'Tai nạn' khó ngờ của các ông chồng đoảng

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Mở ngăn đá để lấy tôm, chị Lan Anh ngớ người khi thấy nửa chiếc bắp cải nằm trong đó.

Hóa ra hôm trước ông chồng xẻo một góc nấu cùng mì rồi cất lên ngăn đá chứ không cho lại vào ngăn rau", chị Lan Anh ở Hai Bà Trưng, Hà Nội kể.

Có vợ đảm đang, khéo nấu ăn nên thi thoảng lắm anh xã mới phải vào bếp và mỗi lần anh trổ tài thì huy động hết vợ con vào cuộc. "Mỗi lần luộc rau, rán trứng là anh ấy hỏi loạn lên 'Em ơi nước mắm đâu, muối đâu, dao đâu... dù cả 10 năm nay vợ vẫn để nguyên một chỗ", chị Lan Anh kể.

 Chia sẻ chuyện chồng cất bắp cải lên ngăn đá của chị Lan Anh trên Facebook.

Chia sẻ chuyện chồng cất bắp cải lên ngăn đá của chị Lan Anh trên Facebook.

Chị Bích Vân ở Long Biên, Hà Nội thi thoảng cũng méo mặt vì sự lơ đễnh của chồng.

Có lần, thấy chồng nhờ đi mua hộ tuýp sữa rửa mặt trong khi lọ đó vẫn còn nguyên, chị mới ngã ngửa ra là bấy lâu, anh toàn dùng lọ gel vuốt tóc để rửa mặt. Lần khác, thấy lọ sữa rửa mặt của mình để ở vị trí khác thường ngày, lại vơi một nửa, chị hỏi chồng thì mới hay anh lấy để tắm vì "của anh hết rồi". "Mình rú lên bởi lọ bé xíu đó vừa mua mấy trăm nghìn. Sau đó, ngó sang đống đồ tắm của chồng, thấy lọ sữa tắm vẫn còn, hỏi ra mới hay bấy lâu nay, chàng chuyên dùng sữa tắm để gội đầu và ngược lại", chị Vân kể.

Sau vụ này, chị rút kinh nghiệm, chỉ mua các loại 3 trong một, tức tắm gội rửa mặt luôn trong một lọ để chồng khỏi nhầm.

Chị Vân cho biết, chồng chị là dân IT điển hình, chỉ thích code, không chú ý tới những thứ khác. Có lần, chị trêu chồng xem có phân biệt được một mớ các chai lọ của vợ gồm dầu tắm, kem tẩy da chết, gội, xả, ủ, sữa rửa mặt, kem dưỡng thể, nước hoa hồng... thì anh xem xong lắc đầu theo kiểu nhìn một phép toán phức tạp.

Còn chị Hòa (Gia Lâm, Hà Nội) hầu như không yên tâm giao cho chồng việc gì vì anh thường xuyên "chữa lợn lành thành lợn què". "Nhờ chồng xem cái máy lọc nước hỏng thì sau một hồi tí toáy, anh làm vỡ luôn cả đường ống rửa bát bên cạnh. Bảo anh bắt hộ con gián bò trong bếp thì anh cầm gậy chạy vào đập vỡ cả cái bình siêu tốc...", chị Hòa kể.

Chị Hòa cũng không muốn để chồng gọi thợ tới sửa vì anh thường cả tin, thợ nói sao nghe vậy nên có những lần trả tiền sửa nhiều hơn mua đồ mới.

"Đúng là chồng mình cũng hiền lành, chịu khó, lại rất thương con, nhưng vì tính đoảng đó mà nhiều lần mình tức điên lên, thấy chán vô cùng", chị Hòa bày tỏ.

Có ông chồng vụng, nhưng chị Tâm (Ba Đình, Hà Nội) lại thấy đáng yêu hơn là đáng giận. Chị Tâm kể, anh xã chị không từ chối việc gì vợ nhờ nhưng đụng đâu hỏng đó: Tháo quạt ra sửa khi lắp vào thì thừa mấy cái ốc, quạt không chạy được; thay đèn tuýp thì làm hỏng cả thanh nối; lắp các ngăn kéo tủ mới mua về thì làm gãy cả thanh trượt, hâm nóng đồ ăn trong lò vi sóng thì không mở nắp khiến hộp méo xẹo, thức ăn cháy khét...

"Ở với nhau lâu, mình biết điểm mạnh của chồng là ở việc khác, các thứ lặt vặt cần sửa chữa thì thuê thợ tới làm. Như vậy cả nhà đều vui mà mọi việc vẫn đâu vào đấy", chị Tâm kể.

Theo nhà tâm lý Văn Thanh Sĩ, đường dây tư vấn 1088 TP HCM, người đàn ông đoảng trong việc gì đó chẳng qua là vì họ không quan tâm hoặc chưa thạo do không làm thường xuyên.

Nhà tâm lý cho biết, sự đoảng của chồng đôi khi khiến chị em phì cười nhưng nó cũng có thể khiến người vợ cảm thấy ức chế, chán nản và gây mâu thuẫn gia đình. Tùy vào phản ứng này và cả mức độ "gây hậu quả" từ sự đoảng, chị em có thể coi đó là việc nhỏ dễ dàng bỏ qua hay cần xem xét nghiêm túc để tìm biện pháp giúp chồng thay đổi.

Theo ông Sỹ, tùy nguyên nhân chồng đoảng mà chị em có thể áp dụng các cách ứng phó khác nhau. Nếu anh xã đoảng vì chưa từng gánh vác công việc gia đình, vợ chỉ cần bỏ thời gian làm chung, hướng dẫn tỉ mỉ, đến khi chồng thành thạo thì để họ tự làm. Trong quá trình này, vợ đừng quên khích lệ chồng và chấp nhận những lần "xôi hỏng bỏng không" của anh xã.

Đôi khi, do các bà vợ quá đảm đang, cầu toàn, tự ôm hết việc khiến chồng ỉ lại, không mó tay vào việc gì nên khi cần thì anh lại ngại làm hoặc cố tình làm kém. Trường hợp này, người vợ cần tự giãn bớt việc cho bản thân và giao dần các việc cụ thể cho chồng.

"Trừ những ông chồng cố tình lười vì ích kỷ, không quan tâm tới vợ con, thường nam giới đoảng đều có thể tiến bộ nếu có sự động viên, hướng dẫn vừa ân cần vừa nghiêm khắc của vợ", nhà tâm lý chia sẻ.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG