Sếp… trời đánh!

Sếp… trời đánh!
Vừa nghe mấy tay nhân viên mới hí hửng khoe tiền thù lao công trình, tôi đã bầm gan tím ruột.

> Khi sếp đột ngột từ chức
> Mười điều 'thú tội' của Sếp
> Khi không được sếp đánh giá cao trong công việc

 
Sếp… trời đánh! ảnh 1

Lẽ ra tôi là bậc cha chú, à không, thuộc hàng anh chị thì ít nhiều gì tôi cũng phải được chia phần nhiều hơn; đằng này, chẳng những không được bằng mà tôi còn bị chia ít hơn mọi người.

“Hình như cái này phòng tài vụ phân chia theo đề xuất của sếp Lan, tụi em không biết”- một trong những tên lính mới lúng túng khi bị tôi tra vấn.
Được rồi, để tôi đi gặp “sếp Lan” để làm cho ra lẽ, không thì mất mặt quá. Vừa nghĩ xong là tôi đã bước tới trước cửa phòng của người mình cần gặp. Tôi đập cửa. Có tiếng nói vọng ra: “Khôi hả? Vô đi”.

Trời, con mẹ này chỉ cần nghe tiếng gõ cửa đã biết là ai gọi, đúng là… đồ trời đánh mà!

Tôi làm việc với người đàn bà ấy đã hơn chục năm kể từ khi chị ta còn là lính trơn. Điều đáng nói là cho đến khi chị ta làm trưởng phòng thì tôi cũng vẫn là lính. Nhưng được cái, tôi là người có thâm niên nhất phòng nên có vẻ chị ta cũng nể nang. Và đây không phải lần đầu tôi hùng hổ đi tìm chị ta để “làm cho ra lẽ”.

Vừa trông thấy tôi, chị ta đã chỉ xuống ghế: “Rảnh quá hay sao mà đi chơi vậy? Tự rót nước uống đi, tôi còn bận chút việc”. Tôi rót ly nước, uống ực một hơi. Thêm một ly nữa vẫn chưa hạ hỏa.

Không thèm ngước nhìn lên, chị ta thủng thỉnh hỏi: “Chê tiền ít hả? Vậy thì cho tụi nhỏ luôn đi cho được tiếng thơm”. Tôi tức cành hông: “Tại sao lại chia cho tôi ít như vậy? Dù tôi không tham gia nhiều nhưng tôi cũng có góp ý để họ hoàn chỉnh công trình…”.

Chị ta đưa tay lên ngăn tôi lại: “Biết rồi. Thì nhờ có góp ý nên mới được chia, còn không thì ai chia làm gì? Thôi, về làm việc đi, lớn rồi mà xử sự như con nít”. Tôi tái mặt: “Được rồi, tôi sẽ xin chuyển qua bộ phận khác”. Chị ta xòe tay ra: “Đưa đơn đây. Giải quyết liền”. Tôi đứng bật dậy, giận đến lắp bắp: “Đúng… đúng là… đồ trời đánh”.

Tôi đùng đùng bỏ ra, không thèm ngó đến mặt chị ta.

Ấy thế mà hôm sau, khi họp phòng để triển khai công việc, chị ta lại vui vẻ cười đùa, xem như chẳng có chuyện gì xảy ra! Cho đến khi họp xong, mọi người ra hết, chị ta mới bước lại gần tôi: “Viết đơn chưa, đưa đây”. Tôi lúng túng: “Chưa có hứng thú nên chưa viết. Làm gì gấp vậy?”. Chị ta ghé sát mặt tôi: “Nếu chưa viết thì khỏi viết. Tôi đã đi hỏi tất cả các phòng ban cho anh rồi; không ai chịu nhận anh cả. Không tin hả? Cứ đi hỏi đi”. Tôi lầu bầu: “Mắc mớ gì phải hỏi?”.

Vậy là cái chuyện xin chuyển công tác thất bại.

Càng nghĩ, tôi càng thấy cay đắng cho cái phận mình. Lần trước tôi cũng bất mãn định xin nghỉ việc để qua một công ty khác thì chị ta cũng nói cái giọng đó: “Muốn đầu quân cho công ty A. hả? Số điện thoại của giám đốc và trưởng phòng nhân sự bên đó nè, có cần tôi gọi gởi cho một tiếng không?”. Tôi quê quá nên thôi luôn.

… Tuy nhiên, lần này tôi quyết chí làm lại cuộc đời, quyết chí rời xa con người đáng ghét ấy. Tôi nộp đơn và bắt đầu gọi cho tất cả những người thân, sơ mà trước đây từng xúi tôi nghỉ việc với lời hứa: “Nghỉ đi, chỗ tôi đang cần người, có được người như anh, sếp tôi mừng hết lớn”.

Tôi gọi một người, hai người…. Đến người thứ mười thì tôi bắt đầu chán nản. Chẳng biết tại sao họ rất khác nhau, làm việc ở những công ty khác nhau mà câu trả lời lại giống hệt: “Phải chi anh về sớm một chút thì tốt quá. Lúc này khó khăn, công ty không tuyển thêm người”.

Hóa ra, lời nói thì cũng chỉ là lời nói thôi. Tôi tức tối tắt điện thoại, tự hứa với lòng không cần bất cứ một tên bạn bè nào nữa…
Giữa lúc ấy thì em tôi báo tin mẹ trở bệnh nặng, đã chở vô bệnh viện cấp cứu, có lẽ phải phẫu thuật. Tôi nhận tin này từ một cô nhân viên trong phòng: “Em gái anh nói gọi điện thoại cho anh không được nên gọi vô công ty”.

Tôi luýnh quýnh chạy lên gặp “con mẹ sếp trời đánh” để xin nghỉ phép. Chị ta tỉnh bơ: “Định nghỉ phép rồi nghỉ luôn hả? Tính vậy cũng gọn”. Rồi chị ta ký giấy phép, bảo tôi đi nộp cho phòng nhân sự. Tôi mang một cục tức bước ra khỏi công ty, bụng bảo dạ lần này là một đi không trở lại.

Mẹ tôi viêm thận cấp phải mổ cấp cứu. Tôi vô tới nơi thì mọi việc đã xong xuôi. Em gái tôi mừng rỡ: “Công nhận bác sĩ ở đây tốt thật. Mẹ vừa nhập viện một lúc là được mổ liền. May mà họ cũng không đòi tạm ứng viện phí, nếu không, em đâu có tiền để đóng. Em mong anh quá trời nhưng gọi hoài không được, điện thoại cứ ò í e…”.

Tôi chưa kịp trả lời thì vị bác sĩ trưởng khoa bước ra. Ông ta tươi cười bắt tôi: “Anh yên tâm, bà cụ ổn rồi. Lúc nãy cô Lan có gọi cho tôi…”. Tôi nghe hai tai lùng bùng. “Cô Lan” chính là con mẹ sếp trời đánh của tôi…

Sau lần đó, tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi đã gần bốn chục tuổi đầu rồi mà vẫn chưa có cô nào nâng khăn sửa túi, công việc thì ì ạch, bạn bè thì lớt lớt chẳng có ai chí thân… Có lẽ tại mình chăng? Nhưng gì thì gì, tôi cũng phải gặp sếp một chuyến.

Vừa trông thấy tôi, chị ta đã nói: “Bà cụ khỏe hẳn chưa?”. Tôi sượng sùng: “Cũng đỡ rồi. May mà có chị…”.

Không trả lời câu nói của tôi, sếp mở ngăn kéo lấy ra lá đơn xin nghỉ việc: “Đem về cất làm kỷ niệm. Tôi biết anh có nhiều điều ấm ức, nhưng thật ra, đó là do anh tự nghĩ ra thôi. Cố gắng suy nghĩ thông thoáng một chút thì sẽ thấy nhẹ lòng. Mình sống trong tập thể thì phải nhìn trước ngó sau; anh em không xấu nhưng họ không ưa mình thì bản thân mình có vấn đề rồi”.

Tôi cầm lá đơn, nặng nề bước ra khỏi phòng sếp. Chưa bao giờ tôi thấy cái câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” đáng suy nghĩ như bây giờ.

Có lẽ sếp nói đúng…

Theo Minh Khôi

Người lao động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG