Sinh viên nhiễm cúm gia cầm A/H5 ở Khánh Hòa đã tử vong

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sinh viên nhiễm cúm gia cầm A/H5 ở Khánh Hòa đã tử vong sau 3 ngày nhập viện vì bệnh diễn biến quá nặng.

Trưa 23/3, ông Nguyễn Đình Thoan - Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, xác nhận: sinh viên nhiễm cúm gia cầm A/H5 ở tỉnh này đã tử vong vào trưa cùng ngày.

“Các bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực điều trị nhưng không thể cứu được bệnh nhân vì tình trạng bệnh diễn biến quá nặng, phổi đã bị xơ. Các công tác phòng, chống dịch vẫn đang được ngành y tế bám sát triển khai”, ông Thoan nói.

Sinh viên nhiễm cúm gia cầm A/H5 ở Khánh Hòa đã tử vong ảnh 1

Ký túc xá trường Đại học Nha Trang, nơi bệnh nhân mắc cúm A/H5 ở đã được phun khử khuẩn.

Như Tiền Phong đã thông tin, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận một trường hợp nhiễm cúm gia cầm A/H5. Cụ thể, bệnh nhân B.T.Đ. (21 tuổi, thường trú tại thị xã Ninh Hòa, sinh viên trường Đại học Nha Trang) hiện đang ở nội trú tại khu ký túc xá của trường. Từ ngày 11 - 17/3 bệnh nhân khởi phát bệnh với các triệu chứng sốt, ho nhẹ và trở nặng dần. Ngày 20/3, kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur Nha Trang bệnh nhân viêm phổi nặng do cúm gia cầm A/H5 và được chuyển vào điều trị cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 22/3, kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang xác định loại kháng nguyên trong sinh viên nhiễm cúm gia cầm A/H5 là N1 (vi rút cúm A/H5N1).

Ngay khi nhận được thông tin, CDC Khánh Hòa đã tiến hành khử khuẩn bằng Cloramin B phòng ở và các phòng trong dãy nhà ký túc xá trường Đại học Nha Trang, lập danh sách 6 bạn cùng phòng và 60 sinh viên học cùng lớp với bệnh nhân để tiến hành theo dõi sức khỏe. Đồng thời, lấy 6 mẫu bệnh phẩm là người cùng phòng ký túc xá với bệnh nhân đưa đi xét nghiệm, kết quả âm tính với cúm A/H5.

Theo CDC Khánh Hòa, cúm A/H5 là vi rút cúm lây từ gia cầm sang người thông qua việc hít thở hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết (nước bọt, chất nhầy hoặc phân) từ những con vật bị nhiễm bệnh. Khi vi rút tấn công vào cơ thể người sẽ xâm nhập vào tế bào chủ, sau đó nhanh chóng tự nhân bản ra khắp cơ thể. Điều này khiến hệ miễn dịch của người bệnh yếu đi nhanh chóng, thậm chí dẫn đến tử vong.

Người nhiễm cúm A/H5 thường có các triệu chứng tương tự khi nhiễm cúm thông thường và kèm theo một vài dấu hiệu nguy hiểm hơn. Những triệu chứng nhận biết cúm A/H5 ở người thường bắt đầu trong khoảng 2 - 5 ngày kể từ lúc bị vi rút xâm nhập như: sốt cao, đau đầu, rét run, tim đập nhanh, cảm thấy khó thở, bị đau ngực, ho…

Các triệu chứng cúm A/H5 diễn ra nặng hơn sau đó. Lúc này, người bệnh có thể bị suy hô hấp cấp với các triệu chứng như thở nhanh, khó thở, tím tái da, thậm chí cảm thấy đau toàn thân, mê man...

MỚI - NÓNG