Sản xuất nông nghiệp cần được tạo nhiều thuận lợi hơn để phát triển. Ảnh: Phạm Yên |
Hội thảo nhằm đánh giá những tác động của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đối với phát triển nông nghiệp nước ta hiện nay, cả về mặt tích cực và tiêu cực, phân tích và dự báo các nguy cơ, thách thức trước mắt cũng như lâu dài; đề xuất các giải pháp chủ yếu để nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế của nền nông nghiệp Việt Nam.
Gần 20 tham luận của các nhà nghiên cứu, chuyên gia được trình bày và gửi đến Hội thảo đều cho rằng, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần quan trọng vào sự phát triển nông nghiệp nước ta. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, đời sống nông dân được cải thiện tích cực.
Trong đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp, Đảng và Nhà nước ta đã có những thay đổi rất cơ bản theo hướng phát triển nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường trong nước được tự do lưu thông gắn với thị trường thế giới. Nhà nước tạo điều kiện, môi trường thuận lợi và bảo đảm cho mọi chủ thể sản xuất kinh doanh ở cả thành thị và nông thôn làm ăn hợp pháp.
Đồng thời, Nhà nước tập trung mạnh vào chống buôn lậu, gian lận thương mại, phát triển thông tin thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng kết cấu hạ tầng…
Nhờ vậy, không chỉ thị trường trong nước ngày càng phát triển mà nhiều loại hàng nông sản Việt Nam đã vươn ra chiếm lĩnh và có vị trí quan trọng trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, GS.TS Hoàng Ngọc Hòa cho rằng, nền nông nghiệp nước ta cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế quốc tế. Đó là sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào sự biến động của kinh tế và thị trường nông sản thế giới; nông nghiệp Việt Nam còn nhiều yếu kém nhưng phải đối mặt với sự cạnh tranh bình đẳng theo luật chơi chung của WTO…
Ngoài ra, việc các dự án FDI đầu tư cho nông nghiệp chỉ tập trung vào những vùng có khả năng sản xuất nguyên liệu với quy mô lớn, giao thông thuận lợi... đã làm gia tăng sự chênh lệch về trình độ phát triển sản xuất hàng nông sản xuất khẩu, do đó đã làm gia tăng sự chênh lệch về trình độ phát triển, thu nhập và sự phân hóa giàu nghèo giữa các vùng và nhóm dân cư.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Kháng và một số chuyên gia, để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn của Việt Nam đến năm 2020, trước hết phải xây dựng được một chiến lược toàn diện về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó lấy người nông dân làm trung tâm; đồng thời tập trung vào hai vấn đề quan trọng là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn và đào tạo nguồn nhân lực.
Một vấn đề cũng cần phải quan tâm là quy hoạch lại việc sử dụng đất đai, đặc biệt là đất nông nghiệp trên phạm vi cả nước, trong đó xác định lộ trình và hướng chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước.