gia, trong cơ cấu giá thành xe sản xuất ở Việt Nam hiện nay, thuế phí chiếm tới 45% - 55%, còn lại là chi phí sản xuất xe và lợi nhuận của doanh nghiệp. Nguyên tắc đánh thuế ô tô là thuế chồng thuế, tức thuế mới sẽ tính dựa trên giá xe đã cộng các thuế cũ. Đây là lí do vì sao cùng một loại xe hơi, ở Việt Nam lại có giá cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với nhiều nước khác.

Trong khi đó, chi phí sản xuất xe tại Việt Nam lại cao hơn 20% so với các nước trong khu vực, do đa phần các linh kiện đều được nhập khẩu, khi ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển.

Vì thế, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, để giảm giá bán ô tô ở Việt Nam thì bắt buộc phải giảm thuế và đẩy mạnh ngành công nghiệp ô tô trong nước. Ông Long cũng đưa ra ví dụ, một số nước không áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô nội địa, trong khi ngành công nghiệp ô tô luôn được ưu tiên trọng điểm để phát triển.

“Nhà nước nên có nhiều ưu đãi để phát triển ô tô nội địa như Hàn Quốc, Malaysia hay Nhật Bản đã làm để Việt Nam có thể tự chủ trong ngành sản xuất xe hơi. Mục tiêu nâng tỉ lệ nội địa hóa của xe hơi sản xuất trong nước lên càng cao càng tốt, mà con số 60% của VinFast chính là một tín hiệu rất đáng mong chờ”, ông Long nhận định.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.