“Việc xét xử công khai sẽ khiến các em bị tổn thương hoặc không thuận lợi cho cuộc sống tương lai”- ông Nguyễn Văn Tùng, Vụ pháp chế và Quản lý khoa học- TAND tối cao, nói.
Theo ông Tùng, nếu tuyên án công khai thì cũng cần có biện pháp để bảo đảm bí mật về nhân thân của người bị hại là trẻ em, chẳng hạn như chỉ đọc phần đầu và phần cuối của bản án.
“Phải quy định các biện pháp để bảo vệ bí mật về nhận dạng của người bị hại là trẻ em trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử...Ngay Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng quy định những vụ án mà bị hại dưới 18 tuổi có thể được xét xử kín nếu thấy cần thiết cho việc bảo vệ tối đa quyền của các em”, ông Tùng nêu quan điểm.
Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng nhiều tội danh của nhóm tội xâm phạm tình dục trẻ em có khung hình phạt cao, nên đòi hỏi quá trình định tội càng phải chính xác.
Theo quy định mới, kẻ thực hiện hành vi không cần giao cấu mà chỉ cần có hành vi quan hệ tình dục khác với trẻ em là phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, những “hành vi quan hệ tình dục khác” ở đây là gì thì chưa được hiểu thống nhất.
“Bản thân chúng tôi cũng thấy lúng túng và cần nhận được ý kiến của các chuyên gia, những người đang làm án thực tế để tới đây có hướng dẫn sát với thực tiễn và áp dụng được từ 1/1/2018- thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực”- ông Trần Văn Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) nói.