Kể từ “Bóng đè”, bẵng đi hơn chục năm mới thấy chị viết truyện ngắn, sau khi đã viết hai cuốn tiểu thuyết. Chị cảm thấy không ổn với tiểu thuyết hay truyện ngắn mới đem lại “men” cho chị?
Tôi vẫn cảm thấy thoải mái hơn, dễ hơn khi viết tiểu thuyết vì truyện nào của tôi cũng dài hơn một truyện ngắn thông thường và tôi khó tiết chế cảm xúc. Nhưng ý tưởng truyện “Lưng rồng” đã có cách đây 11 năm, nhiều lần tôi đã định viết nhưng lại thôi, cảm thấy chưa đủ sức, chưa đến lúc.
Đến đầu năm nay thì quyết định phải viết nó ra, không thể không viết. Tôi đã kết thúc nó trong một căn phòng khách sạn sang trọng ở thủ đô Washington DC, đối diện Nhà Trắng, vừa rình xem Trump vừa để tên thầy xăm kể chuyện.
11 năm trước, cảm hứng “Lưng rồng” đến với chị trong tình huống nào?
Tôi đọc một bài trên báo An ninh thế giới nói về việc xăm mình của người Việt cổ. Họ kể rằng, ngày xưa, ngư dân thường xăm con cá sấu lên lưng, tay, để cá sấu không ăn thịt. Khi đó tôi đã nghĩ đến việc viết một câu chuyện về xăm. Tôi ghi chép những ý tưởng này ra một cuốn sổ ô ly, mang theo sang Mỹ. Đến đầu năm nay, ở bang Ohio nơi tôi sống, rất nhiều người xăm. Chồng tôi không ủng hộ việc đó. Anh tiêm vào đầu hai đứa con những câu chuyện kinh dị về xăm, gợi tôi nhớ lại ý tưởng của mình. Mà cũng có thể vì cuộc sống của tôi đã đi vào quỹ đạo, thoải mái hơn. Mỗi ngày tôi có khoảng thời gian rảnh cho riêng mình, để xem phim hoặc viết. Đã đến lúc thử sức với rồng…
Chị có bị những áp lực của “Bóng đè” khi viết “Lưng rồng”?
Nói thật là không có áp lực nào của “Bóng đè”, không mảy may. Nhưng viết được hơn nửa, tôi đã yêu nó.
Tôi yêu nó hơn “Bóng đè”. Trần Vũ đọc, góp ý với tôi một vài chỗ, và nói luôn nó lại sẽ là một quả bom. Tôi nói đùa chả biết bom gì, chắc bom xịt.
Để không chủ quan, tôi gửi nó cho nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà nghiên cứu Nguyệt Cầm, dịch giả Đặng Xuân Thảo đọc. Những người đó đều gật gù công nhận, nên tôi nghĩ chắc là “được” thật.
Điều gì ở “Lưng rồng” hơn “Bóng đè”, theo chị?
Sau “Bóng đè”, trong quá trình viết và sửa, tôi tự ý thức phải khắc phục những thứ chưa hài lòng ở “Bóng đè” như văn chương câu cú, cách diễn đạt, ý tưởng. Ví dụ mọi người nói trong “Bóng đè” nhiều sex quá, đến “Lưng rồng” tôi đã tiết chế hơn, ít nhất không có động từ mạnh.
Nhưng vẫn đầy nhục cảm?
Câu chuyện diễn ra như thế, nó phải có những tâm trạng đấy, hành động đấy.
Đã có những phản hồi của độc giả rằng truyện của chị ám chỉ nhiều, quá táo bạo về mặt tư tưởng... Chị nghĩ sao về những nhận xét này?
Đây là một vấn đề. Mọi người đọc nó, và chăm chăm vào ám chỉ. Họ áp đặt việc đọc theo kiểu mà họ nghĩ. Họ không đọc một cách bình tĩnh và thưởng thức nó như là một câu chuyện bình thường.
Một cô gái đi xăm một con rồng làm quà tặng chồng, và người chồng có hành tung bí ẩn. Trong quá trình xăm, người thợ xăm dùng một cậu học việc trẻ làm thuốc giảm đau... Thế thôi!
Sau hơn mười năm, truyện ngắn của chị dường như lại chịu chung số phận của “Bóng đè”, chia rẽ độc giả làm hai cực, khen và chê đều hết lời?
Tôi không ngại các bình luận. Tự bản thân tôi biết, những thứ tôi viết không bao giờ được yêu thích hoàn toàn. Nhưng việc đó bình thường. Mỗi người sẽ có một cách hiểu, cách cảm khác nhau, đôi khi nó khác ý tưởng của tác giả.
Như gần đây một độc giả lên facebook đánh giá truyện của tôi đề cao vấn đề nữ quyền. Bạn ấy bảo: một câu chuyện của chị hơn bao nhiêu cuộc vận động về nữ quyền, bình đẳng này nọ. Mỗi người có kiểu đọc, kiểu hiểu khác nhau. Thế nào cũng có cái hay riêng.
Trước đây khi viết xong “Bóng đè” chị nói là rất mệt. Bây giờ cảm giác sau khi hoàn thành “Lưng rồng” của chị là gì?
Tôi bị ám ảnh. Nhưng vẫn viết tương đối dễ dàng. Trước đây tôi nói một câu mà mọi người rất phản ứng: viết văn là một cuộc chơi, giờ vẫn thế. Tôi viết không phải vì tiền. Nếu vì tiền, tôi sẽ viết tản văn, sách kỹ năng làm dâu mẹ chồng Mỹ hoặc người giàu ở Mỹ sống thế nào… Tôi có đầy tư liệu về những chuyện như thế. Nhưng tôi không thích.
Có nhà phê bình nhận xét Đỗ Hoàng Diệu là “ca” hiếm trong văn học Việt Nam đương đại dựng nên cả một thế giới huyền hoặc, ma mị với những câu chuyện cực kỳ lạ lùng. Chị có đồng ý với nhận xét này?
Tôi không thấy “Lưng rồng" quái dị. Đối với tôi, nó có thật. Nhân vật bước ra, đi lại, nằm xuống trong căn phòng xăm rõ mồn một.
Rất nhiều độc giả hỏi tôi trong đầu có những gì mà ý tưởng kỳ quái như thế? Tôi bảo là cuộc sống của tôi rất bình thường, không có biểu hiện gì là tôi bị điên cả. Mọi người xung quanh cũng không thấy tôi bị điên lắm đâu (Cười).
Nghe nói chị còn một số bản thảo đang chờ ra mắt?
Trong tay tôi có hai tiểu thuyết, một hoàn thành một dở dang. Nhưng bản thảo có thể trình làng được và sớm nhất là “Những câu chuyện kỳ lạ của Đỗ Hoàng Diệu”. Nó không hẳn là truyện ngắn, không phải tản văn, nửa ghi chép, nửa hư cấu... là thứ mà tôi nghĩ ra, thứ Đỗ Hoàng Diệu.
Vâng, xin cảm ơn chị!
Rất nhiều độc giả hỏi tôi trong đầu có những gì mà ý tưởng kỳ quái như thế? Tôi bảo là cuộc sống của tôi rất bình thường, không có biểu hiện gì là tôi bị điên cả. Mọi người xung quanh cũng không thấy tôi bị điên lắm đâu (Cười).
Sau “Bóng đè”, trong quá trình viết và sửa, tôi tự ý thức phải khắc phục những thứ chưa hài lòng ở “Bóng đè” như văn chương câu cú, cách diễn đạt, ý tưởng. Ví dụ mọi người nói trong “Bóng đè” nhiều sex quá, đến “Lưng rồng” tôi đã tiết chế hơn, ít nhất không có động từ mạnh.