Ngư dân vứt bỏ ngư cụ ngổn ngang. Ảnh: N.V. |
Tháng ba, khu đầm nước lợ rộng lớn chạy dọc qua hai xã Vinh Hiền, Lộc Bình (huyện Phú Lộc) vắng ngắt, tàu thuyền bạc phếch nắng mưa sấp ngửa nằm bờ. Mọi năm, đây là thời điểm ngư dân tấp nập xuống vụ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.
Vùng đầm thông ra tới cửa biển Tư Dung từ lâu mang tên Hải Phú, bởi luôn nhiều cá tôm. Khu đầm cũng từng là nơi ra đời nhiều mô hình nuôi thủy sản mới của cả tỉnh thu hút hàng trăm hộ ngư dân tham gia cải thiện sinh kế.
Ít ai ngờ, sau vài tháng cửa biển bị tắc, Hải Phú giờ thành nghèo kiệt thủy sản, tàu thuyền không thể ra khơi, dân sông nước phải tìm lên rừng mày mò kiếm sống...?
Vừa từ rừng trở về nhà giữa trưa, anh Lê Viết Sơn, ngư dân một thời tiên phong nuôi trồng thủy sản tại Lộc Bình, kể: “Ai chừng đời, tiếng là dân biển, chừ tui phải làm nghề rừng.
Nguồn nước đầm đã ngọt hóa, nhiễm bẩn, cá tôm tự nhiên biến mất. Muốn nuôi hàu, ốc hương, vẹm xanh như mọi năm cũng không được. Dăm ba lần thả giống là cụt vốn”.
Từ đầu năm, những lao động thuần ngư tại thôn Hải Bình (xã Lộc Bình) phải chuyển sang phát rừng, làm rẫy, trồng cây lâm nghiệp kiếm sống như anh Sơn không còn hiếm. Số khác chuyển sang làm phu hồ.
Anh Sơn kể, trước đây người làm nghề ngư từ đầm Hải Phú ra đến biển mỗi đêm thu lợi bình quân hơn 100 nghìn đồng. Từ ngày cửa Tư Dung bị bồi lấp, thu nhập đánh bắt tự nhiên giảm còn 1/3, ngư dân lỗ nặng.
Hai năm nay, một trung tâm nuôi trai ngọc lớn nhất tỉnh ra đời tại Hải Phú, tạo việc làm thêm cho hàng chục hộ ngư dân, mức thu nhập đều đặn 300 nghìn đồng/người/tháng.
Từ lúc trai ngọc bị nhiễm nước ngọt chết hàng loạt, trại nuôi thiệt hại nặng, ngư dân mất luôn nguồn thu nhập phụ.
“Chưa tính thất thu trong đánh bắt tự nhiên, thiệt hại về nuôi trồng thủy sản của riêng dân Lộc Bình chỉ vài tháng trở lại đây lên đến tiền tỷ. Doanh nghiệp nuôi trai lấy ngọc đầu tư gần 6 tỷ đồng, giờ gần như mất trắng”, ông Lương Thế Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bình, cho biết.
Ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT- Huế từng chỉ đạo ngành nông nghiệp và địa phương khắc phục tình trạng ngọt hóa vùng đầm Hải Phú. Tuy nhiên, khơi thông cửa biển Tư Dung là việc vượt quá khả năng địa phương.