Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo các vụ, cục của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng đại diện Hội đồng Quản trị và Ban Điều hành của SeABank.
Bộ chuẩn mực toàn cầu về quản trị rủi ro Basel III được hình thành năm 2010 nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và được cải cách năm 2017 nhằm khắc phục hạn chế của những quy định Basel trước. Qua đó, tạo nền tảng cho một hệ thống ngân hàng bền vững có sức chống chịu biến cố, khả năng phục hồi sau biến cố và góp phần ngăn ngừa những tổn thất hệ thống có thể xảy ra.
Tại Việt Nam, SeABank là một trong số ít ngân hàng triển khai và áp dụng Basel III nhằm nâng cao năng lực quản trị của SeABank, giúp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động, tăng cường sức chống chịu của ngân hàng với những cú sốc của thị trường.
Khi áp dụng Basel III, SeABank sẽ tối ưu được tài sản có rủi ro (RWA) và vốn bằng các phương pháp luận nâng cao cho phép tính toán đo lường nhạy cảm với rủi ro và thị trường. Nhờ đó, Ngân hàng có thể cân đối được giữa rủi ro và cơ hội sinh lời của việc nắm giữ vốn, cải thiện thanh khoản, nâng cao khả năng xử lý rủi ro tín dụng, đơn giản hóa cách thức xử lý rủi ro hoạt động.
Cụ thể, SeABank đã áp dụng phương pháp xếp hạng nội bộ cơ bản (IRB) cho cấu phần Rủi ro tín dụng, tính toán vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường theo phương pháp tiếp cận Mô hình nội bộ (VaR), vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động theo phương pháp tiếp cận tiêu chuẩn của Basel III.
Ngoài ra, SeABank đã xây dựng công cụ để thực hiện tính và kiểm soát 2 chỉ số liên quan đến thanh khoản gồm: LCR (Liquidity Coverage Ratio - Tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản) và NSFR (Net Stable Funding Ratio - Tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng). Trong đó, chỉ số LCR hướng tới mục tiêu đảm bảo ngân hàng có đủ tài sản có khả năng chuyển đổi thành tiền mặt để đáp ứng nhu cầu thanh khoản trong 30 ngày, kể cả trong điều kiện bất lợi. Chỉ số NSFR là một trong những cập nhật trọng yếu của Basel III, yêu cầu các ngân hàng duy trì một cấu trúc vốn bền vững, hạn chế sự phụ thuộc vào các nguồn vốn ngắn hạn đối với tất cả các khoản mục tài sản. Điều này giúp SeABank duy trì khả năng thanh khoản, đảm bảo hoạt động của ngân hàng và quyền lợi của khách hàng, đối tác kể cả trong các tình huống xấu.
Song song với Dự án áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) đã được SeABank khởi động từ tháng 12/2020, việc triển khai và áp dụng các tiêu chuẩn Basel III trong thời điểm hiện tại cũng góp phần giúp SeABank nâng cao sự tín nhiệm đối với các đối tác, các nhà đầu tư và cơ quan quản lý, nhờ đó mở rộng các cơ hội hợp tác, đầu tư quốc tế. Basel III cũng giúp SeABank nâng cao tiềm lực và khả năng chống chịu trước các biển đổi của nền kinh tế vĩ mô, mang đến niềm tin và các giá trị bền vững cho khách hàng. Trong bối cảnh Covid-19 làm gián đoạn nền kinh tế trong năm 2020-2021, việc SeABank triển khai và áp dụng Basel III cũng thể hiện tiềm lực mạnh mẽ và sự quyết tâm của Ngân hàng trong việc hướng đến sự minh bạch, lành mạnh tài chính. Điều này phản ánh triết lý kinh doanh “Lấy khách hàng làm trọng tâm” và giá trị “Luôn minh bạch” trong bộ giá trị cốt lõi định hướng cho hoạt động của ngân hàng.
Bên cạnh đó, SeABank cũng tập trung cải thiện vốn, nâng cao năng lực tài chính, bổ sung thêm nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng. Trong năm 2021, SeABank đã thành công tăng vốn điều lệ 2 lần, nâng mức vốn điều lệ lên gần 14.785 tỷ đồng. Gần đây nhất vào tháng 4/2022, Ngân hàng đã thành công tăng vốn điều lệ lên 16.598 tỷ đồng. Phương án tăng vốn điều lệ lên 22.690 tỷ đồng trong năm 2022 cũng đã được thông qua tại Đại hội đồng Cổ đông SeABank được tổ chức ngày 21/4/2022. Kết thúc năm 2021, hệ số an toàn vốn (CAR) của Ngân hàng ở mức 11,2%, cao hơn so với mức 8% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.