Tác giả “Tôi đưa em sang sông” kể: “Gia đình tôi là gia đình có gốc văn chương ở Hà Nội. Chú tôi chính là Trọng Lang. Cha tôi là con thứ 5, chú Trọng Lang là con thứ 9, ở nhà thường gọi là chú Cửu”. Nhà văn Trọng Lang, tên thật Trần Tán Cửu, cây bút phóng sự tiêu biểu của Văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, 1945. Ông nội của Y Vân - Y Vũ là cụ Trần Tán Bình (1868-1937), từng làm quan dưới triều đình Huế. Một số tài liệu cho rằng cụ Trần Tán Bình chính là tác giả của bài “Á Tế Á ca” nổi tiếng. Nhưng cha mẹ Y Vân - Y Vũ lại không theo nghiệp văn chương: “Bố tôi dạy học. Tiếng Pháp của cụ rất giỏi”. Cha mẹ không nệ truyền thống gia đình, để con cái được tự do lựa chọn ngành nghề yêu thích. Hai con trai của họ, Y Vân - Y Vũ trở thành nhạc sĩ.
Còn Tường Vi, con gái của họ, theo nghề hóa trang. Thập niên 90, nghệ sỹ hóa trang điện ảnh Tường Vi đi theo các đoàn phim, từng hóa trang cho những mỹ nhân thời ấy, như Kiều Khanh, Lý Thu Thảo…
Vì sao Y Vân lựa chọn âm nhạc? Y Vũ giải đáp câu hỏi này của tôi: “Anh ấy đi thiếu sinh quân và học nhạc với giáo sư Tạ Phước. Giáo sư Tạ Phước rất giỏi, ông tốt nghiệp ở Nhạc viện Paris (Pháp)”. Theo nhạc sĩ Y Vũ, sáng tác đầu tiên của nhạc sĩ Y Vân là ca khúc “Ngăn cách”, ông viết cho người yêu đầu tiên của mình: Tường Vân. Y Vân tên thật là Trần Tấn Hậu. Bút danh Y Vân tức là Yêu Vân.
Đa tình trong âm nhạc, chỉn chu trong đời thường
“Yêu cho biết sao đêm dài/Cho quen với nồng cay/Yêu cho thấy bao lâu đài/Chỉ còn vài trang giấy…”. “Ảo ảnh” là một trong những tình khúc được yêu thích của nhạc sĩ Y Vân. Em trai của ông, nhạc sĩ Y Vũ cũng thích “Ảo ảnh”. Nhiều người nói, “Ảo ảnh” là nhạc phẩm viết cho người yêu đầu của Y Vân. “Có những bản nhạc Y Vân viết cho người yêu”, Y Vũ xác nhận. Nhưng tác giả “Tôi đưa em sang sông” cũng nói luôn: “Y Vân là người chôn giấu sự đau khổ trong lòng. Anh ấy ít va chạm với đời. Hồi trẻ anh yêu Tường Vân. Vào Sài Gòn thì lấy vợ. Ngoài đời thường Y Vân rất hiền lành, chân chất, lo cho vợ con, hết lòng vì vợ con, không bão tố như tôi. Anh Y Vân làm nhạc, viết hòa âm, ở nhà chăm sóc vợ con”.
Vợ của nhạc sĩ Y Vân trong chương trình “Chân dung cuộc tình” tập 14, phát sóng tối 21/3/2019 cũng bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối ở người chồng nổi tiếng.
Bà Minh Lâm đánh giá: “Anh rất nghiêm túc. Sống với nhau 23 năm tôi chưa thấy anh có một bóng hồng nào hết”. Bà cũng rõ ngọn ngành bút danh và “bóng hồng” trong quá khứ của chồng: “Khi đó anh 19 tuổi, cô Vân mới 16 tuổi. Mối tình của họ kéo dài được mấy năm thì chia cắt do gia đình bên kia không cho cô lấy nhạc sĩ vì sợ nghèo. Sau này, anh vào Nam, cô Vân có gửi thư nhưng vì bận, anh không trả lời, đưa tôi giữ đến tận bây giờ. Mối tình đó tôi rất tôn trọng”.
Theo nhạc sĩ Y Vũ, người đàn bà lớn nhất trong cuộc đời anh trai mình không phải Tường Vân mà chính là người mẹ. Bài hát hay nhất, phổ biến rộng rãi nhất của Y Vân cũng không phải “Ảo ảnh” mà chính là “Lòng mẹ”: "Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu/Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ/Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ/Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ…”. Bài hát gây xúc động bởi hoàn cảnh ra đời bài hát cũng xúc động. Nhạc sĩ Y Vũ đã kể nhiều lần câu chuyện này: “Cuối thập niên 1950, anh Y Vân là nhạc công chơi cho các nhà hàng ở Sài Gòn. Hàng đêm, mẹ ở nhà giặt quần áo ở máy nước công cộng, có lần giặt đến 2 giờ sáng thì bị cảnh sát đến nhắc nhở vì quá giờ giới nghiêm. Đến sáng, anh tôi về nhà, biết chuyện đã khóc và viết ra Lòng mẹ”.
Người đầu tiên trình bày “Lòng mẹ” chính là nhạc sĩ Y Vân. Ông hát cho mẹ mình nghe, bà lắng nghe và rơm rớm nước mắt. Y Vân ra đi năm 1992, ở tuổi 60. Bên quan tài con trai, người mẹ nghẹn ngào nói lời tiễn biệt: “Con đi trước mẹ nhưng khi còn sống con đã viết bài Lòng mẹ cho mẹ thì con đã báo hiếu lớn lao rồi”. Nhạc sĩ Y Vũ tiết lộ người mẹ bình thường mà vĩ đại của anh em ông là người phụ nữ gốc Hà Đông. Bà làm thơ rất hay. Nhưng cả Y Vân, Y Vũ đều chưa từng phổ thơ của mẹ.
“Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi…”
Không phải người miền Nam nhưng Y Vân là một trong những tác giả có ca khúc viết về Sài Gòn hay nhất. Ca khúc có giai điệu rộn ràng, ca từ đẹp đẽ, phấn chấn: “Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai/Đường xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay/Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi đây/Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi…”. Nhạc sĩ Y Vũ chia sẻ: Anh trai của ông muốn vẽ bức tranh Sài Gòn bằng âm nhạc trẻ trung, tươi mới với mong ước vẻ đẹp Sài Gòn bay cao, bay xa ra ngoài biên giới. Và “Sài Gòn” đã bay xa. Nữ ca sĩ người Singapore có tên Trương Tiểu Anh (Zhang Xiao Ying) đã từng hát “Sài Gòn” bằng tiếng Hoa giúp ca khúc được khán giả Singapore yêu thích một thời.
Nhạc sĩ Y Vân và vợ, bà Minh Lâm. |
Gia tài ca khúc giàu có và nhiều nhạc phẩm nổi tiếng song Y Vân lại tâm đắc những bản hòa âm hơn.
Nhạc sĩ Y Vũ kể: “Nhiều đêm anh thức trắng để viết hòa âm theo đơn đặt hàng. Có khi thức cả tuần để viết. Khi viết hòa âm bao nhiêu chất xám tuôn ra hết. Còn sáng tác ca khúc với chúng tôi không có gì nhọc nhằn, cứ có cảm xúc là viết được ngay”. Trước khi Y Vân qua đời, một hãng nhạc của Nhật Bản đã đặt ông viết 200 bài hòa âm. Tác giả “60 năm cuộc đời” rất hào hứng với đơn đặt hàng từ đối tác Nhật Bản nhưng chưa kịp bắt tay vào việc ông đã trút hơi thở cuối cùng.
Nhạc sĩ Y Vũ tiết lộ: Nam ca sĩ đầu tiên hát “60 năm cuộc đời” cũng ra đi ở tuổi 60. Vì thế, một số ca sĩ bây giờ khi hát “60 năm cuộc đời” ở phòng trà đã sửa con số: “Em ơi có bao nhiêu/90 năm cuộc đời…”. Bởi họ e ngại bài hát vận vào người.
Gia tộc vinh hiển, hai đời vợ, 8 người con
Y Vũ và người thân của ông hiện nay rất buồn trước thông tin viết sai lệch về gia tộc: “Họ nói chúng tôi từng sống trong căn nhà xiêu vẹo ở phố Khâm Thiên (Hà Nội) . Chúng tôi sinh ra trong một gia tộc tiếng tăm, làm gì ở trong ngõ với căn nhà xiêu vẹo? Ngày trước, sau thời gian tản cư vào Thanh Hóa vài năm chúng tôi ra Hà Nội, sống với các cô của tôi, cô Thúy ở ngay Hàng Trống, cô Huệ ở đường Khâm Thiên. Các cô đều có nhà cao cửa rộng. Ngay đến bây giờ gia tộc của chúng tôi vẫn lớn mạnh. Con cháu đều thành đạt cả”.
Nhạc sĩ Y Vân trải qua hai đời vợ. Họ đều không biết một nốt nhạc nào nhưng có khả năng thẩm ca khúc. Y Vân có 8 người con, cũng không có người con nào nối nghiệp cha: “Các con của Y Vân không theo âm nhạc vì không có khiếu. Anh Y Vân cũng không muốn các con theo âm nhạc vì nghề này tủi hổ lắm. Đến bây giờ không ít người tự xếp mình vào tầng lớp cao vẫn dè bỉu chúng tôi là “xướng ca vô loài”, Y Vũ ngậm ngùi. Theo tác giả “Tôi đưa em sang sông”, hai người phụ nữ đi qua cuộc đời Y Vân và sinh cho ông 8 người con đều đang sống ở Mỹ. Sinh thời, Y Vân không muốn ra nước ngoài, ông muốn được sống, được làm nhạc trên đất nước mình. Các con của Y Vân đều có công việc ổn định, thu nhập tốt ở nước ngoài. Con trai út của ông hiện là chuyên gia vi tính ở Singapore. Gia tài hơn 500 ca khúc của Y Vân do người con gái duy nhất đang sống tại Việt Nam quản lý.
Nhạc sĩ Y Vũ (đeo kính) và anh trai, nhạc sĩ Y Vân. |