Ấy là chưa kể, trong khoảng thời gian cực ngắn, những quyết định liên quan tới các đội bóng được đưa ra và thay đổi xoành xoạch, như việc cấm rồi lại cho khán giả vào sân Thống Nhất, khiến người hâm mộ chẳng biết đâu mà lần.
Trọng tài Bùi Quang Thông bị đội Khánh Hoà tố cáo đã tiêu cực khi còn là cầu thủ và bị cấm thi đấu. Dù treo còi trọng tài nhưng VPF đã một phen ngượng ngùng. |
Nói thì hay thôi rồi…
Nói cho nhanh, chẳng ai ép VPF trong ngày ra đời phải tuyên bố hoành tráng, nào là giải đấu sẽ có lời, nào là giải đấu sẽ tăng tính hấp dẫn, giải đấu sẽ sạch… Tóm lại, tất cả những gì mà người ta trông chờ mãi ở V-League chẳng có được thì VPF hứa rằng, ở Super League của họ, mọi thứ sẽ “chuẩn không cần chỉnh”.
Thế nhưng, cùng với việc hứa hẹn tăng tiền công tác cho trọng tài để chống tiêu cực thì thực tế diễn ra chính là các trọng tài than như bọng bởi tiền đâu chưa thấy, chỉ thấy vác tiền nhà đi làm giải. Chưa hết, các điều phối viên trận đấu mọi năm đều có tiền công 500.000 đồng/trận thì năm nay, chẳng hiểu các câu lạc bộ vì lẽ gì mà “quên” luôn, khiến lời ra tiếng vào nhiều vô kể và mới đây, ngày 3.2, VPF phải có công văn đề nghị cho họ được truy lĩnh từ lượt đấu đầu tiên diễn ra vào ngày 18.12.2011 và có xác nhận của giám sát trận đấu.
Chuyện tiền nong chưa ổn thì cái sự sạch cũng chẳng ra gì nốt. Giải đấu diễn ra chán chê, nhờ đội Khánh Hoà kiện, VPF mới ớ người ra phát hiện trọng tài mà họ đang sử dụng là một cầu thủ bị VFF cấm thi đấu vĩnh viễn vì… tiêu cực.
Đó là chưa kể nạn bạo lực không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Các pha bay người song phi của cầu thủ xứ Nghệ tiếp tục là “đặc sản” đội này, Thanh Hoá cũng chọn cách dùng võ thuật thay vì kỹ thuật khi đối đầu với đội bạn.
Mới nhất ở trận đấu bù vào ngày 4-2, dù đã có công văn nhắc nhở của VPF gửi đến các đội bóng để chấn chỉnh tình hình đạo đức cầu thủ thì trên sân Ninh Bình, cảnh lao vào nhau vẫn diễn ra giữa các cầu thủ Ninh Bình và Thanh Hoá.
Có vẻ như đến thời điểm này, người hâm mộ dần thất vọng khi nhớ lại những lời nói thật hay của bộ sậu lãnh đạo VPF trước đây, bởi rờ tới chuyện lộn xộn nào cũng thấy lãnh đạo VPF “cần thêm thời gian” trong khi giải đấu đã diễn ra đến lượt thứ tư.
Vẫn hoài trục trặc…
Việc VPF chưa thể làm tốt công việc của mình ngoài chuyện chưa quen việc có thể còn vì họ chưa nhận được thiện chí tốt nhất từ VFF, mà cụ thể là từ ông chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, người thường xuyên xuất hiện trên mặt báo để “phê bình” VPF.
Mới nhất, đến thời điểm này, việc chuyển giao quyền điều hành các giải đấu cho VPF một cách toàn diện vẫn chỉ là “chủ trương” chứ chưa thành hiện thực thật sự. Đó cũng là lý do mà dù giải đấu đã diễn ra nhưng điều lệ giải và quy chế bóng đá chuyên nghiệp mới vẫn chưa được ban hành vì đang đợi VFF thẩm định, theo yêu cầu của tổng cục Thể dục thể thao (TDTT).
Chưa hết, chẳng hiểu vì lẽ gì mà hôm 2-2, bất ngờ tổng cục TDTT ký công văn yêu cầu VPF đổi lại tên giải là V-League thay vì Super League như đã dùng trong thời gian qua, dù ông Nguyễn Đức Kiên, phó chủ tịch hội đồng quản trị VPF, khẳng định rằng việc thành lập VPF và tên giải đã xin phép các cơ quan chức năng, cụ thể là ngày ra mắt giải đấu cũng có sự tham dự của đại diện tổng cục TDTT.
Bỏ qua những chi tiết như việc tổng cục TDTT là một cơ quan nhà nước trực tiếp điều chỉnh các hoạt động ở giải bóng đá chuyên nghiệp là vi phạm luật FIFA, điều khiến người ta thắc mắc nhất chính là việc vì sao giải đấu diễn ra từ tháng 12-2011 mà đến giờ tổng cục TDTT mới can thiệp yêu cầu đổi lại tên. Việc này gây tốn kém khi các bảng quảng cáo trên tất cả các sân đã in nay phải thay đổi, chưa kể các công văn, tài liệu, con dấu và thậm chí là hợp đồng mà Eximbank đã ký tài trợ cho giải đấu Super League...
Giải bóng đá mà bản quyền truyền hình phải đến Thủ tướng ra tay mới yên, tên giải phải có chỉ đạo của tổng cục TDTT nhưng cũng chưa rõ ràng, cầu thủ đá xấu kiểu đầu gấu nhưng người bị đá xấu lãnh mức phạt ngang với người... chơi xấu, ngổn ngang như thế, không là “giải bóng đá từa lưa” thì gọi là gì?