Tác hại của rượu bia: Câu chuyện buồn từ vấn nạn lái xe sau khi uống rượu bia

Tác hại của rượu bia: Câu chuyện buồn từ vấn nạn lái xe sau khi uống rượu bia
Gần 40% các vụ tai nạn giao thông xảy ra do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có uống rượu, bia. Giờ đây, nỗi ám ảnh vì những “hung thần” đường phố có dính ma men đã khiến người dân mang thêm nỗi lo mỗi khi ra đường.

80-90% các vụ tai nạn giao thông do uống rượu, bia và lái xe

Năm 2019 là năm chứng kiến nhiều ca tai nạn thương tâm do rượu gây ra. Tháng 1-2019, chiếc xe Ford Escape 5 đi với tốc độ kinh hoàng, gạt phăng nhiều xe trên đường khiến một cụ bà tử vong tại chỗ, bốn người bị thương nặng nhập viện. Ngày 13-2, tại Km 200 + 100, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, hai tài xế trong cơ ma men đã không làm chủ tốc độ đã đâm trực diện vào nhau làm 12 người thương vong. Vụ tai nạn tại hầm Kim Liên làm hai người phụ nữ gục tại chỗ, vụ tai nạn thương tâm khiến một nữ công nhận quét rác bỏ lại hai đứa con bơ vơ...

Trưa 11/4 tại Bình Định, khoảng 10 người trong Đội dịch vụ tang lễ Văn Thứ ngồi chờ khiêng hòm đám tang ở đường Nguyễn Công Trứ, TP Quy Nhơn thì bị xe Lexus 7 chỗ do tài xế Nguyễn Đức Huyện (60 tuổi) lao thẳng vào khiến 4 người chết và 6 người bị thương. Chiếc xe gây tai nạn chạy đi khoảng 100 m mới dừng lại.

Tất cả những tài xế gây ra các tai nạn thương tâm này đều có nồng độ cồn cao hơn nhiều so với mức cho phép. “Ma men” đã làm những ông chủ các phương tiện giao thông trở thành hung thần trên đường phố.

Theo số liệu mới nhất của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý I/2019, toàn quốc xảy ra 4.030 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. Trong đó nguyên nhân tai nạn do tài xế sử dụng rượu bia chiếm 1,47% (trên 274 vụ). Cũng trong ba tháng đầu năm, cảnh sát giao thông trên toàn quốc xử lý 38.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; trong đó có 814 tài xế ôtô.

Theo thống kê của cảnh sát giao thông trên toàn quốc, nam giới gây ra 80-90% các vụ tai nạn giao thông do uống rượu, bia và lái xe; tai nạn xảy ra vào buổi tối (18 giờ đến 24 giờ) và cao hơn vào các ngày cuối tuần.

Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho hay, quan trắc hành vi tại các nhà hàng, quán nhậu, nhóm nghiên cứu về ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển mô-tô, xe máy tại Việt Nam ghi nhận, có tới 62% số thực khách lái xe máy tới uống rượu, bia và cũng có 62% số thực khách tự lái xe máy ra về sau khi uống rượu. Con số này đối với thực khách lái ô-tô là 6%. Chỉ có 6-8% số thực khách được chở đến và chở về sau khi uống.

Khoảng 40% người đi nhậu ra về trong tình trạng bị say, trong đó có 34% người có dáng đi hơi xiêu vẹo, 5% người xiêu vẹo. Tỷ lệ vi phạm Luật Giao thông đường bộ của những người này rất cao, cụ thể là 36% không bật xi nhan khi sang đường, 26% đi ngược chiều và 17% không bật đèn xe.

Mặc dù, sau khi bị tai nạn giao thông do rượu bia, có khoảng 75% số người được hỏi cho biết đã ngừng uống hoặc uống với liều lượng ít (1-2 ly bia tương đương 1-2 lon/chai bia) nhưng vẫn có tới 10% số người trong đó uống với liều lượng cao (hơn năm ly bia tương đương hơn sáu lon/chai bia).

Các nạn nhân có sự thay đổi nhận thức về các tác động cũng như tác hại của việc uống rượu bia lên an toàn giao thông nhưng vẫn tiếp diễn hành vi vi phạm. Trong đó, gần 2/3 số người từng bị tai nạn giao thông do say rượu, bia vẫn tiếp tục tự điều kiển phương tiện ra về sau khi uống rượu, bia.

Vì sao rượu bia là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông?

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, do rượu làm giảm khả năng phản ứng, hạn chế khả năng phối hợp giữa các bộ phận cơ thể, giảm thị lực và gây buồn ngủ.

Nghiên cứu cho thấy người điều khiển môtô, xe máy có nồng độ cồn trong máu trên 50 mg/dl có nguy cơ gặp tai nạn giao thông cao gấp 40 lần so với người không sử dụng.

Bà Trần Thị Trang - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, nam giới nặng 54 kg chỉ cần uống 2 đơn vị rượu (20 gr cồn nguyên chất tương đương với 2 lon bia 330 ml độ cồn 5%, 2 chén rượu mạnh 15 ml độ cồn 40%, 2 ly rượu vang 30 ml độ cồn 17% thì sẽ đạt khoảng 50 mg/dl.

Theo các chuyên gia, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một tỷ lệ lớn gánh nặng bệnh tật do sử dụng rượu bia phát sinh từ những thương tích không chủ ý và cố ý gồm tai nạn giao thông, bạo lực và tự tử, các thương tích gây tử vong liên quan đến rượu bia xuất hiện nhiều ở nhóm tuổi tương đối trẻ.

Rõ ràng, câu chuyện tuyên truyền để làm thay đổi hành vi của người uống rượu bia mà vẫn sử dụng phương tiện giao thông cá nhân không có sức ảnh hưởng tới người dân. Đã đến lúc, phải coi xử phạt với chế tài nặng là một cách tuyên truyền hiệu quả.

Sau nhiều năm tuyên truyền và xử phạt chưa đủ sức răn đe, bằng sự ra đời của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia cũng như tăng nặng chế tài xử phạt hành chính trong lĩnh vực này, xã hội sẽ không còn phải chứng kiến nhiều câu chuyện buồn thương tâm do những ma men gây ra.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.