Câu chuyện anh Nguyễn Ngọc Mạnh (Đông Anh, Hà Nội) cứu thành công một bé gái rơi từ tầng 12 chung cư trên đường Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội) hôm qua (28/2) được nhiều người coi là một kỳ tích, một phép nhiệm màu.
Trên các diễn đàn, câu hỏi đặt nhiều người đặt ra là khoảnh khắc anh Nguyễn Ngọc Mạnh đỡ bé gái rơi từ tầng 12 xuống, lúc đó anh sẽ đỡ một vật thể tương đương bao nhiêu?
Thầy Trần Mạnh Tùng, một giáo viên dạy Toán tại Hà Nội đã giải bài toán này. Thầy cho hay, chuyển động của em bé tương tự chuyển động rơi tự do. Ở Hà Nội, lấy gia tốc trọng trường g = 9,8m/s2. Giả thiết khối lượng em bé tính là 14kg.
- Phương trình rơi tự do:
S = 0,5.g.t.t = 4,9.t.t
Quãng đường rơi: 12 tầng tính là 36m nên 36 = 4,9.t.t, từ đó ta tính được thời gian rơi là 2.71 giây
Vận tốc lúc chạm tay anh Mạnh: v = gt = 26,56m/s
Tính lực tác động vào tay anh Mạnh theo công thức F = mv/t. Với t là thời gian va chạm giữa tay người đỡ và em bé, thời gian này thường rất nhỏ. Giả thiết thời gian này bằng 0,5 s, thầy Tùng cho biết, lực tác động vào tay anh Mạnh khoảng F = 14.26,56/0.5 = 743,68 N. Từ đó suy ra, anh Mạnh sẽ đỡ một vật thể tương đương khoảng 76kg.
Như vậy, trọng lượng của em bé khi được anh Mạnh đón tương đương với khối lượng của một người đàn ông trưởng thành. Tuy nhiên, thầy Tùng cũng lưu ý, con số 76kg là con số ước tính bởi không ai biết chính xác thời gian va chạm giữa tay người đỡ và em bé. Nếu con số này nhỏ hơn giả thiết thì lực sẽ còn mạnh hơn. Ngoài ra, cách đỡ bé cũng tác động đến việc làm tăng hay giảm lực tác động.
Trước đó, trên thế giới cũng ghi nhận nhiều trường hợp sự cố rơi đồ vật từ trên cao gây thương tích nghiêm trọng. Tại Trung Quốc từng ghi nhận một bé gái 3 tháng tuổi phải sống thực vật sau khi bị một trái táo từ tầng 24 rơi vào đầu. Các nhà khoa học ước tính, càng lên cao lực tác động của một vật khi rơi xuống càng mạnh. Vì vậy, những vật có khối lượng nhỏ khi rơi từ trên cao cũng có thể gây ra thương tích nghiêm trọng.