Sơn mài Việt có mặt trên… ốp điện thoại

Các bạn trẻ tự tay chế tác sơn mài khi tham gia workshop của La Sonmai Ảnh: DIỆP ANH
Các bạn trẻ tự tay chế tác sơn mài khi tham gia workshop của La Sonmai Ảnh: DIỆP ANH
TP - Mong muốn kéo sơn mài đến gần hơn với cuộc sống hàng ngày, một nhóm bạn trẻ đã quyết định khởi nghiệp bằng những sản phẩm ốp điện thoại với những tác phẩm nghệ thuật sơn mài thu nhỏ, tạo nên sự kết hợp ấn tượng, vừa có tính nghệ thuật, lại có tính ứng dụng cao.

Mỗi sản phẩm là bức tranh thu nhỏ

Khi ngắm các bức họa sơn mài về trống đồng Đông Sơn, phượng bào triều Nguyễn, xích hổ thần vương, Phật A Di Đà... thật khó nghĩ rằng đó là sản phẩm được chế tác dành cho ốp lưng điện thoại. Theo Vũ Anh Đức (sinh năm 1990, tốt nghiệp chuyên ngành kinh doanh của Đại học FPT, đồng sáng lập La Sonmai), để giữ được tinh thần của sơn mài Việt, nhóm đã duy trì các công đoạn đặc trưng và các nguyên liệu truyền thống của nghệ thuật sơn mài.

Các hoạ sĩ của nhóm cũng lên tận vùng đồi núi Phú Thọ, nơi cây sơn ta cho chất lượng tốt nhất để thu mua sơn. Tất cả những chất liệu quen thuộc của sơn mài như vỏ trứng, vỏ ốc, bạc, vàng… hòa mình với nhau trên một chiếc ốp nhỏ nhắn, không khác gì những tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ.

Hơi thở đương đại thể hiện rõ nhất ở những sản phẩm này nằm ở khâu thiết kế. Thiết kế chính của nhóm, Lê Thanh Quỳnh Anh (sinh năm 1995, tốt nghiệp khoa hội họa của ĐH Mỹ thuật Việt Nam) cho biết tiêu chí để thiết kế là mỗi mẫu phải có câu chuyện riêng của mình.

“Vì vẽ lên ốp điện thoại, diện tích nhỏ hơn nhiều lần so với tranh nên lựa chọn chất liệu và bố cục cũng phải kỹ hơn. Những phác thảo được chọn phải vẽ thử nghiệm trước, mỗi phác thảo làm 2 đến 3 phiên bản, sau đó chọn phiên bản ưng ý. Quy trình hoàn thiện được thực hiện trong 15 ngày, trải qua 15 công đoạn. Có những mẫu khách hàng đặt riêng có khi mất 3 tháng mới xong. Một sản phẩm hoàn thiện không chỉ phụ thuộc vào sự tỉ mỉ, chi tiết mà còn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, độ ẩm”, Quỳnh Anh cho biết thêm.

Sau khi được mài và đánh bóng bởi đá gan gà, tóc rối hay than củi, những bức tranh nhỏ dần hiện lên. Điều đặc biệt là mỗi chiếc ốp không giống nhau, dù cùng một mẫu thiết kế. Đây chính là tính ngẫu nhiên của nghề sơn mài truyền thống đem đến cho người dùng hiện đại.

Hai năm qua, La Sonmai từng cho ra mắt bộ sưu tập “Hoa văn Việt Nam”, trong đó khai thác các hình ảnh độc đáo của Việt Nam như họa tiết trống đồng Đông Sơn, rồng thời Lê, phượng bào triều Nguyễn, phồn vinh Lạc Việt... “Tứ bất tử” khai thác hình tượng 4 vị thánh: Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Công Chúa, Tản Viên Sơn Thần và Phù Đổng Thiên Vương.

Dự án này cũng là bước khởi đầu cho chuỗi dự án 5 năm lấy cảm hứng từ lịch sử Việt Nam, thực hiện khát vọng hình tượng hóa nhân vật huyền sử thời xưa thông qua cách nhìn nhận của thời nay, ứng dụng và tuyên truyền sử Việt đến gần hơn với giới trẻ. Ngoài ra, La Sonmai cũng chế tác những chiếc ốp lưng điện thoại mang những họa tiết đặc trưng của các quốc gia khác, như chim hạc Phù Tang (Nhật Bản), kim xí điểu (Ấn Độ), song ngư (Hy Lạp), mũ galea của chiến binh La Mã, áo giáp samurai… …

Sơn mài Việt có mặt trên… ốp điện thoại ảnh 1 Một số thiết kế của La Sonmai
Doãn Chí Minh, họa sĩ của nhóm, đã theo đuổi nghệ thuật sơn mài truyền thống của gia đình hơn 10 năm nay. Anh chia sẻ, thông thường tranh sơn mài đã đòi hỏi sự tỉ mỉ và tiêu hao rất nhiều thời gian, việc vẽ sơn mài trên một chiếc ốp điện thoại càng khó khăn hơn bởi các chi tiết rất nhỏ. “Trong quá trình sáng tác, đôi khi chúng tôi phải rút gọn quy trình so với thông thường để lớp sơn không bị dày quá, giữ tính thẩm mỹ, tiện dụng cho món đồ vốn được sử dụng hàng ngày, nhưng lại vẫn phải giữ được tinh thần của sơn mài”, anh nói.

Để sơn mài không chỉ treo trên tường

Cách đây hơn 2 năm, sau thời gian du học nước ngoài, chàng trai 8x Lê Xuân Trường nhận thấy những sản phẩm thủ công mỹ nghệ được người nước ngoài rất nâng niu, trân trọng. Khi về nước, một lần đi du lịch, anh thấy các sản phẩm sơn mài được bày bán rất nhiều, nhưng đa phần chỉ loanh quanh những cái cốc, tráp, khay, bình...

“Chúng là sản phẩm rất truyền thống, đơn điệu, mẫu mã không bắt mắt. Tôi suy nghĩ tại sao không áp dụng sơn mài vào những sản phẩm hiện đại hơn?”, Trường nhớ lại. Tháng 9/2017, La Sonmai ra đời với 9 thành viên, phần lớn chưa hiểu biết nhiều về sơn mài. Nhóm phân công người vào bảo tàng xem hiện vật để tìm họa tiết hoa văn phù hợp, người mua sách về nghiên cứu, người mày mò tạo mẫu, người đến các làng nghề làm sơn mài truyền thống để tìm nguyên liệu, đặt hàng…

“Sơn mài thường được người ta biết đến qua các bức tranh treo trên tường, ít có sự va chạm, tương tác. Khi ứng dụng lên ốp điện thoại, vì là món đồ sử dụng hàng ngày nên rất dễ xước, mòn lớp sơn. Bởi vậy, làm ra sản phẩm chỉ mất 1 tháng nhưng nhóm mất 1 năm mới đưa ra thị trường, bởi phải thử nghiệm nhiều lần để tìm ra loại sơn phủ bóng phù hợp nhất, vừa bền, chống xước nhưng vẫn phải mỏng, giữ được độ trong của các hình vẽ”, Xuân Trường chia sẻ.

Hiện tại, giá sản phẩm dao động từ 1 - 3 triệu đồng tùy mẫu, dựa theo mức độ phức tạp và chất liệu vàng, bạc trong chế tác. Nhóm mong muốn tiếp cận nhiều hơn các du khách nước ngoài, bởi đây là cơ hội để họ giới thiệu, quảng bá nghệ thuật sơn mài đặc sắc của Việt Nam ra thế giới.

“Câu hỏi chúng tôi thường xuyên nhận được từ khách hàng là cái này được làm bằng gì, làm như thế nào, sơn mài đặc biệt ra sao?... Cách tốt nhất giúp họ hiểu là để họ tự trải nghiệm, khám phá”, Vũ Anh Đức khẳng định.

“Chúng tôi muốn mang sơn mài truyền thống đến gần hơn với người dùng. Sau thành công của những chiếc ốp lưng điện thoại, trong tương lai chúng tôi sẽ đưa sơn mài vào những sản phẩm trang trí nội thất, phụ kiện thời trang... Sơn mài sẽ hòa nhập với hơi thở đương đại nhưng vẫn giữ gìn được những nét đặc trưng của mình”, đồng sáng lập La Sonmai chia sẻ thêm.

Khi được hỏi về khó khăn lớn nhất, La Sonmai cho rằng đó là làm thế nào để khách hàng hiểu giá trị của sơn mài, câu chuyện của sơn ta. Bởi vậy, ngoài công việc kinh doanh, nhóm còn thường xuyên tổ chức các toạ đàm, workshop thu hút sự tham gia của các bạn trẻ. Tại đây, người xem có thể tự trải nghiệm đầy đủ các công đoạn làm sơn mài trên các sản phẩm ứng dụng một cách gần gũi, dễ hiểu. Họ được tự tay cẩn trứng, mài, xoa bóng, đi nét, dán vàng… và hoàn thiện một sản phẩm sơn mài.

MỚI - NÓNG
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
TPO - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong 48 giờ qua, hầu hết các kho vũ khí chiến lược ở Syria đã bị tấn công. Hoạt động này được thực hiện nhằm ngăn chặn khả năng vũ khí của Syria rơi vào tay lực lượng đối lập và khủng bố sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.