Các nhà nghiên cứu nói họ lạc quan về tương lai khống chế được HIV/AIDS vì việc thử nghiệm ba loại vaccine khác nhau đang chuẩn bị bước vào giai đoạn cuối cùng, báo Anh The Sun đưa tin ngày 2/12.
Kết quả thử nghiệm 3 loại vaccine, HVTN 702, Imbokodo và Mosaico, có thể được công bố vào năm tới.
Hiện nay, khi một người được chẩn đoán có HIV, bác sĩ lập tức áp dụng phương pháp điều trị kháng virus (thuốc ARV).
Sự kết hợp của 3 loại thuốc (thường dưới dạng một viên nén) ngăn virus nhân lên trong cơ thể người bệnh. Điều này làm giảm tải lượng virus – số lượng HIV có trong máu.
Một khi tải lượng virus của một người giảm xuống một ngưỡng nào đó (ở mức không thể phát hiện được), họ không thể truyền virus cho bạn tình, dù họ quan hệ tình dục không an toàn (không dùng bao cao su, màng ngăn âm đạo…).
Phương pháp điều trị hiện nay rất hiệu quả nhưng không điều trị được dứt điểm (người bệnh phải dùng thuốc suốt đời). Virus vẫn còn hoạt động trong cơ thể, dù ở mức độ rất thấp. Nếu người bệnh dừng điều trị bằng thuốc kháng virus (thuốc ARV), HIV ngủ đông có thể tỉnh lại.
Bước đột phá
Chủ trì hai cuộc thử nghiệm, TS Susan Buchbinder, giám đốc chương trình nghiên cứu Bridge HIV thuộc Sở Y tế thành phố San Francisco (Mỹ), nói rằng, dù vaccine chỉ hiệu quả một phần thì đó cũng là “một bước đột phá lớn lao” và “sẽ thực sự có khả năng thay đổi quỹ đạo đại dịch”.
TS Buchbinder nói với hãng tin Mỹ NBC: “Chúng tôi đang thử nghiệm 3 loại vaccine và sẽ mất một khoảng thời gian để chuyển sang giai đoạn nghiên cứu tính công hiệu của chúng”.
Trong 3 loại vaccine, HVTN 702 được thử nghiệm sớm nhất – từ năm 2016 ở Nam Phi. HVTN 702 dựa trên một phiên bản vaccine trước đó là RV144. Trong các nghiên cứu trước đây, RV144 có thể giảm tỷ lệ nhiễm HIV vào khoảng 30%.
RV144 vẫn là loại vaccine HIV duy nhất được chứng minh có tính công hiệu, nhưng các nhà khoa học muốn tăng tính công hiệu này.
Thử nghiệm với Imbokodo bắt đầu năm 2017 ở 5 quốc gia ở phía nam châu Phi. Thử nghiệm với Mosaico bắt đầu vào tháng 11/2019.
Imbokodo và Mosaico tương đồng về công thức và hai loại vaccine này có thể hiệu quả với nhiều loại HIV khác nhau. Hai loại vaccine này gồm 6 lần tiêm.
Nước Anh đặt mục tiêu không còn người nhiễm HIV vào năm 2030. Tỷ lệ nhiễm virus đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 thập kỷ qua. Số ca mắc mới trong năm 2018 chỉ còn 4.484, so với 6.721 năm 2015.
Cần chú ý HIV giai đoạn cửa sổ
Theo Vinmec, mất từ 3 đến 6 tháng để một người bị nhiễm HIV có thể sản xuất ra kháng thể chống lại virus. Kết quả có thể là âm tính nếu người bệnh làm xét nghiệm HIV trong khoảng thời gian từ lúc virus xâm nhập vào cơ thể đến khi cơ thể sản sinh đủ lượng kháng thể, mặc dù người làm xét nghiệm đã bị nhiễm HIV. Giai đoạn này được gọi là giai đoạn cửa sổ.
Dù kết quả xét nghiệm kháng thể trong giai đoạn này là âm tính thì người bệnh vẫn có thể có khả năng lây truyền HIV cho người khác. Nếu nghĩ rằng mình có nguy cơ bị lây nhiễm HIV và đang trong giai đoạn cửa sổ, nên thực hiện xét nghiệm lại sau 3-6 tháng.
Ở giai đoạn này, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như cảm cúm, sốt nhẹ (trên 38 độ C) sau khi nhiễm. Vào thời điểm này, virus sẽ di chuyển vào trong máu và số lượng bắt đầu nhân lên. Biểu hiện phản ứng của hệ miễn dịch là hiện tượng sưng, viêm. Tuy nhiên, không phải ai cũng có những dấu hiệu này.
Người nhiễm HIV giai đoạn cửa sổ được chỉ định dùng thuốc ARV nhằm ngăn chặn sự phát triển của virus trong cơ thể. Việc điều trị phụ thuộc vào giai đoạn lâm sàng nhiễm HIV và số lượng tế bào CD4 trong cơ thể người bệnh. Nếu số lượng tế bào CD4 < 350 tế bào/mm3 thì đủ tiêu chuẩn để điều trị ARV.
Quá trình điều trị HIV sẽ kéo dài cả đời bởi nếu dừng thì virus sẽ lại tiếp tục sao chép trở lại. Hiện nay, thuốc ARV có ít tác dụng phụ hơn, và phần lớn tác dụng phụ chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và sẽ mất đi sau vài tuần khi cơ thể người bệnh đã quen với loại thuốc này.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/11/2019 là 209.980 người và số trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS là gần 96.990 người. Số người tử vong do HIV/AIDS tính đến thời điểm trên là 98.470.