Bảo quản và pha sữa đúng cách: Câu chuyện mẹ đừng nên xem nhẹ
Mở một hộp sữa công thức định cho con uống, chị Như Quỳnh (Thanh Xuân, Hà Nội) thấy hoang mang khi phát hiện sữa có dấu hiệu đóng cục, màu sắc bất thường. Liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng của nhà sản xuất, chị mới biết: “Hóa ra những bất thường từ hộp sữa bắt nguồn từ việc tôi để ở trên mặt bếp mà quên để ý rằng khu vực này bị nóng do nằm cạnh ngay tủ lạnh, lò vi ba, bếp gas. Tôi cứ ngỡ sữa mở nắp rồi mới cần bảo quản kỹ lưỡng mà quên mất rằng ngay cả khi còn hạn sử dụng và chưa mở hộp thì chất lượng sữa bên trong vẫn có thể bị ảnh hưởng nếu để gần nơi có nhiệt độ quá nóng hoặc ẩm thấp”.
Báo chí hay hệ thống chăm sóc khách hàng của nhiều công ty danh tiếng từng ghi nhận các trường hợp phản hồi của khách hàng như chị Quỳnh cũng như nhiều trường hợp khác về các biểu hiện bất thường như sữa vón cục, bột sữa bị ẩm, thay đổi màu sắc và hương vị sữa… Nguyên nhân chính của việc này phần lớn là do bảo quản và sử dụng sản phẩm chưa đúng cách.
Một số lỗi trong quá trình sử dụng và bảo quản thường gặp khác là người tiêu dùng không rửa tay sạch trước khi pha sữa, sử dụng muỗng không sạch thay vì sử dụng muỗng có sẵn bên trong hộp sữa, dẫn đến vô tình đưa vi khuẩn vào bột sữa còn lại, đậy nắp không kỹ sau khi sử dụng hoặc lon sữa đã mở trong tủ lạnh khiến sữa bên trong bị ẩm.
Ngoài ra, khi sử dụng, cũng có nhiều trường hợp người dùng tự ý thay đổi công thức sữa bằng cách pha loãng đi hoặc đậm đặc hơn, cho thêm vào sữa những thực phẩm khác mà không hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Tất cả những cách làm này đều tiềm ẩn nguy cơ khiến sữa công thức mất đi giá trị dinh dưỡng vốn có.
Những điều cha mẹ cần lưu ý để bảo quản sữa đúng cách
Sữa công thức là một trong những sản phẩm dinh dưỡng vô cùng đặc biệt, đòi hỏi những yêu cầu khắt khe về quá trình sản xuất, phân phối, bảo quản và sử dụng. Với những hãng sữa uy tín, từ công thức và quy trình sản xuất, đóng gói, lưu kho… phải đáp ứng theo chuẩn quốc tế, đến quá trình phân phối cũng luôn có một đơn vị chính thức, tuân thủ theo mọi quy định về nhiệt độ, cách vận chuyển, độ ẩm cho phép.
Tham khảo một quy trình sản xuất và phân phối sữa Similac của công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu Abbott, nhãn hàng chia sẻ rằng những sản phẩm được phân phối chính hãng tại Việt Nam hiện nay đều được sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất từ nhà máy ở Châu Âu và Singapore, đồng thời được đóng gói hoàn toàn tự động trong môi trường khí trơ, tất cả dây chuyền là khép kín, hoàn toàn tự động và được kiểm soát chặt chẽ.
Chất lượng sản phẩm là yếu tố được ưu tiên hàng đầu, do vậy ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào đã được kiểm soát chặt để đảm bảo yếu tố an toàn và dinh dưỡng. Đối tác vận chuyển và phân phối cũng được tuyển chọn cẩn trọng và thường xuyên được kiểm tra đánh giá để đảm bảo đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt.
Khi sử dụng sữa, cha mẹ nên đọc kỹ và tuân thủ những hướng dẫn trên vỏ hộp. Tùy từng loại sữa, tùy nhà sản xuất sẽ có các hướng dẫn cách pha sữa có thể khác nhau. Cần tuân thủ theo đúng công thức này, vì đó là những tỷ lệ bột sữa - nước tối ưu mà nhà sản xuất đã nghiên cứu cẩn thận, nhằm mang đến hiệu quả tốt nhất cho người sử dụng.
Phó GS. TS. Lê Bạch Mai, Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia đã đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp cha mẹ sử dụng và bảo quản sữa: “Khi pha sữa, trước tiên, các mẹ cần phải đọc kỹ hướng dẫn. Hưỡng dẫn trên từng hộp sữa chính là hướng dẫn chuẩn nhất. Các mẹ nên pha đúng như hướng dẫn của nhà sản xuất về số lượng muỗng sữa và số mililit nước thì sẽ được sữa dạng lỏng pha chuẩn. Tốt nhất là sữa được dùng hết ngay sau mỗi lần pha (Sữa pha của bữa nào thì bố mẹ cho bé uống hết trong bữa đó).
Các bậc phụ huynh cố gắng đánh giá đúng khả năng uống sữa của bé để pha bao nhiêu sữa thì bé uống hết bấy nhiêu. Trong 1 số trường hợp, các bậc phụ huynh lỡ pha lượng sữa còn dư thừa nhiều hơn so với lượng sữa mà bé uống được thì trước khi cho bé uống sữa nên ước lượng và san bớt lượng sữa mà nhiều khả năng mà bé không uống hết vào trong bình đựng sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và cất giữ trong ngăn mát tủ lạnh để sử dụng cho bữa sau; không nên để quá lâu sang ngày hôm sau. Vì nếu các bậc phụ huynh cho bé uống sữa bữa đó trước thì khi miệng bé ngậm vào cốc/thìa hoặc là núm vú của bình sữa rất có thể truyền vi sinh vật sang và khiến việc bảo quản sữa khó hơn rất nhiều, dễ bị nhiễm khuẩn. Trước khi sử dụng sữa được bảo quản lạnh, các phụ huynh nên làm ấm sữa bằng cách ngâm vào bát nước ấm hoặc sử dụng bình hâm nóng sữa, tuyệt đối không dùng lò vi sóng”.
Bác sĩ cũng chia sẻ thêm về những điều cần lưu ý trong quá trình bảo quản sữa như sau: “Sau khi mở hộp sữa, các mẹ chú ý không nên sử dụng quá 3 tuần và đậy nắp hộp sữa thật kín sau mỗi lần pha sữa. Ngoài ra, không nên bảo quản hộp sữa bột đã mở nắp trong tủ lạnh. Vì ngăn mát của tủ lạnh có độ ẩm rất thấp, khi các bậc phụ huynh mang hộp sữa ra khỏi tủ lạnh để lấy sữa pha cho bé thì đấy lại là cơ hội để sữa bột hút ẩm ngoài không khí làm sữa rất dễ bị vón cục. Vậy nên, đối với sữa bột chỉ cần bảo quản ở môi trường thoáng mát, tránh côn trùng xâm nhập, không nên cất giữ ở những nơi quá nóng hoặc gần bếp chế biến thực phẩm.”
Đặc biệt, khi gặp những vấn đề nghi ngại về chất lượng sản phẩm, thay vì hoang mang tự xử lý theo cách của mình như tìm kiếm những nguồn thông tin không rõ ràng, không được kiểm chứng từ các diễn đàn trên mạng xã hội,…người tiêu dùng nên liên hệ trực tiếp với bộ phận chăm sóc khách hàng hay hotline của hãng sản xuất để có được thông tin chính thức.
Các hãng sữa uy tín đều rất coi trọng từng phản ánh của khách hàng. Với kinh nghiệm lâu năm, phương tiện hiện đại, thông tin xác thực, nhà sản xuất có thể cùng với người tiêu dùng xác định được chính xác nguyên nhân cụ thể cho từng trường hợp riêng biệt. Việc này vô cùng hữu ích cho người tiêu dùng, vì qua đó, họ có thể hiểu rõ vì sao chất lượng sữa thay đổi và sẽ biết cách bảo quản và sử dụng tốt hơn vì sức khỏe của bản thân cũng như của các thành viên trong gia đình.