Sợ bán dự án BĐS là mất thể diện

Sợ bán dự án BĐS là mất thể diện
Một tỷ lệ lớn các chủ dự án ở Việt Nam vẫn còn rất nặng tâm lý bán là mất thể diện, nên chưa thực sự thoải mái khi tiếp xúc với các nhà đầu tư khác.
Hoạt loạt các vụ chuyển nhượng dự án bất động sản diễn ra âm thầm
Hoạt loạt các vụ chuyển nhượng dự án bất động sản diễn ra âm thầm.

Theo thống kê của CBRE Việt Nam, tổng giá trị thương vụ chuyển nhượng trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam thời gian qua đạt 251 triệu USD, xếp thứ 3 chỉ sau các lĩnh vực hàng tiêu dùng và tài chính.

Dự báo, năm 2012 được coi là kỳ vọng cho sự nhộn nhịp của hoạt động mua bán và sát nhập các dự án bất động sản.

Theo khảo sát, hiện nay thị trường bất động sản hoạt động chuyển nhượng đang thực sự “nóng bỏng” và là nhu cầu thiết yếu. Nguyên nhân thị trường bất động sản trì trệ trong hơn 3 năm qua, cộng với chính sách thắt chặt tín dụng làm cho phần lớn các công ty phát triển bất động sản không còn đủ nguồn lực để tiếp tục thực hiện dự án của mình.

Vì vậy, họ bắt buộc phải bán bớt, chuyển nhượng một số dự án trong doanh mục đầu tư của mình để có thể tiếp tục thực hiện những dự án còn lại và tái cấu trúc danh mục đầu tư và nguồn nhân lực thực hiện các dự án là những thử thách rất lớn.

Thời gian qua đã diễn ra hàng loạt vụ chuyển nhượng các dự án bất động sản, khách sạn nghỉ dưỡng. Mới đây Công ty Hanel Hà Nội đã mua lại 100% cổ phần của khách sạn 5 sao Deawoo Hà Nội từ doanh nghiệp Hàn Quốc. Một thương vụ dù im tiếng nhưng lại khiến giới đầu tư thán phục là việc nhà đầu tư Việt Nam mua lại khách sạn 5 sao Hilton Opera (Hà Nội) từ tay các ông chủ Đức và Áo của Tập đoàn BRG.

Bên cạnh đó, thương vụ Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh mua lại hệ thống khách sạn và khu nghỉ dưỡng Victoria tại nhiều địa phương ở Việt Nam và Campuchia từ tay Công ty TNHH EEM Victoria của Hong Kong Bao gồm: Victoria Phan Thiết Beach Resort & Spa, Victoria Sapa Resort & Spa, Victoria Cần Thơ Resort, Victoria Châu Đốc Hotel, Victoria Hội An Beach Resort & Spa….

Hoặc thương vụ Công ty TNHH phát triển BĐS Vina (Vina Properties) mua lại khách sạn 4 sao Amara Saigon từ Công ty TNHH khách sạn Amara Saigon, 100% vốn nước ngoài.

Thương vụ quỹ đầu tư JSM Indochina, đơn vị đầu tư bất động sản tại thị trường Việt Nam và Campuchia vừa hoàn tất thương vụ chuyển nhượng dự án Peninsula cho công ty Sao Sáng Saigon với giá khoảng 228 tỷ đồng, tương đương 11 triệu USD, lỗ 8 triệu USD so với giá quỹ này mua vào trước đó.

Ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam cho biết, những thương vụ chuyển nhượng âm thầm thời gian qua cho thấy hoạt động M&A đang thực sự “nóng bỏng” và công thức áp đảo cho các giao dịch là người bán trong nước và người mua nước ngoài, tuy vậy chúng tôi vẫn nhìn thấy cơ hội lớn cho cả phía người bán nước ngoài và người mua trong nước.

Hầu hết các doanh nghiệp phải chuyển nhượng dự án thời điểm này đa phần đều gặp khó khăn do hiện nay sản phẩm đầu ra của dự án bán rất chậm, sức mua kém, sức ép trả nợ ngân hàng lớn.

Nhiều thương vụ chuyển nhượng dự án diễn ra dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần hoặc chuyển nhượng phần vốn góp. Các giao dịch này diễn ra âm thầm và khá mạnh mẽ trong thời gian qua, phần lớn không công bố. Các trường hợp đã công bố chủ yếu liên quan đến công ty đại chúng, công ty niêm yết.

Nhiều dự án gặp khó khăn về vốn buộc phải bán
Nhiều dự án gặp khó khăn về vốn buộc phải bán "lúa non" cho nhà đầu tư khác.

Việc chuyển nhượng một dự án bất động sản khá phức tạp và mất thời gian, các doanh nghiệp nên thông qua các công ty tư vấn chuyên sâu hoặc những nhà môi giới giỏi trên thị trường.

Một số ít doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, tuy không quá bức bách về nguồn vốn nhưng cũng đã thấy sự phát triển dự án một cách nhanh chóng thiếu định hướng, tập trung không còn phù hợp nữa mà cần phải định vị rõ ràng phân khúc mục tiêu của mình là gì? Từ đó xác định khu vực phát triển quỹ đất, thiết kế quy hoạch và chi tiết từng căn nhà, tiếp thị phù hợp với phân khúc khách hàng mục tiêu đã lựa chọn.

Những doanh nghiệp muốn chuyển nhượng, hợp tác dự án không những cần đối tác có năng lực tài chính mà còn phải có kinh nghiệm phát triển dự án, đặc biệt trong ngành và phân khúc mục tiêu, am hiểu thị trường Việt Nam như: chu kỳ thị trường, thu nhập và cách thức mua nhà của người dân, tín dụng bất động sản…

Giới bất động sản cho rằng, một tỷ lệ lớn các chủ dự án ở Việt Nam vẫn còn rất nặng tâm lý bán là mất thể diện, nên chưa thực sự thoải mái khi tiếp xúc với các nhà đầu tư khác, vì vậy có nhiều chủ dự án yêu cầu giữ lại tên cũ sau khi chuyển nhượng.

Ngoài ra, hầu hết các đối tác nước ngoài đều có tiêu chuẩn khắt khe về tính minh bạch, đặc biệt những đối tác đến từ các quốc gia phát triển như Nhật, Singapore hay Mỹ, nên các dự án của DN trong nước khi muốn chuyển nhượng phải có pháp lý rõ ràng, đã đền bù giải tỏa, đã đóng tiền sử dụng đất…

Theo Nguyễn Hiếu
Infonet

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG