Tai nạn, 3 trẻ tử vong ở Hà Tĩnh: Cần bổ sung quy định liên quan tới xe đạp điện

Hiện trường vụ tai nạn.
Hiện trường vụ tai nạn.
TPO - Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên Tổ trưởng xử lý vi phạm (Công an TP Hà Nội) cho biết, xe đạp điện thuộc diện xe thô sơ, chưa có quy định về độ tuổi, yêu cầu GPLX khi điều khiển. Ông cũng nêu quan điểm, cơ quan chức năng cần bổ sung, hướng dẫn chi tiết hơn các quy định về loại phương tiện này.  

Liên quan tới vụ tai nạn giao thông giữa ô tô và xe đạp điện khiến 3 em bé tử vong xảy ra tại địa bàn xã Cẩm Huy (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), trao đổi với Tiền Phong, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên Tổ trưởng xử lý vi phạm (Công an TP Hà Nội) nhận định, đây là ví dụ điện hình tai nạn liên quan tới xe đạp điện.

Theo thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, các quy định hiện hành, xe đạp điện nằm trong diện xe thô sơ. Các văn bản hướng dẫn xử lý vi phạm không quy định về độ tuổi, yêu cầu GPLX khi điều khiển loại phương tiện này tham gia giao thông.

Tại thành phố cũng như các tỉnh địa phương, việc trẻ em, thiếu niên sử dụng, điều khiển xe đạp điện tham gia giao thông rất phổ biến. Gần đây, xảy ra nhiều vụ tai nạn liên quan tới xe đạp điện.

Trong khi đó, trẻ em là nhóm đối tượng chưa nhận thức đầy đủ được các quy định về luật giao thông đường bộ cũng như chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Do đó, khi tham gia giao thông rất dễ dẫn đến va chạm gây nguy hiểm cho bản thân và người khác.

Tai nạn, 3 trẻ tử vong ở Hà Tĩnh: Cần bổ sung quy định liên quan tới xe đạp điện ảnh 1 Người thân tổ chức tang lễ cho các nạn nhân ở quê nhà.

Vị thượng tá CSGT cũng ví dụ, ở Hà Nội lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn, trong đó một bộ phận học sinh, trẻ em vẫn thường xuyên lái xe đạp điện ra đường. Nhiều em khi tham gia giao thông thiếu quan sát làn đường, quan sát các phương tiện khác và từng dẫn đến các sự cố, va chạm liên hoàn. Một góc nhìn khác, để thuận tiện, các phụ huynh cũng mua và cho con em mình lái xe đạp điện đi học hoặc ra đường. Do đó, tình trạng này rất phổ biến và đặt ra nhiều vấn đề.

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ nêu quan điểm, cơ quan chức năng cần sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật để hướng dẫn tuyên truyền, xử lý vi phạm đối với loại hình phương tiện là xe đạp điện, xe máy điện. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền tới các bậc phụ huynh, giáo dục luật giao thông đường bộ tại trường học để các em nắm được các quy định khi tham gia giao thông.

Cũng theo thượng tá Quỹ, xe máy điện và xe đạp điện đều là xe có động cơ. Xe đạp điện có độ không quá 25km/h và có thể đạp khi hết điện. Còn xe máy điện có tốc độ cao hơn xe đạp điện. Các văn bản quy phạm pháp luật có quy định, người đủ 14 tuổi trở lên mới được phép lái xe máy điện.

Do hai phương tiện này khá giống nhau về hình thức nên việc học sinh, trẻ em điều khiển tham gia giao thông rất phổ biến.

Trước đó, tối 9/7, ông Trần Văn Khôi - Trưởng Công an xã Cẩm Huy (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết, khoảng 19h, ba em nhỏ chở nhau trên xe đạp điện đi hướng từ thị trấn Cẩm Xuyên về xã Cẩm Huy. Đến thôn 5, xã Cẩm Huy, xe đạp điện bất ngờ bị ô tô mang BKS 30E.xxx tông từ phía sau. Va chạm khiến 3 em nhỏ (hai em 12 tuổi, một em 4 tuổi) là họ hàng trong một gia đình bị cuốn vào gầm ô tô dẫn đến tử vong

MỚI - NÓNG