SCIC trên con đường trở thành Quỹ đầu tư Chính phủ

0:00 / 0:00
0:00
SCIC hướng tới trở thành Nhà đầu tư của Chính phủ với hoạt động đầu tư là trụ cột
SCIC hướng tới trở thành Nhà đầu tư của Chính phủ với hoạt động đầu tư là trụ cột
TP - Sau 15 năm ra đời và hoạt động, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thực hiện thành công các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước đề ra trong việc đổi mới cơ chế quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN).

Không chỉ làm tròn sứ mệnh tiếp nhận, quản lý và kinh doanh vốn Nhà nước sau cổ phần hoá, Tổng công ty còn giữ vị thế của một nhà đầu tư Chính phủ trong những năm qua, từng bước chuyển trọng tâm sang hoạt động đầu tư, hướng tới mô hình Quỹ đầu tư Chính phủ nhằm hoàn thành trọng trách trong thời kỳ mới.

Từ “Bà đỡ” mát tay trong quản lý và bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Năm 2021 được cho là một trong những thời điểm thử thách của SCIC, khi kinh tế thế giới và trong nước chuyển biến phức tạp, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với nỗ lực không mệt mỏi, SCIC đã và đang triển khai tốt kế hoạch kinh doanh năm 2021 và đạt được những kết quả tích cực. Các chỉ tiêu kinh doanh chủ yếu đều đạt và vượt cao so với kế hoạch cả năm.

Đến nay, danh mục doanh nghiệp của SCIC có 149 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 47.009 tỷ đồng, giá trị vốn hóa thị trường đạt trên 190.000 tỷ đồng.

Vai trò “bà đỡ” mát tay của SCIC thể hiện rõ qua những thương vụ tái cơ cấu, cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đến nay, SCIC đã tiếp nhận 34 công ty TNHH 1, 2 thành viên, giá trị sổ sách phần vốn nhà nước là 425 tỷ đồng. Trước khi tiếp nhận, hầu hết các doanh nghiệp này đều có quy mô nhỏ, tồn tại nhiều vướng mắc về tài chính, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản. Sau khi tiếp nhận, SCIC đã thực hiện tái cơ cấu, xử lý các tồn tại về tài chính, hoàn thành sắp xếp, cổ phần hoá và bán vốn tại 30 doanh nghiệp. Hiện SCIC chỉ còn 04 Công ty TNHH 1, 2 thành viên và đang thực hiện cổ phần hóa theo lộ trình. Số lượng các doanh nghiệp yếu kém, thuộc diện giám sát đặc biệt theo xếp loại của SCIC trong 5 năm gần đây có xu hướng giảm mạnh, năm 2015 có 49 doanh nghiệp, đến cuối năm 2020 còn 24 doanh nghiệp.

Thực hiện nhiệm vụ bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, luỹ kế từ khi thành lập đến nay, SCIC đã bán vốn tại 1.017 DN, với giá trị sổ sách bán vốn là 11.776 tỷ đồng, thu về 48.847 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn đạt 37.071 tỷ đồng (giá bán gấp 4,1 lần so với giá vốn). Những thương vụ “đình đám”, mang lại hiệu quả cao tại một số DN quy mô lớn, có thể kể đến: Vinamilk, Vinaconex, Nhựa Bình Minh, Khách sạn Kim Liên...

Trong đó, đợt bán vốn tại Vinamilk năm 2016 được đánh giá là một trong những thương vụ ấn tượng nhất của SCIC 15 năm qua. SCIC thu về gần 9.000 tỷ đồng khi nhà đầu tư Singapore mua nguyên lô 48.333.400 cổ phiếu Vinamilk với giá 186.000 đồng/cổ phiếu.

Đánh giá về thương vụ này, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC từng cho biết giao dịch chào bán cổ phần tại Vinamilk thành công trên mức kỳ vọng, với tổng giá trị bán cổ phần thu về cho ngân sách nhà nước cao hơn khoảng 2.000 tỷ đồng so với giá trị tính trên giá khởi điểm. Đây cũng là giao dịch có giá trị lớn nhất khu vực Đông Nam Á năm 2016.

Từ thực tế triển khai của SCIC, nhiều cơ chế, chính sách của SCIC xây dựng đã được các cơ quan chức năng tham khảo, nhân rộng và áp dụng chung cho các doanh nghiệp nhà nước như: Quy chế người đại diện vốn; Cơ chế bán đấu giá cả lô; Cơ chế chào bán cạnh tranh đối với cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết; Quy trình cho phép nhà đầu tư nước ngoài được ký quỹ đặt cọc bằng ngoại tệ khi tham giá đấu giá mua cổ phiếu...

Tới Nhà đầu tư của Chính phủ

Đồng thời với quá trình bán vốn là quá trình tích tụ, tập trung vốn nhà nước để đầu tư vào các dự án có hiệu quả, các ngành, lĩnh vực mà nhà nước cần nắm giữ chi phối.

Trong 15 năm qua, SCIC đã thực hiện đầu tư với tổng giá trị 36.841 tỷ đồng. Đặc biệt là mới đây, trước yêu cầu cấp bách phải khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội, SCIC đã đầu tư 6.900 tỷ đồng mua cổ phần tăng vốn điều lệ tại Vietnam Airlines, chiếm tỷ lệ sở hữu 31% tại Vietnam Airlines. Sự có mặt kịp thời của SCIC trong thời điểm cam go này thực sự là cứu cánh để đợt phát hành tăng vốn của Vietnam Airlines thành công, kịp thời bổ sung nguồn vốn để vượt qua khó khăn.

Từ năm 2020 trở đi, khi danh mục DN bàn giao về SCIC được dự báo sẽ giảm dần cả về số lượng và giá trị, SCIC đã chủ động chuyển trọng tâm nhiệm vụ sang hoạt động đầu tư kinh doanh vốn. Theo đó, trong chiến lược kinh doanh giai đoạn 2020– 2030, SCIC xác định đẩy mạnh, mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh vốn với định hướng rõ nét hơn trên cơ sở tiếp tục tập trung đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt có tính chất lan tỏa trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, SCIC còn định hướng từng bước phát triển các hoạt động tư vấn, bước đầu tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh như: quản trị DN, cổ phần hoá, xây dựng chiến lược kinh doanh, thẩm định và đánh giá các cơ hội đầu tư, mua bán và sáp nhập, thoái vốn. Định hướng đến năm 2030, bên cạnh các hoạt động đầu tư đã thực hiện, SCIC sẽ bổ sung thêm việc tư vấn đầu tư tài chính, mua bán, sáp nhập DN.

Với định hướng trên, SCIC đặt mục tiêu đến 2030 trở thành nhà đầu tư của Chính phủ, có quy mô tổng tài sản (theo giá trị sổ sách) vào năm 2025 là 78.500 tỷ đồng (3,3 tỷ USD); năm 2030 dự kiến đạt khoảng 105.000 tỷ đồng (4,6 tỷ USD).

Về định hướng chiến lược phát triển của SCIC, Tổng Giám đốc Nguyễn Chí Thành cho hay, với mục tiêu trở thành nhà đầu tư của Chính phủ, hoạt động đầu tư là một trong hai trụ cột, quyết định thành công của SCIC. Sau khi nhiệm vụ tiếp nhận, tái cơ cấu doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thành, đòi hỏi SCIC phải chuyển trọng tâm nhiệm vụ sang hoạt động đầu tư kinh doanh vốn. Điều này cũng phù hợp với lộ trình và xu hướng chung của các quỹ đầu tư chính phủ ở nhiều nước trên thế giới: thời gian đầu tích lũy nguồn lực và kinh nghiệm từ việc quản trị danh mục được chính phủ giao quản lý, sau đó đi đôi với việc thoái vốn sẽ từng bước đẩy mạnh đầu tư trong nước cũng như quốc tế.

“15 năm qua, SCIC đã làm tốt sứ mệnh đại diện vốn chủ sở hữu của nhà nước, bảo toàn tích tụ vốn nhà nước, giờ đã đến lúc phải cố gắng triển khai làm tốt hơn nữa sứ mệnh là một nhà đầu tư lớn, hiệu quả của nhà nước”.

SCIC trên con đường trở thành Quỹ đầu tư Chính phủ ảnh 1

Ông Nguyễn Chí Thành

SCIC chủ trương tập trung các nguồn lực để tìm kiếm và hiện thực hóa các cơ hội đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước, phấn đấu trở thành công cụ đắc lực để Chính phủ phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, đòi hỏi phải có sự tham gia của nhà nước. Với vai trò đầu tư Chính phủ, SCIC sẽ đóng vai trò là người cung cấp “vốn mồi” để thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài, tận dụng những lợi thế sẵn có của SCIC như: tiềm lực tài chính; uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước; kinh nghiệm triển khai dự án trong nhiều lĩnh vực của các đơn vị thành viên trong danh mục đầu tư…

Hoạt động đầu tư của SCIC sẽ tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt để tạo động lực, nhân tố mới, lan tỏa cho tăng trưởng của nền kinh tế như công nghệ cao (viễn thông, công nghệ thông tin), kinh tế số (hạ tầng số, hệ thống cơ sở dữ liệu), năng lượng (năng lượng tái tạo, năng lượng sạch), các dự án hạ tầng trọng điểm (cảng hàng không, đường bộ, đường sắt), đô thị thông minh, y học – y tế hiện đại, dược phẩm.

Rõ ràng, để đảm bảo đúng định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước và phát huy vai trò của đầu tư Chính phủ, sự chuyển mình của SCIC trong tình hình mới cần được thực hiện nhanh chóng, dứt khoát, để có thể “đón đầu” giai đoạn mới. Định hướng thì đã rõ, SCIC cần được trang bị thêm những điều kiện cần và đủ để đảm đương vai trò đầu tư nguồn vốn nhà nước.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.