Những ngày biển động, sóng lớn, số lượng sò mai, sò lông trôi dạt vào bờ biển Xuân Hải (thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) rất nhiều. Ước tính mỗi ngày cả tấn, vì thế người dân địa phương tận dụng thời gian “vàng” này để ra thu hoạch. |
Sò những ngày này theo dòng nước vào bờ, mỗi lần có sóng lớn, sò sẽ bị cuốn theo. |
Người dân chỉ cần chuẩn bị chiếc vợt có cán, dài khoảng 1,5m cùng chiếc lưới dài 2m rồi sau đó nhanh tay đưa vợt cào xuống phía đáy sẽ bắt được sò. |
Những người đi bắt sò thường theo nhóm 2-5 người phân chia nhau mỗi người một việc. Đàn ông có sức khoẻ hơn sẽ xuống biển vớt sò, còn phụ nữ và trẻ em ở phía trên bờ để nhặt, phân loại sò và rác. |
Thời tiết Hà Tĩnh những ngày này xuống 20 độ C, nhưng người dân không thể bỏ qua "lộc trời" này. |
Theo người dân, họ phải ngâm dưới biển mỗi đợt từ 20-30 phút, mỗi ngày từ 2-3 giờ dưới biển để vợt sò. |
Khi lưới kéo được khoảng 10 kg cả sò, ốc lẫn cát, đá họ sẽ đưa lên bờ để phân loại. |
Người dân trên bờ sẽ phân loại sò từ lưới được vớt lên. Trong đó có cả rác, vò sò, ngao... |
Dù sóng lớn, nhưng nhiều người vẫn cố gắng bám trụ, ngâm mình hàng giờ để kiếm thêm thu nhập vào mùa biển động. |
Sau khi vớt được sò, người đàn ông đưa lên bờ để phân loại. |
Đợt này chủ yếu sò lông trôi dạt vào bờ nhiều. |
Lãnh đạo UBND thị trấn Lộc Hà (huyện Lộc Hà) cho biết, từ giữa tháng 10 đến nay, hiện tượng sò dạt vào bờ biển rất nhiều và theo từng đợt. Các loài sò, ốc đa phần bị sóng đánh dạt vào bờ biển sau các đợt bão, lũ hoặc biển động. |
Sò được người dân thu gom để bán cho các nhà hàng với giá 10.000 đồng/kg. Nếu may mắn, mỗi ngày có người sẽ kiếm được vài trăm nghìn. |
Mỗi ngày dọc bờ biển có hàng trăm người ra vớt sò. Dân tranh thủ những ngày biển động ra biển thu hoạch sò về ăn hoặc bán cho thương lái. |