Tai nạn thương tích ở trẻ em tăng mạnh

Tai nạn thương tích ở trẻ em tăng mạnh
TP - Mỗi năm, tại TPHCM,  tai nạn thương tích cướp đi sinh mạng khoảng 100 trẻ em trong độ tuổi từ 1- 14. Đáng lo ngại là số ca chết từ tai nạn năm sau tăng gần gấp đôi năm trước.
Tai nạn thương tích ở trẻ em tăng mạnh ảnh 1
Trẻ cấp cứu do tai nạn thương tích ở Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: PV.

Trong khi đó, “ban bệ” chỉ đạo phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ thành lập từ năm 2002 nhưng đến nay vẫn “hữu danh vô thực”.

Trong buổi làm việc với Sở Y tế TPHCM vào hôm qua, 21/8, các đại biểu Ban Văn hóa Xã hội (VHXH) - HĐND TPHCM đều “sốc” với những con số tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ mà Sở Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống TNTT báo cáo.

Những con số giật mình!

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2008, tại TPHCM đã có 16.171 trẻ em bị TNTT nhập viện điều trị, trong đó có 31 trẻ đã tử vong ở độ tuổi từ 1 - 4. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống TNTT TPHCM, địa điểm xảy ra tai nạn và chết đều tập trung nhiều tại nhà với 11.548 ca. Còn lại là xảy ra trên đường đi với hơn 3.100 ca.

Bác sĩ Trần Thanh Mỹ - Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM cho biết: “Trẻ bị ngã là nguyên nhân chính dẫn đến TNTT, chiếm 11.155 ca, tiếp đến là tai nạn giao thông, hóc dị vật và sét đánh chiếm hơn 4.000 ca. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm đã ghi nhận 215 trẻ bị bạo lực trong gia đình, xã hội bị chấn thương phải nhập viện và 1 trẻ đã chết”.

Bác sĩ Đỗ Văn Niệm - Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết: Trong năm 2007 đã có 30.000 lượt bệnh nhi đến khám, trong đó có 3.000 trẻ nhập viện vì TNTT và 79 trẻ tử vong do tai nạn gây ra như: bỏng, ngã, ngộ độc các loại và rắn cắn... Bảy tháng đầu năm 2008, tại bệnh viện này cũng đã tiếp nhận 2.000 trẻ bị TNTT, trong đó có 82 trẻ bị ngộ độc nặng và 59 trường hợp bị rắn cắn.

Trong khi đó, theo báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 2, trong năm 2007, bệnh viện đã tiếp nhận 8.180 trẻ bị TNTT, trong đó có 763 trường hợp do tai nạn giao thông và 33 trường hợp bạo hành gia đình... Trong 6 tháng đầu năm 2008, đã có 2.612 trẻ nhập viện do TNTT.

Bác sĩ Phan Văn Nghiệm - Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TPHCM cho biết: “Số ca TNTT đang ngày một tăng lên. Năm 2005 hơn 39.000 ca bị tai nạn làm chết 68 trẻ thì đến 2006 có gần 44.000 ca làm chết 87 trẻ và năm 2007 xấp xỉ 43.000 ca làm 107 trẻ chết”.

Hữu danh vô thực

Còn nhớ vào tháng 11/2007, sau khi làm việc với các sở ngành, Ban VHXH- HĐND TPHCM đã có buổi làm việc tổng kết với Sở Y tế TPHCM về tình hình TNTT ở trẻ em. Vào thời điểm đó, bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, nguyên Giám đốc Sở Y tế - Trưởng ban chỉ đạo và ông Lê Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế giữ chức Phó ban chỉ đạo phòng chống TNTT theo Quyết định thành lập của UBND TPHCM  tháng 11/2002 đều không có mặt.

Sau hơn 5 năm thành lập với đầy đủ thành phần nhưng Ban này chưa có cán bộ chuyên trách, không có cơ chế phối hợp giữa các ban ngành. Một người đại diện của Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em TPHCM cho rằng, từ khi thành lập đến nay, thành viên chưa bao giờ gặp được ban chỉ đạo và họp hành.

Ngay đến thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Thế Dũng không còn chức Giám đốc Sở Y tế vẫn làm Trưởng ban, đó là chưa kể rất nhiều thành viên trong Ban đã chuyển công tác, về hưu... nhưng vẫn có tên trong danh sách.

Ông Tăng Cẩm Vinh - Phó Ban Văn hóa Xã hội (VHXH) - HĐND TPHCM bức xúc: “Sở Y tế và Ban chỉ đạo TNTT báo cáo là ra quân tuyên truyền rầm rộ về phòng chống TNTT nhưng kết quả tai nạn thương tích và tử vong ở trẻ cứ tăng lên năm sau cao hơn năm trước. Thế thì hoạt động của Ban chỉ đạo như thế nào?”.

Theo ông Vinh, số ca TNTT và tử vong chỉ là thống kê khi bệnh nhi đã vào bệnh viện, còn tính cả số không vào bệnh viện thì con số đó cao gấp nhiều lần.

Ông Nguyễn Văn Minh - Phó ban VHXH nói: Gần như Ban chỉ đạo này không hoạt động và không ai quan tâm. Ở tuyến phường xã có nhiều trạm y tế không có bác sĩ, phương tiện cấp cứu nên không thể cấp cứu ban đầu khi xảy ra TNTT ở trẻ.

Ông Minh cho rằng, ngành y tế báo cáo 100% trạm y tế có bác sĩ, nhưng đi kiểm tra thì ở 11 phường của quận 2 không có một bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Châu - Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, sẽ kiến nghị UBND TP củng cố lại Ban chỉ đạo để hoạt động tốt hơn. Đồng thời, cần tăng cường ngân sách cho chương trình phòng chống TNTT ở quận huyện.

Ngoài ra, thời gian tới Sở Y tế triển khai chọn 1-2 phường xây dựng thí điểm mô hình cộng đồng an toàn. 

MỚI - NÓNG