Sau vụ việc xin phụ huynh ủng hộ tiền mua laptop: Nhà trường đến nhà cô giáo

TPO - Sau sự việc cô giáo xin phụ huynh ủng hộ tiền mua laptop, Ban giám hiệu Trường tiểu học Chương Dương cùng một số ban ngành đã đến nhà nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nữ giáo viên. 

Sáng 1/10, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận 1 đã có buổi trao đổi thông tin với báo chí xoay quanh câu chuyện cô giáo Trương Phương Hạnh (giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3, Trường tiểu học Chương Dương, quận 1, TPHCM) xin phụ huynh hỗ trợ tiền mua laptop gây xôn xao dư luận.

Ông Võ Cao Long, Trưởng phòng GD&ĐT quận 1, cho hay sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, không bao che sai phạm, công khai, minh bạch, làm rõ thông tin dư luận.

Sau vụ việc xin phụ huynh ủng hộ tiền mua laptop: Nhà trường đến nhà cô giáo ảnh 1

Ông Võ Cao Long, Trưởng phòng GD&ĐT quận 1 trả lời báo chí sáng 1/10. Ảnh: Nhàn Lê

Để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho học sinh, cô Đinh Thị Kim Thoa, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Chương Dương sẽ phụ trách giảng dạy lớp 4/3 vào sáng 1/10.

Ghi nhận của Tiền Phong, trong sáng 1/10, có 36/38 học sinh lớp 4/3 đến lớp, 2 học sinh nghỉ học vì bị ốm.

Ông Long cho biết, trong tối 30/9, Ban giám hiệu Trường tiểu học Chương Dương thành lập nhanh tổ công tác gồm đại diện Phòng giáo dục quận 1, Cấp ủy, Ban giám hiệu, Công đoàn trường, Ban Thanh tra nhân dân đến nhà cô Hạnh ngay trong tối 30/9.

Ban giám hiệu Trường tiểu học Chương Dương đã đề nghị cô Hạnh tường trình làm rõ những nội dung có liên quan đến cô đang được đăng tải trên mạng xã hội và nộp trước 9 giờ ngày 3/10.

Sau vụ việc xin phụ huynh ủng hộ tiền mua laptop: Nhà trường đến nhà cô giáo ảnh 2

Học sinh lớp 4/3 Trường tiểu học Chương Dương trong sáng 1/10. Ảnh: V.Đ.

Trả lời câu hỏi của báo chí về lý do nhà trường động viên cô giáo đang bị phản ánh sai phạm, ông Long lý giải: "Động viên ở đây có nghĩa là trong cuộc sống ai cũng có những quyết định mang tính thời điểm và đôi khi nóng vội. Tổ công tác đến nhà để tìm hiểu thông tin, tình cảm, tư tưởng của cô".

Phóng viên tiếp tục nêu vấn đề về việc cô Hạnh trả lời với báo chí rằng việc xin laptop cô nghĩ là bình thường, là xã hội hóa giáo dục. Ở cương vị một nhà giáo, một cán bộ quản lý giáo dục, Trưởng phòng GD&ĐT quận 1 có quan điểm gì?

Ông Long nói chỉ phân tích 2 khía cạnh. Quan điểm của ông, nếu là một nhà giáo, cô Hạnh phát biểu như vậy là không được. Tuy vậy, cần phải tìm hiểu thông tin nhiều chiều. "Đang tạm đình chỉ cô Hạnh để xem xét rõ cụ thể từng vấn đề", ông Long nói.

Theo ông Long, qua sự việc trên, UBND quận 1 đã giao cho phòng GD&ĐT phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu việc kiểm tra việc thu chi đầu năm của các trường học trên địa bàn. Thời gian sắp tới, phòng giáo dục sẽ trực tiếp chỉ đạo phân công nhân sự nắm bắt nội dung của các cơ sở giáo dục để tháo gỡ vướng mắc, xử lý các vấn đề phát sinh.

Như Báo Tiền Phong đã đưa tin, cô Trương Phương Hạnh (giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3, Trường tiểu học Chương Dương) xin hỗ trợ tiền mua laptop khiến phụ huynh bức xúc.

Hôm qua (30/9), cô Trương Phương Hạnh đã bị tạm đình chỉ công tác 15 ngày.

Đại diện Ban giám hiệu nhà trường khẳng định đã chấn chỉnh, nhắc nhở chung giáo viên trong toàn trường về việc không vận động kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh để trang bị thiết bị dạy học cho giáo viên. Đồng thời, giáo viên không được trực tiếp quản lý, sử dụng kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp.

Trong sáng qua (30/9), có 24/38 học sinh lớp 4/3 không đến lớp. Nói về lý do không cho con đến trường, chị N. (phụ huynh học sinh lớp 4/3) cho hay, phụ huynh chưa hề nhận được thông báo chính thức từ nhà trường về việc có giáo viên thỉnh giảng sẽ giảng dạy con mình trong thời gian giải quyết vụ việc. Vì bất an nên chị và nhiều phụ huynh trong lớp quyết định cho con nghỉ học để chờ hướng xử lý của nhà trường.
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.