Song khúc của bóng với hình

Tinh Linh 8 của Lê Thị Minh Tâm
Tinh Linh 8 của Lê Thị Minh Tâm
TPO - Hai họa sỹ, hai giới tính khác nhau, hai phong cách nghệ thuật khác nhau, hai lứa tuổi khác nhau, hai quá trình sáng tác khác nhau...nhưng giữa họ có một điểm chung: Tranh của họ mang tính ÂM (trong cặp phạm trù Âm/ Dương). Đó có thể cõi âm, cũng có thể là cõi tinh thần, cảm xúc bên trong của con người. Chính vì thế triển lãm có tên gọi là “song âm”.

Lê Thị Minh Tâm kể về “cõi mê”

Cuộc sống hiện đại của chúng ta vẫn tồn tại những điều bí ẩn nằm giáp ranh giữa khoa học và tâm linh, đôi khi, mối quan hệ tương tác giữa người và linh hồn là có thật chứ không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng hoặc trong chúng ta vẫn có những người có năng lực đặc biệt, có cấu trúc tâm thần nào đó thì có khả năng nhìn thấy hình tướng của linh hồn, của thần linh hay ma quỷ.

Lê Thị Minh Tâm là một họa sỹ có năng lực đặc biệt ấy. Cô ấy tâm sự: “Em mê thấy, nhìn thấy nhiều thứ và lao vào vẽ như mê sảng, vẽ một mạch, không muốn dừng, mệt nhưng mà sướng, đôi khi em cảm thấy giống như có các Ngài mách bảo”.

Các tác phẩm của Tâm trong triển lãm này đều là sự biểu đạt hình tướng của các tinh linh. Thứ bậc cao thấp của các tinh linh ấy được thể hiện khác nhau bằng sự khác biệt của độ nét hay mờ, độ sáng tỏ hay u tối, ở gam màu u ám hay nóng rực rỡ hay trầm lạnh, có anh hào quang hay không của các hình tượng. Cách điểm những vệt màu của Tâm cũng có chỗ đặc biệt, luôn có một vài mảng màu vàng, hay đỏ vừa đủ để tạo độ chói, cho dù gam màu tổng thể của bức tranh đó là trầm, lạnh. Chính điều đó, cộng thêm sự không rõ nét (ẩn hiện) của các hình tượng đã làm cho bức tranh nào của cô cũng có cảm ứng “lập lòe”, “chấp chới”, “người không ra người mà ma cũng chẳng ra ma”. Tranh về thế giới các tinh linh của Tâm rất ma mỵ nhưng không làm người xem sợ hãi, ớn lạnh, có lẽ vì nó đã tỏa ra một năng lượng tích cực của các linh hồn thượng đẳng hoặc ít nhất cũng là linh hồn tốt.

Nguyễn Mạnh Hùng chập chờn bóng và hình

Nguyễn Mạnh Hùng, sau khi tốt nghiệp khoa mỹ thuật Đại học sư phạm nhạc họa lại tiếp tục theo học Đại học mỹ thuật Việt Nam, vì thế anh thực sự tham gia hoạt động sáng tác mới được 3 năm nay (từ 2016). Dường như ý thức được sự muộn màng đó, người nghệ sỹ này đã cố hết sức mình để chạy sao cho thật nhanh để đuổi kịp những bạn bè hay các đàn anh trong làng hội họa Việt.

Hùng đã thử nghiệm nhiều trường phái và vẽ được nhiều lối, từ tả thực đến biểu hiện, đến bán trừu tượng, trừu tượng trữ tình và biểu hiện trừu tượng. Bước vào sáng tác, anh như một người lạc vào thế giới khác rộng lớn, bao la, anh lao vào những cuộc tìm kiếm, khám phá và cả phưu lưu nữa. Ở lối vẽ nào, anh cũng đạt được những thành công nhất định, nhưng cũng gặp không ít những cú sốc, những vấp ngã trên con đường hội họa vốn rất quanh co và mấp mô. Dường như những thất bại hay những cú vấp mà anh đã trải qua không làm anh nản chí mà ngược lại, nó làm anh mạnh mẽ hơn.

Lần triển lãm này, Hùng trình làng dòng tranh “Tự họa”, một lối vẽ, một tư duy chỉ có thể nói là của riêng anh. Tự họa của anh giống như là những dòng nhật ký về những cung bậc của những trạng thái tinh thần mà anh đã nếm trải  trên con đường nghệ thuật gập ghềnh mà bản thân anh đã trải qua: Sung sướng tột độ, tự hào, lâng lâng, thậm chí kiêu ngạo khi thành công...nhưng ngược lại có những lúc bế tắc, đau khổ, cô đơn, chán chường, đầy suy tư  khi lạc lối.

Ngôn ngữ nghệ thuật trong dòng tranh tự họa của anh rất thống nhất và mang tính âm. Với cách tạo hình 2D là chủ đạo, với những kỹ thuật tạo chất và những nét cào vào toan, kiệm màu, anh không vẽ hình chân dung mà vẽ cái bóng của nó, đó là bóng hình đồng nhất. Dù người xem chỉ thấy cái “bóng”  nhưng đồng thời lại cũng có thể  nhận ra “hình” của chân dung và điều quan trọng là cảm nhận được cái trạng thái tinh thần mà tác giả muốn biểu lộ.

Những tác phẩm trong triển lãm này của Hùng không chỉ là những bức chân dung tự họa mà là những tự bạch chân thực của họa sỹ, vì thế dù loạt tranh này chỉ tuân theo một phong cách nhưng nó không gây nhàm chán, ngược lại nó khiến người xem dừng lại lâu hơn ở mỗi bức tranh, tự tìm hiểu và tự so sánh với những trải nghiệm của riêng mình. Khán giả khi xem bộ tranh này sẽ tự hỏi: Ta đã trải qua những cung bậc cảm xúc này chưa? và nếu có thì có đồng cảm với  tác giả không và ở mức độ nào?

Song khúc của bóng với hình ảnh 1 Tự họa 1 của Nguyễn Mạnh Hùng
Song khúc của bóng với hình ảnh 2  Tinh Linh 5 của  Lê Thị Minh Tâm
Song khúc của bóng với hình ảnh 3 Tự họa 5 của Nguyễn Mạnh Hùng

Triển lãm “Song âm” tại Vicas Studio (32 Hào Nam)  từ  ngày 17/11/2018 đến hết 9/12/2018)

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.