Bộ GD&ĐT ngày 4/3 phát ra thông tin, thí sinh trượt tốt nghiệp từ năm 2024 trở về trước sẽ được thi lại với đề thi riêng, khác với đề dành cho học sinh tốt nghiệp từ năm 2025. Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi cho những học sinh đã học theo chương trình cũ.
"Nội dung này sẽ được đưa vào điều khoản chuyển tiếp của thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025", Bộ GD&ĐT nêu. Tuy nhiên, Bộ chưa đưa ra phương án thi cụ thể cho nhóm thí sinh này.
2024 là năm cuối thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Từ năm 2025, kỳ thi sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với lứa học sinh theo sách và chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018).
Với thí sinh học theo chương trình cũ, học sinh sẽ làm bốn bài thi để được công nhận tốt nghiệp. Trong đó, ba bài độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; một trong hai bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý với giáo dục thường xuyên).
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chỉ có hai môn bắt buộc là Toán và Văn. Thí sinh chọn thêm hai môn thi ở 9 môn còn lại, gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Nội dung đề cũng sẽ theo định hướng đánh giá năng lực, bám sát mục tiêu của chương trình mới.
Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Về phương thức xét công nhận tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT quy định: Kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.
Phương án thi này được thực hiện từ năm 2025. Trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030, kỳ thi giữ ổn định phương thức thi trên giấy.