Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây ít ngày, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2016 phấn đấu bội chi ngân sách ở mức 4,95% GDP. Tuy nhiên, dự báo từ một số tổ chức quốc tế cho thấy khả năng bội chi ngân sách sẽ cao hơn nhiều. Điều này có thể xảy ra nếu nhìn vào con số bội chi gần 70.000 tỷ đồng của ngân sách trong 5 tháng đầu năm.
Tình trạng không cân đối được chi tiêu đang đè nặng lên ngân sách khi báo cáo từ nhiều địa phương cho thấy mới đạt được chỉ tiêu thu ở mức khá thấp. Tổng thu nội địa sau 5 tháng chỉ bằng 40,9% dự toán. Nhiều khoản thu tiến độ đạt thấp. Đặc biệt, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước rất thấp, chỉ đạt 28,8% dự toán.
Giá dầu thế giới liên tục lao dốc những tháng đầu năm khiến số thu từ dầu thô cũng sụt giảm, chỉ bằng 29,2% dự toán và giảm tới 48,1% so cùng kỳ năm trước. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ bằng 37,8% dự toán.
Cũng không phải không có lý do khi Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Takehiko Nakao chiều 17/6 một lần nữa cho thấy cần “cải thiện” việc chi tiêu thường xuyên của Chính phủ nếu không muốn nền kinh tế sẽ gặp trở ngại trong bối cảnh nợ công của Việt Nam sắp chạm ngưỡng trần 65% GDP. Tình trạng thu không đủ bù chi trong khi cơ cấu các nguồn thu, các khu vực chưa cân đối khiến túi tiền quốc gia liên tục bị thâm thủng.
Để hạn chế tình trạng ngân sách liên tục bội chi, theo lãnh đạo ADB, Chính phủ cần tăng cường các nguồn thu nội địa đồng thời xem lại việc chi tiêu trong bối cảnh nợ trong nước đang liên tục tăng nhanh. Bên cạnh việc cần đa dạng hóa nguồn thu, việc tăng cường quản lý nợ cũng rất quan trọng. Thực tế cho thấy, để đạt mục tiêu an toàn, bền vững cho ngân sách, đã đến lúc ngành tài chính cần tái cơ cấu lại các nguồn thu.
Việc tái cơ cấu chi tiêu, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, cần phải coi như nhiệm vụ cấp kỳ. Chừng nào nguồn thu từ ngân sách nhà nước còn chủ yếu dựa vào thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, khai thác tài nguyên, chừng đó cơ cấu thu ngân sách chưa thật sự bền vững.
Nếu Chính phủ không muốn tiếp tục điều hành ngân sách nhà nước như “đi trên dây” như hiện nay, cần nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu nguồn thu đồng thời tránh phụ thuộc một vài khoản thu lớn hoặc những khoản thu mà cơ sở tính thuế có sự biến động lớn.
Để làm được điều này, cần có các giải pháp căn cơ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, tạo cơ hội cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế. Những thay đổi này sẽ giúp Việt Nam giảm được sức ép vay nợ trong bối cảnh chỉ còn hai năm nữa là tới thời điểm Việt Nam sẽ không được vay vốn với lãi suất ưu đãi như hiện nay.