'Tai nạn' thường gặp khi giới trẻ mua hàng trên mạng

'Tai nạn' thường gặp khi giới trẻ mua hàng trên mạng
Vô vàn cửa hàng quần áo, giày dép, mỹ phẩm trên mạng cho bạn trẻ nhiều chọn lựa trong chuyện làm đẹp nhưng cũng thử thách rằng ai mới là người mua sắm thông minh.

Hàng dởm, hàng nhái

Các chủ shop thời trang bán hàng online rất biết cách đánh lừa thị giác khách hàng bằng những hình ảnh không có thực. Đầu tiên các shop lấy lại từ các thương hiệu uy tín, hoặc hàng bán trên webssite của nước ngoài. Sau này, khi khách hàng đã nhận biết thông minh hơn, các shop tự chụp ảnh hàng hoá, khẳng định là ảnh thực tế nhưng đều đã dùng công nghệ chỉnh sửa ảnh.

'Tai nạn' thường gặp khi giới trẻ mua hàng trên mạng ảnh 1

Hàng hiệu nhái bán trên xe thồ (Ảnh minh hoạ)

“Bức ảnh được quảng cáo trên trang mạng online thì “nuột nà” nhưng thực tế shop lại bán hàng hàng dởm, hàng nhái loại 2 – 3. Khách hàng nếu cứ tin tưởng vào lời giới thiệu và hình ảnh của chủ shop online thì khi nhận được hàng đặt sẽ phải “té ngửa”. Chuyện này không phải hiếm gặp khi mua hàng trên mạng”, bạn Sunny P, một cô gái có kinh nghiệm mua hàng trên mạng cho hay.

Một khi đã mua phải hàng dởm, khách hàng chỉ có thể ngậm ngùi cam chịu bởi có làm um lên cũng chẳng ai bồi thường. “Kinh nghiệm là, khi xem hàng trên mạng thì nên hỏi rõ là hàng thật hay hàng nhái. Tốt nhất là tới tận nơi xem hàng”, Sunny P chia sẻ.

Loạn giá

Cùng một chiếc váy hình cô gái đang rất mốt hiện nay, Thu Hương nhận thấy có tới hàng chục giá khác nhau khi đảo qua các shop online. Dựa theo mắt nhìn thì chiếc váy giống hệt nhau, đều được quảng cáo là mẫu hàng được ngôi sao hàng đầu Trung Quốc ưa chuộng. Tuy nhiên, shop A bán váy giá 350 ngàn, shop B bán 290 ngàn, còn có nơi phá giá bán 170 ngàn.

'Tai nạn' thường gặp khi giới trẻ mua hàng trên mạng ảnh 2

Chiếc váy Hà Min diện đang là mẫu hàng rất "hot" hiện nay, nhưng giá cả trên mạng thì mỗi nơi mỗi kiểu

Là khách hàng, bạn Hương – SV ĐH Công đoàn không biết đâu mà lần. Cuối cùng, khi xác định rằng chất lượng sản phẩm là không thể đảm bảo, các cô gái như Hương thường lựa chọn theo giá cả, chỗ nào rẻ nhất sẽ bỏ tiền mua.

Nhưng rồi khi món hàng đến tay, nhiều người thường phải méo mặt mà rằng “tiền nào của nấy”. Chiếc váy 170.000 đồng của Hương có chất vải thô kệch, đường mau xiên xẹo và chẳng thể so sánh với bức ảnh quảng cáo. Biết không thể trả lại hàng, Thu Hương đành ngậm ngùi rút ra kết luận: từ nay mua cái gì cũng phải “mắt thấy, tay sờ”.

Tiền gửi, hàng mất hút

Cách đây hai tháng, bạn của chị Hoàng Thị P. ở Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ cho chị một trang Facebook bán túi xách hàng hiệu online có nhiều mẫu hàng độc, bắt mắt. Trang này có hơn 40.000 lượt theo dõi, chủ cửa hàng lại có vẻ là người am tường về các loại túi xách, tư vấn cho khách tận tình nên chị P. rất thích. Ưng bụng một món hàng, chị gửi 2,5 triệu đồng vào tài khoản của cửa hàng Z. để đặt cọc. Chủ hàng hứa rằng sau một tuần sẽ có túi mới về tận nhà chị P.

'Tai nạn' thường gặp khi giới trẻ mua hàng trên mạng ảnh 3

Mua hàng cần phải "mắt thấy, tay sờ" (Ảnh minh hoạ)

Thế nhưng sau 8 ngày chị P. vẫn chưa nhận được hàng. Sốt ruột quá nên chị gọi điện giục thì chủ hàng giải thích rằng “do hàng bị kẹt ở sân bay, chị chịu khó đợi thêm 3 ngày”. Vậy mà đến hẹn chị P. vẫn không nhận được hàng.

Bực mình với cách làm ăn của cửa hàng, chị P. gọi điện mắng vốn thì nhận được lời xin lỗi và hứa hẹn. Sau hai tuần kể từ ngày gửi tiền, chị P. thấy nghi ngờ nên tìm tới địa chỉ cửa hàng đăng trên Facebook song tới nơi dò hỏi thì lại được biết là không có cửa hàng như vậy tại đây.

Lo lắng mất tiền, chị P. gọi điện cho cô gái bán hàng hỏi thì cô này ấp úng cúp máy. Ngay sau đó chị P gọi lại thì số điện thoại này không liên lạc được. Biết mình đã bị lừa, chị P. lập tức lên mạng tố cáo nhưng đều chị chủ cửa hàng xoá bình luận, chặn Facebook… 5 ngày sau đó thì chị P. thấy trang Facebook của cửa hàng này đã đóng cửa.

Lúc này kể lại câu chuyện, chị P. chỉ biết tiếc nuối, cho rằng đây là bài học để đời cho mình.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG