Đó là những biểu hiện của 2 bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng dưới động mạch thận đã vỡ vừa được Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cứu sống.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân Lê Văn Vinh (49 tuổi, ngụ huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang). Ông Vinh nhập viện trong tình trạng đột ngột đau bụng dữ dội quanh rốn, kèm khối u lớn quanh rốn đập, huyết áp thấp.
Theo người nhà cho biết, bệnh nhân đã phát hiện khối u quanh rốn đập theo nhịp tim cách đây nhiều năm nhưng không khám, không điều trị vì không có biểu hiện đau và không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt.
Qua thăm khám các bác sĩ xác định đây là tình trạng cấp cứu về ngoại khoa nên tiến hành thực hiện khẩn siêu âm tổng quát, chụp cắt lớp vi tính mạch máu có cản quang. Kết quả CT-Scan cho thấy, ông Vinh bị vỡ phình động mạch chủ bụng đoạn sau chỗ chia động mạch thận đến chỗ chia động mạch chậu, đường kính 8.3 cm, chiều dài 10cm, có tụ máu sau phúc mạc.
Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Tuy nhiên, khi vào phòng mổ chuẩn bị gây mê thì huyết áp của ông Vinh không đo được, mạch 150-160 lần/phút. Mở bụng đường giữa trên và dưới rốn vào ổ bụng phát hiện có khoảng 500ml máu loãng và khoang sau phúc mạc có khoảng 1500 gam máu cục, phình động mạch chủ bụng dưới động mạch thận vỡ. Lập tức, ekip đã tiến hành kẹp động mạch chủ bụng dưới động mạch thận, kẹp động mạch chậu chung 2 bên. Cắt túi phình vỡ, dùng ống mạch máu nhân tạo thay ghép vào đoạn động mạch chủ bị vỡ.
Sau 4 giờ phẫu thuật, ông Vinh được truyền 4 đơn vị hồng cầu lắng, 3 đơn vị huyết tương để bồi hoàn lượng máu mất và điều chỉnh tình trạng rối loạn đông máu để ổn định về huyết động.
Hiện tại, bệnh nhân dần ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, đã rút nội khí quản hết đau bụng.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân Đặng Hồng Của (69 tuổi, ngụ huyện Phong Điền, TP Cần Thơ). Thời điểm nhập viện, ông Của cũng có biểu hiện tượng tự như ông Vinh. Do đó, các bác sĩ đã tiến hành siêu âm và chụp cắt lớp vi tính mach máu có cản quang. Qua đó xác định, ông Của phình động mạch chủ bụng dưới động mạch thận sát động mạch thận, kích thước 7x7cm huyết khối bám thành, có hiện tượng thâm nhiễm tụ dịch bao quanh khối phình. Bệnh nhân được chẩn đoán phình động mạch chủ bụng sát động mạch thận dọa vỡ. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn khẩn và có chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Ca mổ thành công, hiện ông Của đang dần hồi phục rất tốt.
Theo các bác sĩ, hai trường hợp này vỡ túi phình động mach chủ bụng kích thước to với nguy cơ tử vong rất cao. Do đây là động mạch lớn trong cơ thể dẫn máu từ tim đến các cơ quan và các mô ở nửa phần dưới của cơ thể. Vỡ túi phình có thể làm người bệnh tử vong bất cứ lúc nào.
Theo y văn, phình động mạch chủ bụng là tình trạng động mạch bị giãn lớn hơn 1,5 lần đường kính động mạch bình thường và lớn dần kích thước theo thời gian. Nguy cơ vỡ gia tăng theo kích thước túi phình, khi túi phình vỡ làm người bệnh tử vong nhanh chóng, cho dù được phẫu thuật kịp thời tỉ lệ tử vong cũng rất cao lên đến 30 - 70%.
Phần lớn các trường hợp phình động mạch chủ bụng không có biểu hiện về mặt lâm sàng hoặc tình cờ phát hiện khi thăm khám một bệnh lý khác qua siêu âm bụng hay sờ thấy khối u trong bụng đập theo nhịp tim, bởi vậy bệnh thường bị bỏ qua.