> Cám cảnh chùa Trăm Gian
> Yêu cầu xử lý vi phạm tại di tích chùa Trăm Gian
Gác Khánh chùa Trăm Gian trước và sau khi hạ giải, làm mới. Ảnh: Viện BTDT. |
Giám đốc Sở VHTT&DL Phạm Quang Long chủ trì cuộc họp, với sự có mặt của Phó Giám đốc Sở phụ trách di sản Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Vũ Văn Đông, ông Vũ Văn Doãn Chủ tịch UBND xã Tiên Phương và ông Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích.
Cuộc họp báo xoay quanh thực trạng vi phạm trong tu bổ, tôn tạo nhà Tổ và gác Khánh tại di tích chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Bước vào cuộc họp, Giám đốc Sở bức xúc khi một số báo đưa tin thiếu chính xác, ông khẳng định không có chuyện phá sạch chùa.
Giám đốc Sở nói không có chuyện phá sạch chùa Trăm Gian, vậy chùa bị phá ở mức độ nào? Theo ông có nghiêm trọng không?
Ông Phạm Quang Long: Có sự xâm hại di tích, nhưng phá cả chùa Trăm Gian là không phải. Chùa rộng 3 ha, hàng chục hạng mục, hiện có ba hạng mục bị xâm hại.
Nói thế này mới chính xác: Hai hạng mục quan trọng là gác Khánh, nhà Tổ cùng với bậc cấp sân trước tiền đường bị phá hoại. Mức độ hết sức nghiêm trọng, di sản bị xâm hại là nghiêm trọng chứ, sao lại không.
Vì nghiêm trọng nên mới phải đình chỉ ngay, có cơ quan của bộ, sở, chính quyền huyện và các cơ quan chức năng đình chỉ và cho phục hồi. Nhưng nghiêm trọng khác hoàn toàn so với phá toàn bộ.
Tại sao sự việc hạ giải ba hạng mục chùa diễn ra từ 1-6, nhưng mãi đến ngày 24-8 Sở mới biết thông tin qua báo chí?
Ông Phạm Quang Long: Ngày 20-5, đại diện Sở xuống kiểm tra, hiện trạng xuống cấp vẫn nguyên như thế.
Trở về, Sở đốc thúc dự án. Ngày 1-6, nhà sư Thích Đàm Khoa cho hạ giải, mua gỗ và chế tác từ bên ngoài về để dựng lại gác Khánh và nhà Tổ.
Chủ tịch UBND Thành phố phê bình chúng tôi hết sức gay gắt: BQL hạ giải tại sao không báo cáo huyện, không báo cáo với Sở-đơn vị quản lý ngành. Chính vì thế mới phải kiểm điểm, xem xét trách nhiệm.
Sở ở xa đã đành, xã ở ngay gần mà không hay biết? Xã biết thông tin hạ giải từ bao giờ?
Ông Vũ Văn Doãn: Riêng về hạ giải chùa: Vì lí do xuống cấp nghiêm trọng, phải chống, chằng rất nhiều dẫn đến nhà chùa có báo cáo lãnh đạo địa phương nếu không hạ giải, có thể nguy hiểm đến tính mạng con người, đặc biệt ảnh hưởng tới tượng Phật bên dưới.
Việc rất cấp bách, mùa mưa bão đến gần, nên nhà chùa xin được hạ giải sớm, xã thông báo cho nhân dân đến làm công đức.
Trong chuyện này, chúng tôi đã không sâu sát, vì đã giao cho Trưởng ban QL Di tích chùa Trăm Gian-do Phó Chủ tịch xã Tống Bá Lương đảm nhiệm- thực thi.
Sau khi vụ việc phát giác, cơ quan chức năng đình chỉ chức vụ Trưởng Ban QL Di tích chùa Trăm Gian Tống Bá Lương, vậy sư trụ trì chịu trách nhiệm gì?
Ông Phạm Quang Long: Phân cấp quản lý rất rõ, Trưởng Ban QL Di tích trả lời về trách nhiệm của sư trụ trì với tư cách thành viên BQL Di tích ở đó. Tôi cũng có thể trả lời sư trụ trì có trách nhiệm gì, nhưng khi các cơ quan chưa đánh giá hết trách nhiệm của họ thì trả lời chưa hoàn toàn đầy đủ.
Ngày 29-8, Chủ tịch UBND Thành phố giao cho chúng tôi thành lập Ban thanh tra, xem vi phạm của cơ quan quản lý ở chỗ nào, của BQL Di tích ở chỗ nào, vi phạm của người chỉ huy từng việc như thế nào. Đánh giá xong mới kết luận được. Dự kiến, kết luận thanh tra có trước 15-9.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội có chỉ đạo phục hồi nguyên trạng, vậy chùa phá rồi được phục hồi thế nào?
Ông Phạm Quang Long: Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu: Sở tiếp tục thực hiện việc tu bổ, bảo tồn, tôn tạo theo đúng luật. Sở mời đơn vị tư vấn là Viện Bảo tồn Di tích tư vấn xem xét phục dựng các hạng mục đã bị phá hủy theo đúng văn bản của Bộ VHTT&DL.
Bộ gửi yêu cầu: Gỗ, chân cột đá, ngói đã bị làm hỏng phải được phục dựng, và yêu cầu thành lập Tiểu ban chuyên môn (có Cục Di sản, Viện Bảo tồn Di tích, các chuyên gia) đánh giá các chi tiết, sau đó khôi phục đúng bản vẽ chi tiết nhà Tổ, gác Khánh. Hồ sơ bản vẽ đó được lập trước khi xảy ra vụ phá hoại ba hạng mục.
Cơ hội phục hồi nguyên trạng là bao nhiêu phần trăm, và được tiến hành thế nào?
Ông Lê Thành Vinh: Chúng tôi có hồ sơ rất đầy đủ, thậm chí có cả hồ sơ từ thời Pháp thuộc để lại, cũng như hồ sơ Sở chuẩn bị từ trước khi lập dự án tu bổ.
Trên thực tế, dạng kiến trúc này muốn phục hồi lại được phải xác định cấu trúc cơ bản, hình hài của nó.
Rất may trong những cấu kiện dỡ xuống, chúng tôi kịp lên đó khảo sát bước đầu thì còn nguyên các cấu kiện chính: Đầu bẩy, kẻ góc quyết định góc, đấu cực kỳ đặc biệt - thuộc dạng kiến trúc cổ, đấu ngồi thẳng trên cột cái, khi dỡ xuống may còn lại - cột cũng còn nguyên mộng, ngói cũ dỡ xuống vẫn còn, đây là gốc để có thể phục chế theo mẫu trong trường hợp thiếu. Nó cho phép chúng ta phục dựng lại đúng cấu trúc của công trình.
Tôi xin nhấn mạnh, trùng tu di tích không cái gì có thể phục hồi nguyên trạng khi đã phá. Đưa công trình trở lại mẫu nguyên trạng-đấy là cái quan trọng nhất. Điều may mắn nhất là chúng ta có cơ sở khoa học để tiến hành. Còn được bao nhiêu phần trăm thì tôi chưa thể trả lời ngay được.
Nhà chùa báo xuống cấp năm 2007, 2008 mà không có sự can thiệp của các cấp trong tu bổ chùa?
Ông Phạm Quang Long: Nói như thế chính quyền địa phương hẳn chạnh lòng. Bởi khi chưa nhập Hà Nội với Hà Tây, từ năm 2007 tỉnh Hà Tây cấp kinh phí trùng tu một hạng mục, vì không phải hỏng đồng bộ một lúc. Sau đó, địa phương cũng cấp tiền xây hàng rào, chống lấn chiếm, kè bờ hồ sen, cấp tiền mua cột chống đỡ.
Thủy Trúc lược ghi