Theo BS Vũ Hiệp Phát, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, cách đây không lâu, khoa đã tiếp nhận trường hợp bé M.P.N (10 tuổi, ngụ TPHCM) được một bệnh viện ở Thủ Đức chuyển đến trong tình trạng khá nguy kịch vì đuối nước khi đi bơi.
“Bệnh nhi được nhập viện cấp cứu ban đầu tại hồ bơi sau khi được vớt lên bờ bằng phương pháp thổi ngạt hồi tim, sau đó được chuyển đến một Bệnh viện gần đó và tiếp tục chuyển lên BV Nhi đồng 2 vì tình trạng quá nguy kịch. Sau khi tiếp nhận, các BS đã tiến hành đặt máy thở cho bệnh nhi để tránh những tổn thương về thần kinh, dùng kháng sinh và tích cực theo dõi. May mắn, bệnh nhi đã qua khỏi.”, BS Phát nói.
Theo BS Phát, trung bình mỗi tuần, khoa cấp cứu tại Bệnh viện tiếp nhận từ 1-2 ca đuối nước ở trẻ, có những ca nhẹ nhưng cũng có những trường hợp trẻ nguy kịch. “Điều đáng nói là những ca trẻ đuối nước lại xảy ra ở những hồ bơi có huấn luyện viên, có người túc trực để cứu hộ”, BS Phát thông tin.
Thời gian vào hè là thời gian trẻ không phải đến trường nhưng cha mẹ vẫn phải tất bật làm việc nên dễ lơ là con trẻ. Từ trường hợp nêu trên, BS Phát liệt kê những tai nạn thường xảy ra vào ngày hè đối với trẻ:
Tai nạn giao thông: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất đối với các bệnh nhi khi nhập viện tại Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2. Theo BS Phát, tai nạn thường xảy ra khi trẻ đi chơi với gia đình hoặc đi riêng lẻ một mình (thường xảy ra ở trẻ từ 6-7 tuổi trở lên). “Trẻ được ba mẹ chở vô tình xảy ra va chạm với xe lớn hoặc trẻ chạy xe đạp một mình bị té ngã, chấn thương. Do đó khi chở con lưu thông trên đường, ba mẹ cần trang bị gài mũ bảo hiểm cẩn thận, đi với tốc độ vừa phải và hạn chế để trẻ nhỏ chạy xe đạp một mình, phòng những tai nạn có thể xảy ra”, BS Phát khuyến cáo.
Tai nạn sinh hoạt: Như đã phân tích, ngày hè trẻ con được nghỉ ở nhà do đó cha mẹ rất dễ lơ là trong việc chăm sóc con. Đã có nhiều trường hợp trẻ chấn thương sọ não do những vật dụng trong gia đình rơi vào đầu; trẻ nhỏ tử vong do té vào xô đựng nước lau nhà khi cha mẹ bất cẩn quay đi; thậm chí từng có trẻ nguy kịch vì bị cửa cuốn quấn lên cao. “Đây là những tai nạn rất dễ xảy ra ở trẻ nhưng cha mẹ lại thường chủ quan. Do đó cần lưu ý trong việc chăm sóc con, luôn để trẻ nhỏ trong tầm mắt, những vật dụng nhọn, nguy hiểm nên đặt xa tầm với của trẻ để phòng những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra”, trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 2 khuyến cáo.
Tai nạn té ngã: Nhà có cầu thang và đặc biệt là ở chung cư; những khu vui chơi, siêu thị có thang cuốn, cầu thang…là những nơi rất dễ dẫn đến tai nạn té ngã ở trẻ nếu cha mẹ bất cẩn để trẻ một mình. Đã có rất nhiều những trường hợp trẻ tử vong thương tâm do bất cẩn ngã từ lan can xuống đất. “Do đó đối với nhà ở, nên rào chắn cẩn thận, tránh để trẻ lọt ra ngoài do kẽ hở từ lan can. Khi dẫn con đi siêu thị, du lịch, những khu vui chơi cao tầng, nên nắm chặt tay trẻ và tuyệt đối không để trẻ tự đi một mình. Sẽ không ai biết điều gì sẽ xảy ra chỉ sau một vài giây cha mẹ lơ là với trẻ”, BS Phát cho biết.