Sểnh một ly, 'đi' mạng người

Các bị cáo trong phiên tòa
Các bị cáo trong phiên tòa
TPO - Phút lơ là của nhân viên gác chắn, cùng với sự thiếu quan sát của tài xế ô tô, một vụ tai nạn kinh hoàng đã xảy ra làm lái xe tử vong tại chỗ…
Các bị cáo trong phiên tòa
Các bị cáo trong phiên tòa.

Sáng 5/7, TAND TP Hà Nội mở tòa xét xử Trần Huy Thư (SN 1974) và Vũ Thị Kim Oanh (SN 1976, cùng ở huyện Đông Anh) về hành vi Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt, quy định tại Điều 208 BLHS.

Theo cáo buộc, khoảng 4h20 phút ngày 3/2/2012, ông Nguyễn Văn Thái điều khiển ô tô du lịch, chở 6 người đi tham quan. Khi đi đến điểm giao cắt đường ngang Km 26+200 (tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai), thuộc địa phận xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội, đã va chạm với đoàn tàu SP4, do lái tàu Lê Đình Tới (SN 1979, ở huyện Mê Linh) điều khiển. Cú va chạm đã làm ông Thái tử vong tại chỗ, những người còn lại trên ô tô bị thương tích khá nặng.

Kết quả điều tra thể hiện, Trần Huy Thư và Vũ Thị Kim Oanh là nhân viên gác chắn, được giao nhiệm vụ trực tại trạm chắn đường ngang Bắc Hồng, Đông Anh. Đã nhiều lần, Oanh và Thư đổi ca trực cho nhau.

Khoảng 0h ngày 3/2/2012, thấy trong người mệt mỏi, Thư điện thoại cho Oanh ra thay ca và gọi vợ đến đón về. Khoảng 4h20 phút cùng ngày, sau khi nhận được điện từ trực ban ga Bắc Hồng, Oanh nhận điện và thực hiện hô đáp theo quy định, vào sổ trực và đi ra đường ngang quan sát tín hiệu báo, dừng đường bộ.

Do chỉ có một mình (đúng quy định là 2 người), Oanh chỉ kịp đóng chắn 2 và treo đèn cảnh báo lên đầu hàng rào chắn cố định và không đóng chắn phía bên kia đường ray. Đây cũng là lý do khiến anh Thái đã chủ quan, điều khiển ô tô vượt đường sắt, gây ra vụ tai nạn đáng tiếc.

Sau khi xem xét hiện trường, cùng với quá trình thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu, cơ quan điều tra xác định, lỗi chính trong vụ việc là do Thư và Oanh đã vi phạm kỷ luật lao động, tự ý thỏa thuận trực thay (lẽ ra phải 2 người, nhưng Oanh đã đồng ý cho Thư về nhà nghỉ, trực một mình), do đó, đã không đóng chắn đường bộ trước 90 giây khi tàu đi qua đường ngang (theo quy định của ngành đường sắt).

Quá trình xét xử, các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Riêng bị cáo Oanh cho rằng, bị cáo đã đóng gác chắn 2 và không kịp đóng chắn 1. Tuy nhiên, các bị hại lại cho rằng, vào thời điểm xảy ra tai nạn, không có bất cứ gác chắn nào được hạ xuống. “Sau khi xảy ra chuyện, chúng tôi không thấy gác chắn nào hạ xuống, và có người trong nhà chắn” – một bị hại khai tại tòa.

Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX nhận định, các bị cáo đã thực hiện sai nguyên tắc trong công việc, đã có lỗi chính khi vụ tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, về phía bị hại, lái xe cũng có phần lỗi khi không quan sát kỹ (dù không có gác chắn, nhưng đã có đèn tín hiệu báo tàu đến). Với hành vi nêu trên, Tòa tuyên phạt 7 năm tù đối với bị cáo Oanh, 5 năm 6 tháng tù là mức án dành cho bị cáo Thư.

Liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại, đại diện chủ lao động của hai bị cáo – Cty TNHH một thành viên quản lý đường sắt Hà Thái cho rằng, lỗi của hai bị cáo chỉ là gián tiếp, có vi phạm quy chế, nhưng “ở phần nào”, do vậy, không đồng ý bồi thường cho các bị hại. Tuy vậy, Tòa đã bác bỏ quan điểm này, và cho rằng, nếu các nhân viên gác chắn tuân thủ đúng quy chế, thực hiện cảnh báo và hạ chắn như quy định, đã không có vụ tai nạn đáng tiếc nói trên.

“Nhiệm vụ gác chắn của hai nhân viên, nhưng đã tự ý thỏa thuận cho một người về, như vậy là vi phạm quy chế ngành” – một vị thẩm phán lên tiếng. Cuối cùng, Tòa buộc phía Cty đường sắt Thái Hà phải bồi hoàn hơn 800 triệu đồng cho các bị hại.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.