Sơn La: Tích cực chăm lo đời sống người khuyết tật

0:00 / 0:00
0:00
Quan tâm chăm lo nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người khuyết tật từ những việc làm thiết thực, như vận động hỗ trợ làm nhà tình thương; hỗ trợ phát triển kinh tế; trao tặng xe lăn; nhận đỡ đầu trẻ khuyết tật; thăm hỏi, tặng quà nhân các ngày lễ, tết...

Những việc làm đó đã và đang được các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong tỉnh chung tay, góp sức giúp người yếu thế giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 31 nghìn người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, với các loại khuyết tật: Vận động, nghe, nói, nhìn, thần kinh, tâm thần, trí tuệ... Phần lớn những người yếu thế này sống trong cộng đồng, chủ yếu dựa vào sự trợ giúp của gia đình, họ hàng và xã hội. Nhìn chung, cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn; một số người tự ti khi hòa nhập cộng đồng.

Sơn La: Tích cực chăm lo đời sống người khuyết tật ảnh 1

Hội Khuyết tật và bảo trợ trẻ mồ côi tỉnh trao quà cho trẻ khuyết tật Thành phố

Bà Lường Thị Phưa, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh tỉnh, cho biết: Hàng năm, Hội đã triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về trợ giúp, hỗ trợ người khuyết tật học văn hóa, dạy nghề. Đồng thời, phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương huy động nguồn lực của các doanh nghiệp, nhà tài trợ, nhà hảo tâm hỗ trợ về vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để những người khuyết tật hòa nhập cuộc sống cộng đồng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và cộng đồng xã hội đã tích cực tham gia xây dựng nguồn quỹ bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi.

Trong năm 2022, các cấp hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi còn kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, các cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ủng hộ bằng tiền mặt và hiện vật, tổng trị giá hơn 3,2 tỷ đồng.

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có trên 300 người khuyết tật còn khả năng lao động được dạy nghề, tạo việc làm, với các nghề chủ yếu là sửa chữa, đóng giày dép da, xoa bóp mát xa, làm chổi chít...

Nâng cao đời sống tinh thần cho người khuyết tật, Hội quan tâm tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Trong 2 năm (2018 và 2021), Hội đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức 2 giải thể thao dành cho người khuyết tật, với các môn: Điền kinh; bóng bàn; cầu lông; đẩy tạ; cử tạ; ném lao; bơi lội. Qua đó, tạo cơ hội cho người khuyết tật được giao lưu, xóa bỏ tự ti, mặc cảm để hòa nhập cộng đồng và vươn lên trong cuộc sống.

Với sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trong toàn tỉnh đã động viên, tiếp thêm nghị lực, giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng và có cuộc sống ổn định.

Huy động sự tham gia của cả cộng đồng bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Trên địa bàn tỉnh có gần 395.700 trẻ dưới 16 tuổi, trong đó 523 em mồ côi cha mẹ; 5.079 trẻ khuyết tật; còn lại là bị bỏ rơi, không nơi nương tựa; trên 108.000 trẻ sống trong gia đình nghèo và cận nghèo. Hầu hết các em có hoàn cảnh đặc biệt đã được quản lý, chăm sóc tốt và được tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội. Hàng năm, 97% trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí, khi ốm đau được khám, điều trị miễn phí tại các cơ sở y tế công lập.

Tại các huyện, thành phố đã duy trì hiệu quả mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em dựa vào cộng đồng; mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ vào các vấn đề về trẻ em...

Thông qua các mô hình, các em được thực hiện quyền tham gia của mình sẽ tự tin hơn để hòa nhập, có tinh thần trách nhiệm và hợp tác. Công tác xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em cũng được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức xã hội quan tâm. Hàng năm, các địa phương đều đưa chỉ tiêu xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhằm xây dựng môi trường lành mạnh, phù hợp, nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ tại địa bàn. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 60% xã, phường, thị trấn đạt xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

Ông Phạm Đức Huynh, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mường La, thông tin: Huyện đã chỉ đạo tăng cường tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhằm huy động xã hội hóa công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ miễn giảm học phí, hỗ trợ kinh phí ăn trưa, chi phí học tập... đối với học sinh đang đi học thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mồ côi cha và mẹ, hoặc khuyết tật... Hiện nay, 100% trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc diện được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

Dự án “Trường đẹp cho em”, từ nguồn xã hội hóa đã khánh thành và bàn giao nhiều phòng học và các công trình phụ tại những điểm trường khó khăn thuộc huyện Thuận Châu và huyện Sông Mã, với tổng kinh phí hàng tỷ đồng. Dự án “Nuôi em Mộc Châu” đã nuôi gần 300 trẻ là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn tại xã Lóng Sập. Hiện Dự án đã được mở rộng tại huyện Bắc Yên.

Riêng ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, đã phối hợp với Bệnh viện tim Hà Nội, Tổ chức Vina Capital Foundation (VCF), Sở Y tế và Bệnh viện đa khoa Sơn La, Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu, tổ chức khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho trẻ trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã có gần 700 trẻ được khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh, phát hiện 27 em có chỉ định can thiệp phẫu thuật và 7 em theo dõi khám lại; hỗ trợ phẫu thuật đối với 26 trẻ bị tim bẩm sinh.

Từ năm 2021 đến nay, các nguồn quỹ, các tổ chức xã hội đã trao tặng 120 xe đạp cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn; tặng 13 bộ máy tính, trị giá gần 82,7 triệu đồng cho các cháu đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Ngoài ra, còn triển khai Chương trình “Gói mì hạnh phúc” của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho 942 học sinh vùng khó khăn, tại 6 điểm trường thuộc huyện Bắc Yên và huyện Mai Sơn.

MỚI - NÓNG