Sự thật giật mình về chuyện học hành của các tuyển thủ Pháp

Sự thật giật mình về chuyện học hành của các tuyển thủ Pháp
Oliver Giroud phải bỏ dở năm thứ hai đại học ngành sư phạm để tập trung cho bóng đá. Nếu không, tiền đạo ĐT Pháp sẽ trở thành một giáo viên thể dục. Cái nghiệp quần đùi áo số khiến các cầu thủ áo Lam hầu hết phải lỡ dở học hành.

7/23 tuyển thủ tốt nghiệp phổ thông


Giroud nằm trong số ít 23 tuyển thủ pháp dự EURO 2016 có bằng tú tài (baccalauréat - tốt nghiệp phổ thông, tương đương cấp 3 ở Việt Nam). Sinh ra trong một gia đình trí thức, Giroud tiếp tục thi lên đại học vào năm 18 tuổi. Tiền đạo sinh năm 1986 đã theo được 2 năm khoa sư phạm thể thao trước khi bỏ dở vì phải tập trung đá bóng (Giroud lúc đó khoác áo Grenoble). “Tôi cũng thích làm giáo viên thể dục, nhưng bóng đá là đam mê cuộc đời”, chân sút Arsenal chia sẻ trên tờ Le Monde.

Ngoài Giroud, còn 6 tuyển thủ Pháp khác có trong tay bằng tốt nghiệp phổ thông là Hugo Lloris, Christophe Jallet, Bacary Sagna, Yohan Cabaye, Eiliaquim Mangala và N’Golo Kante. Trong số này, Jallet còn sở hữu chứng chỉ hành nghề… trồng nho, theo nghiệp của gia đình. 

Sagna và Cabaye không được học hành chính quy, nhưng cũng chăm chỉ cố gắng lấy bằng tú tài theo chương trình bổ túc của các trung tâm đào tạo bóng đá. Mangala lại là trường hợp khá đặc biệt, theo cha mẹ sang Bỉ từ nhỏ và từng xác định không theo đuổi nghề cầu thủ. Thế nên, hậu vệ sinh năm 1991 phải “thủ” bằng tú tài để còn đi xin việc. 

Không có bằng tú tài không có nghĩa chểnh mảng học hành. Coman đã nỗ lực cân đối thời gian giữa học văn hóa và đá bóng lúc còn khoác áo PSG. Nhưng đó là tại Ligue 1, còn khi sang Juventus lịch tập dày đặc khiến chàng trai khi đó 17 tuổi buộc phải dừng học văn hóa.

Sự thật giật mình về chuyện học hành của các tuyển thủ Pháp ảnh 1 Christophe Jallet đã có chứng chỉ hành nghề trồng nho.

Matuidi rất giỏi các môn tự nhiên đặc biệt trong lĩnh vực tin học. Tiếc là khi được tuyển vào trung tâm huấn luyện Clairefontaine năm 2003, tiền vệ PSG không còn đủ thời gian theo học văn hóa.

Không được học hành đến nơi đến chốn âu cũng là điều dễ hiểu với các cầu thủ quanh năm luyện tập, thi đấu. Điều đáng mừng ở ĐT Pháp là không một ai có quá khứ hư hỏng. Các học trò của Deschamps chẳng đặng đừng mới phải nghỉ học sớm để có thể theo đuổi bóng đá đỉnh cao.

Ít học, không có nghĩa ít đọc

Pháp là một trong những quốc gia có văn hóa đọc nổi tiếng trên thế giới. Các học trò của Deschamps không phải ngoại lệ. Mangala mang theo một tập sách khi tham dự EURO 2016, trong đó cuốn “Hoàng tử bé” là “món tủ” của hậu vệ Man City. 

Gu đọc sách của các cầu thủ áo Lam cũng khá thú vị. Sách tiểu sử là thể loại được ưa chuộng bậc nhất với cầu thủ Pháp. Cabaye gần như thuộc lòng cuốn tiểu sử về nhà lãnh đạo Nelson Mandela. Thủ môn Costil giết thời gian bằng cách vùi đầu vào cuốn tự truyện của Ronaldo. Thường thì sách về các nhân vật thể thao được quan tâm nhất. 

Sự thật giật mình về chuyện học hành của các tuyển thủ Pháp ảnh 2 Ngoài thú đọc sách, Hugo Lloris còn là tay game cừ khôi.

Debuchy gối đầu giường bằng cuốn tự truyện của Mike Tyson. Thủ thành Mandanda tự hào là một trong những người đầu tiên sở hữu cuốn tự truyện mới phát hành của… Mathieu Valbuena. Có điều thú vị là chính Valbuena (không tới EURO lần này) lại là người ghét đọc sách: “Tôi thậm chí chả thèm đọc cuốn tự truyện của mình”, tiền vệ Lyon tiết lộ trên Le Monde.

Hugo Lloris là fan ruột của Marc Levy. Thủ môn Tottenham mang tới EURO không dưới ba cuốn tiểu thuyết của nhà văn cũng rất được hâm mộ ở Việt Nam này. Giroud và Gignac cùng đá trung phong, và cùng chung sở thích đọc kinh thánh. Jallet lại có gu “lạ” khi thích nghiền ngẫm các tập thơ. 

Tất nhiên, cũng có những cầu thủ chẳng động tới sách bao giờ. Griezmann, Sissoko hay Pogba thích vùi đầu vào games hơn là những trang sách. Nhưng có lẽ, Pháp là một trong những đội tuyển có văn hóa đọc đáng nể nhất tại EURO năm nay. Dù sao, họ cũng đến từ đất nước của nền văn hóa và thi ca cổ kính.

Theo Theo Bóng đá +
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.