Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn, ngày 12/1, UBND TP.HCM đã có công văn khẩn gửi các bộ: Xây dựng, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về ý kiến đối với Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Theo UBND TP.HCM, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, ngày 4/12/2023, UBND TP.HCM có công văn số 6083/UBND-DA gửi các Bộ ngành, địa phương liên quan xin ý kiến góp ý đối với Đề án.
Đến nay, UBND TP.HCM đã nhận được 9/16 văn bản góp ý của 6 bộ ngành (Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương) và 3 địa phương liên quan (UBND tỉnh Đồng Nai, Sở GTVT tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh Long An).
Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Nguồn: Porcoast. |
Để có cơ sở tổng hợp ý kiến, hoàn thiện Đề án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM đề nghị các bộ ngành, địa phương gửi văn bản góp ý gửi về UBND TP.HCM trước ngày 18/1/2024 để kịp tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ.
Trong công văn xin ý kiến các bộ, ngành và địa phương liên quan, UBND TP.HCM đã đưa ra đề xuất định hướng nghiên cứu phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Cụ thể, cảng Cần Giờ có thể đón được tàu có trọng tải lên đến 250.000DWT (24.000 Teu; tàu trung chuyển có trọng tải từ 10.000 - 65.000 tấn (750 - 5.200 Teu) và sà lan trọng tải tới 8.000 T (356 Teu). Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7 km và bến sà lan dự kiến khoảng 2,0km.
Dự kiến tổng diện tích ước tính khoảng 571 ha, trong đó cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng kỹ thuật… khoảng 469,5ha và diện tích vùng nước hoạt động cảng khoảng 101,5ha.
Các thiết bị vận hành bốc xếp container sẽ sử dụng thiết bị chạy bằng năng lượng, nhiên liệu sạch, thân thiện và bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở nhu cầu hàng hóa thông qua cảng, dự kiến phân kỳ đầu tư cảng Cần Giờ theo 2 giai đoạn. Tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác cảng giai đoạn 1 trước năm 2030 (đầu tư 2 khu bến chính/7 khu bến chính), giai đoạn 2 (sau năm 2030 đến năm 2045) sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các khu bến chính còn lại.
UBND TP.HCM cho biết vị trí dự kiến Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm ở cửa sông Cái Mép - Thị Vải, trong Vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, giữa các khu vực có tiềm năng tăng trưởng lớn của Châu Á (Trung Quốc và Ấn Độ), thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế.
Đồng thời cảng thuộc vùng kinh tế động lực phía Nam là vùng kinh tế năng động nhất của Việt Nam nên có nhiều thuận lợi để thu hút hàng hóa qua cảng và hàng hóa trung chuyển quốc tế. Hiện nay, hàng hóa tại các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Brunei, Nam Trung Quốc và Philippines chủ yếu được trung chuyển tại Singapore hay Malaysia.
Trường hợp hàng hóa từ quốc gia trong khu vực nêu trên trung chuyển tại Cần Giờ, cự ly vận chuyển giảm khoảng 30% - 70% so với cự ly vận chuyển đến Singapore.
Ngoài ra, chi phí bốc xếp hàng container tại khu vực Cái Mép - Cần Giờ hiện nay giảm khoảng 54% đối với container xuất nhập khẩu, và giảm khoảng 40% đối với container trung chuyển quốc tế so với Singapore.
Vị trí dự kiến xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ do đó có nhiều lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn hàng quốc tế tới từ các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Brunei, Nam Trung Quốc và Philippines.