BSCKI Lưu Công Chính – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cho biết, bệnh nhân 6 tuổi (ở Thanh Trì, Hà Nội) nhập viện lúc 14h30 phút ngày 26/11/2018 trong tình trạng tím tái, khó thở, vật vã kích thích. Trên cổ của bé có vết hằn đỏ và vẫn còn nguyên một dây nhựa thắt chặt vào cổ gây suy hô hấp cấp.
Theo lời kể của cô giáo đưa bé đi cấp cứu, trên đường đến trường, bé trai này có nhặt được một vòng dây nhựa và mang đến lớp. Sau đó, trẻ nghịch ngợm cho vòng dây vào cổ và bị thắt chặt cổ. Quá hoảng loạn, trẻ càng cố kéo dây ra thì vòng dây càng thắt chặt hơn gây nên tình trạng khó thở, tím tái và phải nhập viện sau đó.
Khi đến Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí cắt đứt chiếc dây nhựa, giải phóng đường thở và cho trẻ thở oxy. Bệnh nhân dần ổn định và ra viện ngay trong ngày hôm qua 26/11.
Theo BSCKI. Lưu Công Chính, đặc điểm của vòng dây nhựa này là càng kéo càng thắt chặt, không thể nới lỏng và rất khó cắt dây. Với tình huống trẻ bị loại dây này thắt ở cổ thì người xung quanh cần bình tĩnh, tránh hốt hoảng và bằng mọi cách nhanh chóng cắt đứt dây. Đáng chú ý là loại dây thít nhựa này có một cái lẫy nhỏ nhưng trong tình huống khẩn cấp không nên loay hoay tìm lẫy để tháo ra mà nên dùng kéo cắt dây.
“Cách cắt dây là cắt dây ở phía sau gáy nạn nhân vì đó là phần có “nền cứng” là cột sống cổ. Không nên cắt ở vùng trước cổ do vùng này có nhiều mạch máu thần kinh dễ gây hẹp khí quản, nạn nhân khó thở hơn”- BS. Chính nói.
Theo các BS, tắc đường thở là tai nạn mà trẻ nhỏ rất dễ gặp phải. Nhưng không ít trường hợp, do cha mẹ không biết cách xử lý kịp thời đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho trẻ.
Bác sĩ Phùng Nam Lâm - Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - cho biết: Có rất nhiều trẻ đến BV cấp cứu do bị dị vật gây ngạt thở: hóc xương, hạt na, đồng xu, cúc áo...; sặc thức ăn, sữa, phấn rôm...; bị dây thun, dây dù thít cổ...
Nếu không được cấp cứu kịp thời thì chỉ sau 3 phút nghẹt thở, trẻ sẽ bị di chứng não suốt đời. Nghiêm trọng hơn, chỉ 5 phút sau khi nghẽn đường thở, trẻ sẽ bị tử vong.
Cần lưu ý những dấu hiệu cho biết trẻ đang bị tắc đường thở:
Trẻ tím tái, ho sặc sụa; trào nước mắt nước mũi, không phát âm hoặc không thể khóc thành tiếng, trẻ phải nắm lấy cổ của mình.
Tình hình nguy cấp hơn nếu thấy môi và lưỡi trẻ bắt đầu tím tái và trẻ có thể bất tỉnh nếu vật tắc không lấy được ra.
Ngay lúc này, các bậc cha mẹ cần nhanh chóng lấy dị vật ra khỏi mũi, miệng trẻ để làm thông đường thở và áp dụng biện pháp sơ cấp cứu.
Một vài biện pháp sơ cấp cứu:
Với trẻ sơ sinh: Để trẻ nằm sấp theo dọc cánh tay bạn, đầu trẻ thấp hơn ngực. Một tay đỡ đầu và vai trẻ, tay kia vỗ mạnh vào lưng để dị vật bắn ra ngoài, đừng vỗ mạnh tránh tổn thương trẻ. Nếu bị sặc sữa, bột thì ngậm vào mũi trẻ và hút thật mạnh. Nếu không có hiệu quả trẻ bị bất tỉnh cần hà hơi thổi ngạt miệng - mũi, miệng - miệng cố gắng thổi dị vật làm cản đường thở.
Với trẻ nhỏ: Để trẻ sấp trên đùi bạn, đầu trẻ thấp hơn vai, vỗ nhiều lần vào giữa hai vai trẻ đến khi dị vật bắn ra ngoài. Nếu trẻ bất tỉnh, làm hô hấp nhân tạo.
Với trẻ lớn: Bảo trẻ cúi người ra trước, đầu thấp hơn ngực, lấy tay móc miệng để nôn dị vật ra. Nếu trẻ không thể ho và vật cản tắc đường thở, dùng gốc bàn tay vỗ mạnh vài lần giữa hai bên xương sườn trẻ, rồi đột ngột thúc ngược nắm tay ra sau và hướng lên trên, vật lạ sẽ bị đẩy lên miệng khiến trẻ ho ra được.
Bạn có thể luân phiên vỗ phía sau lưng và ấn phía dưới bụng của trẻ. Nếu trẻ bị bất tỉnh, hà hơi thổi ngạt như trên. Nếu dị vật vẫn không ra khỏi đường thở, chuyển ngay trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.