Tạm giữ 6.000 hộp sữa Danlait để làm rõ
Đề nghị Đại sứ quán Pháp xác minh sữa Danlait
> Niêm phong, tạm giữ 6.000 hộp sữa dê Danlait
Kiểm tra tại tổng kho của công ty. Ảnh: Dân Trí. |
Sau khi dư luận xôn xao về việc sữa dê Danlait do Công ty TNHH Mạnh Cầm (số 13, ngõ 2 Nguyễn Viết Xuân, Hà Nội) phân phối có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ngày 21/2, Đội QLTT số 12 (quận Thanh Xuân) đã kiểm tra đột xuất trụ sở công ty và phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm. Theo quan sát của chúng tôi ở hiện trường, đến 17h chiều cùng ngày, lực lượng QLTT vẫn đang tiến hành niêm phong sản phẩm để tạm giữ, tiếp tục điều tra làm rõ.
Người tiêu dùng tố cáo DN “treo đầu dê, bán thịt chó”
Theo thông tin được chị Cao Ngân Hà, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ cho các bà mẹ đang nuôi con nhỏ trên diễn đàn lamchame.com, chị cho con dùng sữa Danlait (do Công ty TNHH Mạnh Cầm trụ sở ở quận Thanh Xuân phân phối) từ lúc con trai chị được 7 tháng tuổi. Tham khảo nhiều thương hiệu sữa bột, chị Hà đã chọn sữa dê Danlait vì theo những thông tin được in trên vỏ hộp, đây là sữa do Tập đoàn FIT - một doanh nghiệp Châu Âu sản xuất. Tuy nhiên, khác với lời quảng cáo: “Sữa dê Danlait-Pháp hỗ trợ tối đa cho hệ tiêu hóa, hệ hô hấp, phát triển trí não, chiều cao, khả năng hấp thụ và phù hợp cho trẻ bị dị ứng với sữa bò", sau hơn 2 tháng sử dụng sữa dê Danlait, con chị đã không lên cân, thậm chí còn sụt cân. Chị cho biết, khi 7 tháng tuổi, cháu bé cân nặng là 12kg, nhưng sau khi dùng sản phẩm sữa dê thì nay gần 9 tháng tuổi nhưng cân nặng của cháu chỉ là 11,5kg, và có dấu hiệu mọc răng chậm.
Theo chị Hà, sau khi thấy con không tăng cân, cẩn thận hơn, chị đã nhờ bạn bè là Việt kiều và cả người sống ở Pháp tìm mua hộ loại sữa này gửi về Việt Nam nhưng tất cả đều khẳng định, ở Pháp không nghe thấy tên của nhà sản xuất FIT và trên thị trường nước này không có bán loại sữa dê hiệu Danlait. Hoang mang, chị Hà đã tìm hiểu thêm thông tin từ website danlait.fr in trên hộp sữa. “Điều đầu tiên tôi thấy không bình thường là website của hãng sữa Pháp nhưng có những tên file ảnh ghi bằng tiếng Việt”, chị Hà cho biết. Những thông tin này được chị Hà chia sẻ trên diễn đàn và ngay lập tức, hàng loạt ý kiến đồng tình của các bà mẹ cũng cho con dùng sữa dê Danlait đã khiến vụ việc ngày một “nóng”.
Sản phẩm sữa dê Danlait xuất hiện trên thị trường Việt Nam từ đầu năm 2011 dưới hình thức hàng xách tay. Công ty Mạnh Cầm bắt đầu nhập khẩu và phân phối độc quyền từ tháng 2/2012. Sau những thông tin ồn ào từ phía người tiêu dùng, phía Công ty TNHH Mạnh Cầm đã công bố hàng loạt giấy tờ liên quan đến việc nhập khẩu sữa Danlait trên diễn đàn lamchame.com kèm theo lời khẳng định: “Có một số cá nhân, tổ chức lợi dụng diễn đàn để đăng và phát tán những thông tin sai sự thật nhằm bôi nhọ, xúc phạm làm ảnh hưởng tới hình ảnh của Công ty Mạnh Cầm”.
Nhưng rất nhiều ý kiến của người tiêu dùng, đặc biệt là của cả các bà mẹ nuôi con nhỏ đang sinh sống tại Pháp và châu Âu đã không đồng tình. “Mình ở Đức cũng là nước lớn và nổi tiếng ở châu Âu nhưng chưa bao giờ nghe tới sữa này cả, mà bạn bảo giấy phép của FIT cho việc bán sản phẩm sữa dê tại Pháp, châu Âu, Việt Nam và các nước khác. Một điều nữa là Tập đoàn FIT ko có sản xuất sữa mà chỉ cung cấp nguyên liệu làm sữa, pho mai..v.v... thôi, làm gì sản xuất sữa mà được giấy phép cho bán sản phẩm sữa?”, một thành viên trên diễn đàm lamchame.com bày tỏ ý kiến.
Sản phẩm sữa Danlait bị lực lượng QLTT tạm giữ để kiểm tra chiều 21/2. |
Sữa không đủ tiêu chuẩn chất lượng, bán với giá gấp 4 lần giá nhập
Trao đổi với PV, ông Kiều Đình Cảnh - Phó Đội trưởng Đội QLTT số 12 cho biết: Số lượng sữa dê Danlait bị tạm giữ là hơn 6.000 hộp (loại 400g). Chỉ với các dấu hiệu ban đầu, hành vi lừa dối người tiêu dùng đã rất rõ. Thực chất, sản phẩm sữa dê Danlait chỉ là thực phẩm bổ sung chứ không phải sữa. Tuy nhiên, công ty này đã tự động bỏ nhãn phụ là “thực phẩm bổ sung” mà ghi trên sản phẩm là “sữa cho trẻ em”.
Theo tiêu chuẩn Việt Nam hiện nay đối với sản phẩm sữa, độ đạm phải từ 34% trở lên, nhưng trên bản tự công bố sản phẩm của Mạnh Cầm chỉ có độ đạm từ 13%-17,5%. Ngay các thông tin được công bố công khai đã thể hiện sự vi phạm của doanh nghiệp (DN) này. Được biết, với những lời quảng cáo “trên mây”, hiện trên thị trường, nhãn sữa này được bán với giá “cắt cổ” 420.000 đồng/hộp tại các đại lý - là giá của các dòng sữa cao cấp. Tuy nhiên, giá trị thực tế của nó chưa đến 1/4 con số trên.
Ông Kiều Đình Cảnh cho biết thêm, qua kiểm tra chứng từ hóa đơn, giá nhập khẩu mỗi lon sữa này là hơn 3 Euro, tức là chỉ khoảng 90.000 đồng. Cộng cả thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10% và lãi, giá bán ra thị trường thể hiện trên hóa đơn của Công ty Mạnh Cầm chỉ là 115.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, đây chỉ là mức giá khai gian để trốn thuế. Giá thanh toán thực của Mạnh Cầm với các đại lý là 350.000 đồng/hộp. Với những con số này, người tiêu dùng đã bị “móc túi” đến 300.000 đồng/hộp, lợi nhuận của bên bán hàng lên tới hơn 70%.
Được biết, từ tháng 2/2012, DN này đã được Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp 4 giấy chứng nhận được phép nhập khẩu 4 lô hàng với tổng số 40.380 lon, đã bán đi 34.040 lon, còn tồn kho hơn 6.340 lon. Với số lượng này, người tiêu dùng đã bị móc túi hơn 10,2 tỷ đồng. Riêng Công ty Mạnh Cầm đã trốn thuế một khoản tiền xấp xỉ 8 tỷ đồng do chênh lệch giá bán trên hóa đơn và giá thực. Đây mới chỉ là những thiệt hại tính toán được bằng số, những tác hại về mặt sức khỏe của trẻ em do việc lừa dối khách hàng của công ty thì không thể tính toán được. Việc có thể có hành vi gian lận về số lượng nhập để trốn thuế hay không hiện cũng chưa có kết luận.
Có dấu hiệu trốn thuế và lừa dối khách hàng
Về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, ông Kiều Đình Cảnh xác nhận sản phẩm trên đúng là có xuất xứ từ Pháp. Điều này được thể hiện trên tờ khai Hải quan, trên hóa đơn chứng từ và trên giấy chứng nhận xuất xứ được Phòng Thương mại Pháp cấp. Ông Cảnh cũng phủ nhận thông tin sản phẩm được nhập từ Trung Quốc qua Pháp để giả xuất xứ rồi nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, việc sản phẩm trên có phải là của DN có uy tín của Pháp, có chất lượng đúng như công bố hay không, hiện chưa thể khẳng định.
Lực lượng QLTT đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số sữa, mang mẫu đi kiểm định chất lượng xem có đảm bảo lưu thông trên thị trường không, có đúng với thông tin công bố hay không. Ngoài ra, nhãn gốc cũng sẽ được dịch để xem có khớp nhau không. Sau đó mới tiến hành tiếp tục xử lý theo quy định. Việc có khởi tố vụ việc hay không, ông Cảnh cho biết phải căn cứ vào các kết quả kiểm định để xác định hành vi. Được biết, kết quả giám định sẽ có trong vòng 1 tuần tới. Tuy nhiên, người tiêu dùng hoàn toàn có thể khởi kiện đến các cơ quan chức năng và khởi kiện ra tòa. Lực lượng chức năng cũng cho biết đã yêu cầu DN này thu hồi toàn bộ số sữa đã bán ra thị trường. Trên sổ sách giấy tờ thể hiện DN chủ yếu kinh doanh trên địa bàn Hà Nội