Bán kết 7 Tìm kiếm Tài năng Việt:
Tài năng để… bán dầu gội?!
>Bán kết 7 Got Talent: Nhạc kịch trở thành đặc sản
>Giới hạn nào cho sự bắt chước?
Vòng chung kết sắp tới của Việt Nam’s Got Talent, khán giả sẽ được xem hát múa mệt nghỉ vì có tới 8/12 tiết mục đã được vào chung kết thuộc về các giọng hát, còn lại đều là vận động trên nền nhạc. Mặc dù khán giả luôn ưu tiên các tiết mục ca hát, nhưng một số thí sinh lại không tự tin vào giọng hát, mà thường hy vọng thu hút bằng các khả năng phụ trợ: vũ đạo, tạp kỹ…
Nguyễn Xuân Lân của đêm bán kết 7 là ví dụ. Anh đem cả trường kỷ, chăn, gối và đi dép bông lên sân khấu. Tất nhiên nếu kèm theo đó là một giọng hát hay và bài hát khoe được giọng thì cũng tốt. Giám khảo Huy Tuấn nhận xét: “Tôi thấy bạn giống một trào lưu của các ca sĩ giải trí của chúng ta, đó là mang nhiều chiêu trò lên sân khấu, nếu không biết tiết chế và có điểm dừng thì sẽ thành lạm dụng”.
Hầu hết thí sinh thi Talent đều vô danh, do đó hầu như không có khả năng khán giả sẽ bỏ phiếu chỉ vì cái tên của họ. Họ chỉ có thể thu hút khán giả bằng tài năng đặc biệt, và họ cần phải xoáy sâu vào đó, nâng cấp nó lên. Vì thế nếu ôm đồm nhiều khả năng trong một tiết mục hoặc chuyển phắt sang thể hiện một tài năng khác là rất liều lĩnh. Chàng nhạc sĩ mù Nguyễn Thanh Bình chuyển từ khả năng chơi nhiều nhạc cụ ở vòng loại sang hát ở vòng bán kết hiểu rõ điều này.
Ở vòng trước, Trần Thái Sơn gây được ấn tượng khá tốt khi trình tấu beatbox với máy thu. Anh thu phần đã trình diễn vào máy rồi phát lại, và tiếp tục trình tấu chồng lên đó, cứ thế tạo nên một bản nhạc nhiều bè, chưa kể anh còn hát cả một ca khúc ngắn do chính mình sáng tác. Vào bán kết, Thái Sơn bỏ máy đi, thêm vũ đạo, và hát nhạc của người khác. Thái Sơn có lẽ là thí sinh đầu tiên của Got Talent Việt không chỉ nhảy nhái và còn hát nhái Michael Jackson. Liệu khán giả sẽ chấp nhận tiết mục với công thức pha chế khác này của anh?
Một thí sinh nữa có thể nói cũng tự thách thức chính mình là Nguyễn Xuân Trung khi anh chuyển từ một bản nhạc tiếng Anh vui tươi (More than I can say) ở vòng trước sang Còn ngày dài còn tình đầy - bài hát rất tự sự, mang đậm yếu tố truyền thống của Quốc Bảo. Dù sao một số thí sinh hát đã thành công khi chuyển từ hát nhạc Tây sang ta như Vũ Song Vũ, Thanh Trúc… Trường hợp cùng hoàn cảnh nặng ký với Xuân Trung là Gia Bảo thì đã bị loại. Liệu với tinh thần Việt hóa, Xuân Trung có lách qua được cửa ải bình chọn lần này?
Tiết mục nổi bật trong đêm bán kết 7 vẫn là phần hát trích đoạn Think of me trong nhạc kịch Phantom of the opera của Nguyễn Hương Thảo. Màu sắc trẻ thơ trong giọng hát bẩm sinh kiểu opera của cô có lẽ cũng là một đặc sản hiếm có ở Việt Nam.
Khán giả cũng như giám khảo Got Talent Việt luôn tỏ ra ủng hộ xu hướng thuần Việt của các tiết mục. Nhưng chương trình có một biểu hiện dường như đi ngược lại với tinh thần đó, như một số cư dân mạng đã phát hiện ra. Trong khi các chương trình Got Talent của một số nước Anh, Mỹ, Pháp, Australia, Hàn Quốc… thường đưa màu sắc và họa tiết quốc kỳ lên làm nền cho phần chạy logo chương trình (lúc mở đầu hay phần nghỉ giữa các tiết mục) hoặc lên cả phông nền, thì Tìm kiếm Tài năng Việt Nam chơi một kiểu trang trí không liên quan, chủ yếu gồm các màu vàng và xanh lá cây, trùng với màu nhận diện của nhãn hàng dầu gội tài trợ cho chương trình. Để ý các cốc uống nước của giám khảo dù in tên chương trình nhưng màu sắc cũng y chang chai dầu gội. Cũng có ý kiến cho rằng, chưa chắc đã vẻ vang gì khi sóng đôi hình ảnh quốc kỳ với một chương trình mang tính giải trí. Nhưng dù sao thì Việt Nam’s Got Talent cũng khéo léo đến mức tinh vi khi giúp nhãn hàng tài trợ âm thầm tác động lên thị giác người xem, bên cạnh việc tác động trực diện khi hình ảnh chai lọ mỹ phẩm cùng tên các nhãn hàng liên tục xuất hiện cạnh hình ảnh bên lề của thí sinh.