Phát triển bền vững là khái niệm đã không còn xa lạ với các định chế tài chính trong những năm gần đây. Trong bối cảnh các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, tài nguyên cạn kiệt,… tác động rất lớn tới nền kinh tế và sức khỏe của mỗi doanh nghiệp thì phát triển bền vững đã không còn là việc nên làm mà đã trở thành xu hướng bắt buộc. Đó cũng là con đường để một tổ chức, một cộng đồng có thể đi xa hơn trong tương lai.
Ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc MB |
Tại Việt Nam, kể từ khi có những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26, cũng như việc kinh doanh bền vững và có trách nhiệm ngày càng được đề cao, ESG đã trở thành xu hướng chủ đạo được nhiều doanh nghiệp quan tâm, nhằm phát triển an toàn, nâng cao uy tín, năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.
ESG (Environmental - Social - Governance/Môi trường - Xã hội - Quản trị) là bộ tiêu chuẩn đo lường những yếu tố liên quan đến hoạt động phát triển bền vững. ESG cung cấp một khuôn khổ chung để xem xét tác động và sự phụ thuộc của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội, cũng như chất lượng quản trị của chính doanh nghiệp. Đây cũng là xu hướng bùng nổ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng Việt Nam những năm gần đây, với hàng loạt nhà băng cam kết thực hiện bộ nguyên tắc này. Trên thực tế, một số ngân hàng Việt Nam đã xem ESG không đơn thuần là yêu cầu tuân thủ, mà là sáng kiến chiến lược, là kim chỉ nam trong mô hình kinh doanh giúp họ đứng vững trước những thách thức, biến động của thị trường.
Bên cạnh ESG thì một khái niệm khác cũng đang được quan tâm là Creating Shared Value (CSV) - tạo ra giá trị chia sẻ. Theo đó, ngân hàng đề ra chiến lược win - win, tạo ra giá trị cho cả nền kinh tế, xã hội, lẫn bản thân ngân hàng. Yếu tố CSV được chú trọng không kém ESG bởi đặc thù tại Việt Nam, hệ thống ngân hàng có sức ảnh hưởng tới nhiều mặt, và đang là kênh dẫn vốn chủ lực cho nền kinh tế, với tỷ lệ tín dụng/GDP hơn 130%. Bên cạnh việc tạo ra lợi nhuận, ngân hàng cần có trách nhiệm với xã hội, bao gồm việc thiện nguyện, hay bất cứ hoạt động nào có thể tạo ra giá trị tích cực cho xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, CSV và ESG không phải là những xu hướng riêng lẻ mà có sự liên quan và hỗ trợ nhau, hướng đến một mục tiêu là sự phát triển bền vững không chỉ với bản thân ngân hàng, mà còn các thành phần liên quan khác.
Thực tế, tại những định chế tài chính lớn, mục tiêu của một ngân hàng xanh không đơn thuần là bản thân họ “xanh” mà còn phải tạo ra giá trị cộng hưởng, lan tỏa điều này tới các khách hàng, đối tác. Tư tưởng này cũng có thể xem như tương tự với khái niệm CSV.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) là một ví dụ điển hình tại Việt Nam, đang thể hiện tham vọng của mình trong việc lan tỏa tinh thần của ESG tới cộng đồng, góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững. Từ năm 2017, ngân hàng này đã có những hoạt động chú trọng nhiều tới cộng đồng, xã hội và đặc biệt từ 2023 đã cam kết thực hiện chiến lược ESG một cách bài bản, theo chuẩn quốc tế. Trong đó, chuyển đổi số đóng vai trò then chốt trên con đường thực hiện tham vọng này. Với hệ sinh thái số hiện đại bậc nhất hiện nay, MB không chỉ xây dựng con đường phát triển theo tiêu chuẩn ESG mà còn tác động lên những khách hàng của mình, tạo ra giá trị chia sẻ để hướng khách hàng phát triển bền vững, thân thiện môi trường.
Theo đó, MB mang đến cho khách hàng, đối tác phương thức giao dịch thuận tiện, an toàn và giảm tối đa việc sử dụng giấy tờ, thời gian, công sức. MB cho biết, nhà băng này đã số hóa tới 90% sản phẩm tích hợp trên hệ sinh thái App MBBank cho khách hàng cá nhân, BIZ MBBank cho khách hàng doanh nghiệp. Thậm chí, sử dụng giấy tờ đã trở là một hoạt động “xa xỉ” và trở thành “dĩ vãng” tại MB những năm gần đây. Từ năm 2021, 90% hoạt động nội bộ của nhà băng này đã không sử dụng giấy tờ mà áp dụng số hóa. Đến nay, tỷ lệ này đã lên mức xấp xỉ 100%.
Không chỉ bản thân MB giảm giấy tờ và hạn chế rác thải mà những bên tương tác với MB, thông qua kênh số, cũng đã giảm thiểu những tác động tiêu cực tới môi trường. Hiện nay, bằng việc ứng dụng công nghệ, khách hàng MB có thể sở hữu những chiếc thẻ ảo thay vì thẻ vật lý mà vẫn có thể thực hiện giao dịch chi tiêu, mua sắm,…
Lãnh đạo MB tin rằng, muốn lan tỏa tinh thần “sống xanh” tới cộng đồng thì trước hết bản thân ngân hàng phải đi đầu trong việc xanh hóa môi trường làm việc. Tại MB, ngoài việc số hóa để loại bỏ giấy tờ, hạn chế rác thải, ngân hàng cũng khuyến khích cán bộ nhân viên tiết kiệm, nước và sử dụng các vật liệu tái chế.
MB cũng là ngân hàng đi đầu tại Việt Nam trong việc áp dụng các giải pháp số hoá trong hoạt động thiện nguyện cũng như tổ chức các chương trình nhân đạo. Năm 2022, MB đã thực hiện chiến dịch “Cùng MB phủ xanh Việt Nam”, là chiến dịch đầu tiên sử dụng hình thức ủng hộ bằng điểm thành viên MB Star trên App MBBank với số tiền chỉ từ 100 đồng. Chiến dịch với mục tiêu phủ xanh 14 ha rừng tại Ninh Thuận đã nhận được kết quả vượt ngoài mong đợi khi thu hút gần 25.000 người ủng hộ với hơn 250.000 lượt ủng hộ.
Hay năm nay, MB cũng tiếp tục có chương trình “Góp cây gặt lộc”, đã được triển khai từ ngày 16/9 và dự kiến kéo dài đến 31/12/2023. Đây là chương trình thiện nguyện hợp tác cùng Tree Bank - Quỹ cây giống phi lợi nhuận thực hiện với mục tiêu tặng 300.000 cây giống nha đam cho đồng bào Raglai ở tỉnh Ninh Thuận. Khách hàng mới của E-banking BIZ MBBank, đủ điều kiện sẽ nhận được điểm thưởng Cash back từ MB và có thể chuyển toàn bộ điểm thưởng này vào tài khoản thiện nguyện để góp cây cùng MB. Ngân hàng kỳ vọng rằng thông qua chương trình này, MB sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, không chỉ trong kinh doanh, mà còn trong các hoạt động vì xã hội.
MB cũng xác định tăng trưởng tín dụng xanh là một phần quan trọng trong chiến lược ESG. Theo đó, ngân hàng triển khai có hiệu quả việc phân bổ nguồn vốn tín dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh; tăng tỷ trọng tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Đến nay, MB là một trong những ngân hàng có dư nợ cho vay lĩnh vực năng lượng tái tạo lớn nhất trên thị trường. Được biết, hiện 10% danh mục tín dụng của MB dành cho tín dụng xanh và mục tiêu đến năm 2026 sẽ nâng tỷ lệ này lên 15%.
Hiện nay, quy mô tín dụng của MB chỉ đứng sau nhóm Big 4 (BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank), đạt khoảng 600.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng sở hữu tệp khách hàng “khổng lồ” với hơn 24 triệu khách hàng, tương đương 24% dân số cả nước. Do đó, sự tiên phong của MB trong xu hướng ESG, CSV được kỳ vọng sẽ tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ, có tác động sâu rộng lên làn sóng “xanh hóa” của thị trường.