Ghi nhận tại khoa Y học nhiệt đới, bệnh viện Đà Nẵng, tất cả các tầng đều chật kín bệnh nhân. Ba, bốn người chen nhau nằm ngồi vạ vật trên một giường bệnh, đồ đạc cá nhân chất khắp nơi. Không chỉ vậy, lối đi ở các hành lang cũng được tận dụng để kê thêm giường cho người bệnh SXH. Và phải “nhét” nhiều người trên một giường bệnh. Chị Nguyễn Thị Chanh (quận Sơn Trà) mệt mỏi kể bị sốt, chảy máu răng, vào viện đã 6 ngày nhưng chưa có hôm nào được ngả lưng thoải mái. “Giường tôi nằm tới 3 người. Ai chuyền nước thì được nằm một lúc, còn không phải nằm nghiêng cho đủ chỗ. Bình thường gắng gượng vậy đã mệt, huống chi người đau! Không biết phải chịu cảnh này tới bao giờ nữa”. Nhiều bệnh nhân khác cũng kêu trời vì phải nằm ghép 3, ghép 4, có đêm không ngồi nổi đành ôm chăn xuống đất ngủ.
Theo bệnh viện Đà Nẵng, từ đầu tháng 11 tới nay số lượng ca bệnh SXH tăng đột biến, có ngày tiếp nhận tới 60 ca. Tính tới thời điểm hiện tại đã có 742 ca SXH., trong khi trước đó tháng cao nhất chỉ hơn 400 ca. Ngày cao điểm, có tới 310 bệnh nhân nằm điều trị. “Bệnh viện đang rất khó khăn về cơ sở vật chất lẫn nhân lực do số lượng bệnh nhân nhập viện liên tục. Hiện tại phải mở hết 3 tầng của Khoa Y học nhiệt đới, kê thêm cả trăm giường bệnh, lắp thêm quạt ngoài hành lang. Đồng thời huy động thêm gần 20 bác sĩ, điều dưỡng từ các khoa phòng khác để chăm sóc điều trị bệnh nhân tốt hơn…”, BS CK II. Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc bệnh viện Đà Nẵng, cho hay.
Đáng chú ý, trong số 742 bệnh nhân SXH, có hơn 200 ca từ các địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi chuyển đến, 283 ca có dấu hiệu cảnh báo, 28 ca nặng. Rất may chưa có trường hợp tử vong.
Trao đổi với Tiền Phong, BS. Nguyễn Tam Lãm, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm y tế dự phòng TP. Đà Nẵng (TTYTDP) cho hay số ca SXH từ đầu tháng 11 tới nay tăng mạnh so với những tháng trước đó, diễn biến rất phức tạp. Riêng từ 19-25/11, có tới 253 ca. Đà Nẵng có đến 37 ổ dịch, nhiều nhất ở quận Cẩm Lệ với 10 ổ dịch, sau đó là quận Sơn Trà và quận Hải Châu. “Hiện tại thời tiết mưa tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Cộng với số người mang mầm bệnh có sẵn trong cộng đồng, gặp muỗi nên truyền bệnh rất nhanh. Thêm một nguyên nhân gây bệnh nữa là ý thức chủ động phòng chống SXH của người dân như diệt loăng quăng, bọ gậy chưa cao”, BS. Lãm nhìn nhận.