Siêu lầy gặp siêu lừa có đủ siêu?

TP - "Siêu lầy gặp siêu lừa" quy tụ khá nhiều gương mặt diễn viên nổi tiếng và ăn khách. Đạo diễn cũng được gắn mác “trăm tỷ”, Võ Thanh Hòa gần đây khá mát tay khi làm phim với kịch bản nước ngoài. Và đây là dịp để anh khẳng định với kịch bản gốc do chính mình thực hiện cùng đội ngũ biên kịch.

Trong dàn diễn viên phụ và khách mời xuất hiện Mỹ Duyên, Đại Nghĩa, Cát Tường, Hứa Minh Đạt, Lâm Vỹ Dạ… Trong bốn diễn viên chính có đến ba diễn viên hài. Vai chính được giao cho ca sĩ Anh Tú. Anh có gương mặt sáng, hợp với các vai kiểu công tử, ăn chơi, sát gái… Và vai này như được đo ni đóng giày cho anh.

Siêu lầy gặp siêu lừa có đủ siêu? ảnh 1

Mỹ Duyên trở lại màn ảnh trong Siêu lầy gặp siêu lừa.

Phụ tá của Tú là những diễn viên chuyên môn cứng hơn bao gồm Nhật Trung vai ông Năm, Ngọc Phước vai bé Mã Lai và Mạc Văn Khoa - Khoa. Chỉ có bốn người nhưng họ toàn làm những phi vụ lừa gạt tiền tỷ giữa nơi đông người. Và có lẽ vì giàu quá nên các nạn nhân chẳng ai thèm báo công an hoặc đòi lại tiền dù cho họ hoàn toàn có thể.

Nhóm lừa đảo cũng chỉ là thành phần “tứ cố vô thân” đúng nghĩa. Chỉ dùng mấy chiêu như khoe vẻ đẹp trai, ăn mặc sành điệu là họ có thể hốt trọn những con mồi đều thuộc tầng lớp thượng lưu. Phim có hé lộ đôi chút về nhân thân của chú Năm, Khoa và Mã Lai nhưng tới nhân vật trung tâm là Tú vẫn ém lại... Không biết vì sao và động cơ nào khiến cho anh ta trở thành kẻ lừa đảo thượng thặng. Nhưng căn cứ vào kịch bản thì có vẻ nguyên nhân chính là mọi người xung quanh ngây thơ quá, không lừa thì hơi phí. Chẳng hạn mọi người dễ dàng bỏ ra tiền triệu để cứu giúp cho nhân phẩm của Tú (không ngại tự giới thiệu mình làm trai gọi để lấy tiền lo cho em trai).

Võ Thanh Hòa thông báo “lên lịch” sẵn cho phần 2 và 3 sẽ được quay tại Thái Lan, Philippines và cả Đông Âu. Có thể anh đủ kinh phí để thực hiện. Nhưng chỉ so ngay với một phim cùng đề tài của Thái Lan ra rạp cách đây không lâu là Lừa đểu gặp lừa đảo (The Con-Heartist) có thể thấy phim Việt vẫn còn giữ một khoảng cách đáng kể.

Phim không có cảnh nhóm lừa đảo rèn luyện công lực ra sao. Chỉ biết từ khi tham gia nhóm lừa đảo tại Phú Quốc, Khoa tự nhiên cũng trở nên “văn võ song toàn”. Kịch bản được xây dựng theo kiểu bằng mọi cách, dù là bất đắc dĩ nhất, miễn sao cho nhóm lừa đảo thoát thân.

Siêu lầy gặp siêu lừa có đủ siêu? ảnh 2

Nhân vật Anh Tú trong phim được xây dựng với ngoại hình hấp dẫn cả hai giới.

Đơn cử trong vụ bộ tứ lừa cả nhóm du khách vào rừng để thăm safari. Từng cảnh rượt đuổi, sát thương đều vô cùng giả. Cứ cho rằng nhóm du khách đều kém nhận thức, thiếu hiểu biết nhưng còn hướng dẫn viên bị bắt cóc, hành hung, giả mạo nhân thân thì thế nào? Chưa kể việc du khách bị thổ dân trên đảo Phú Quốc săn đuổi lại có người tử nạn chắc chắn sẽ rùm beng lên và nhóm lừa đảo khó lòng mà yên ổn.

Về màn giả mạo nhân thân thì phải nói nhóm này đạt đến độ cao cường, đẳng cấp thế giới chứ không đùa. Họ hoàn toàn có thể được cấp bằng sáng chế vì thành tựu này. Nhưng tất nhiên khán giả không được biết vì sao họ lại sở hữu được công nghệ siêu đẳng đó.

Các nhân vật có thể thượng thừa về công nghệ nhưng trình độ hóa trang của phim lại khá hạn chế. Đại Nghĩa muốn nhân vật nhà thiết kế thời trang của mình có nước da ngăm đen, nhưng trong cảnh bán khỏa thân của anh khán giả thấy rõ cái bụng được quệt những vệt màu đen như than.

Tóm lại kịch bản mới chỉ dừng lại là những màn kịch được điện ảnh hóa mà thôi. Cho nên đến phi vụ chính vì phức tạp hơn nên sự vô lý cũng đạt tới mức lạ lùng hơn. Việc nhóm lừa đảo của nữ doanh nhân Kim Khánh (Cát Tường) “so găng” với nhóm lừa đảo của Tú dẫn đến vô số những tình tiết vô lý. Tóm lại Siêu lầy gặp siêu lừa chủ yếu được xây dựng từ những tình tiết chắp ghép dễ dãi. Chẳng hạn hai nhân viên tổ chức sự kiện ở Hà Nội bị lừa ở trên hoang đảo cả tháng để nghĩ ra ý tưởng cho sự kiện, vẫn chấp nhận một cách sung sướng.

Xem ra phim không từ một thủ pháp, “thủ đoạn” nào chỉ để truyền đi thông điệp thắng lợi sẽ thuộc về kẻ ít tham lam hơn - nhất là trong trường hợp hai bên đều tà đạo. Có thể hiểu là nhóm lừa đảo ở cuối phim chấp nhận lộ diện để cải tà quy chính.

Phim cũng nổi lên một thương hiệu đồng hồ cao cấp và sản phẩm được quay vòng để xuất hiện trong hơn một cảnh. Mấy chiếc siêu xe đều được lên hình với đầy đủ số hiệu, giá bán... Trong khi kịch bản đầy lỗ hổng logic, những hình ảnh này được cài cắm khá mượt. Điều này khiến khán giả hoàn toàn có thể suy luận phim được làm ra cốt để giải ngân cho những nhãn hàng xa xỉ đó.