Sao lại 'thèm yêu' theo mùa?
Mặc chiếc blu trắng trong vai y tá Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, tôi được nghe trọn câu chuyện về nỗi khổ tâm của một cô gái kể cho bác sĩ nghe về bệnh “thèm yêu” theo mùa của mình.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Cô nức nở: “Số em chẳng ra gì, nhỏ thì mất mẹ, lớn lên thì mắc ngay cái bệnh chẳng giống ai”…
Vào mùa, bệnh “yêu” lại trỗi dậy
Với mong muốn thoát khỏi con “ma men tình ái” cứ trỗi dậy vào mùa xuân của mình, Nguyễn Thanh Mừng - 25 tuổi (thị trấn Chũ, Bắc Giang) đã tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.
Tại đây bác sĩ chuyên khoa và PV đã nghe trọn câu chuyện khổ tâm của cô. Mừng sụt sịt: “Bây giờ ngẫm lại em mới biết mình mắc bệnh từ năm 18 tuổi. Năm đó vì còn là học sinh lớp 12 lại mới có bạn trai nhưng em chưa hề biết đến cảm xúc ái ân nên nhiều khi cứ đứng cạnh bạn trai người lại nóng lên rần rần. Những lúc đó em thấy xấu hổ lắm, không hiểu mình muốn gì nữa mà bạn em cũng học cùng lớp nên còn trẻ con lắm.
Năm 19 tuổi, chúng em đều may mắn đỗ đại học, lên Hà Nội học nhưng trong tình yêu vẫn rất giữ gìn cho nhau. Vào thời điểm này sự khao khát được chung đụng với bạn khác giới lại trỗi dậy. Thay vì đề nghị trước đó ít ngày với bạn trai là giữ gìn cho nhau, hôm đó em chủ động đến phòng trọ của bạn ấy lúc 10 giờ đêm.
Em lao vào bạn ấy để được bạn ấy siết chặt mình vào lòng, sự khơi gợi của em đã khiến bạn ấy không thể kìm lòng. Bọn em đã ở với nhau suốt đêm. Sau đó em cảm thấy khá ngượng ngùng, nhưng chỉ 4 tiếng sau khi về phòng trọ em lại thấy “nhớ” bạn ấy khủng khiếp. Rồi những ngày sau đó em liên tục chủ động đến với bạn ấy.
Khi đó trong đầu em chỉ nghĩ làm thế nào để mình được thỏa mãn, bất chấp hậu quả có thể xảy ra. Nhưng cứ đến khoảng tháng tư, em lại về trạng thái bình thường. Thậm chí hờ hững với chuyện đó đến mức bạn trai của em còn nghi ngờ em thay đổi. Em đã yêu người đó cho đến năm 24 tuổi, rồi bọn em chia tay khi nhà bạn ấy chuyển vào TPHCM.
Bây giờ em cảm thấy mình cứ phát điên phát dại vì trong đầu không thể nghĩ được chuyện gì khác ngoài việc muốn được chung đụng với ai đó để được thỏa mãn. Em tự xỉ vả mình, tự nói với lòng mình không nên nhưng đầu vẫn không thoát ra được. Hôm nay em lấy hết can đảm mới dám đến đây với mong muốn được cởi trói”...
Cũng mang căn bệnh này, Thế Sinh - Chàng sinh viên năm thứ 3 ĐH Quốc gia Hà Nội cũng phải lấy hết can đảm để đến Bệnh viên Nam học và hiếm muộn Hà Nội nhờ các bác sĩ chuyên gia giúp đỡ.
Sinh tâm sự: “Bình thường mùa hè, nhiều người cảm thấy khó chịu vì nóng nực nhưng em cứ đến hè là trong người lại có biểu hiện khác lạ. Lúc nào cũng cảm thấy khoan khoái, vui vẻ và “sức sống dào dạt” nếu được “đáp ứng” đủ nhu cầu. Em có thể “làm chuyện ấy” hàng ngày, nếu không được “làm” thì bứt rứt khó chịu. Em đã trải qua ba mùa hè như thế rồi nên bây giờ sắp đến hè, nghĩ đến là thấy sợ.
Thứ nhất là hè năm nay em không còn đối tác tin cậy vì mới chia tay bạn gái, hơn nữa em cũng không muốn mình trở nên “biến thái” như thế nữa. Vì đã có lần, em phải “giải quyết” nhu cầu bằng cách “lừa tình” giả vờ thích những cô gái thích mình để được lên giường với các cô ấy hằng ngày. Có lúc, bạn gái kháng cự trong lúc em lại không thể kìm chế được; em đã xé áo, xé quần cô ấy.
Có ngày em ân ái với cả ba cô, người thì gầy rộc đi, mệt khủng khiếp nhưng chỉ sau khi được ăn uống đủ là cảm xúc lại trỗi dậy. Em đã gây ra bao trò lố, đáng xấu hổ! Nhiều lúc em thấy ghê tởm chính mình, không thể giấu kín chuyện này em đã hé lộ với chị gái và hôm nay chị ấy áp tải em đến đây bằng được. Trăm sự nhờ bác sĩ giúp em, cứ như những năm trước thì em chết mất”...
Bệnh có thể khỏi nhưng cả đời phải dùng thuốc
TS. Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội - khẳng định: “Cả hai trường hợp trên đều mắc chứng hưng cảm tình dục theo mùa. Tức là cứ đến một thời điểm nào đó trong năm, bệnh nhân lại phát bệnh hoặc bệnh nặng hơn. Dân gian vẫn gọi đây là chứng “rồ hoa mướp”.
Khi cơn hưng cảm đến, bệnh nhân không điều khiển được hành vi của mình, họ làm mọi cách để đạt được thỏa mãn, bất chấp hậu quả xấu có thể xảy ra. Sau một thời gian điều trị những bệnh nhân này có thể khỏi nhưng hằng năm, cứ đến mùa phát bệnh họ sẽ phải uống thuốc để tránh tái phát...”.
Theo TS. Bùi Quang Huy - Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Đông, Hà Nội): Đây là một dạng rối loạn cảm xúc do người mắc thừa chất dopamine trong não. Hưng cảm có triệu chứng hoàn toàn đối lập với trầm cảm. Nếu các bệnh nhân trầm cảm thường ủ rũ, mệt mỏi, bi quan, thèm ngủ dù không ngủ được, chán ăn, muốn chết... thì người hưng cảm lại trở nên vui vẻ, yêu đời, tự cao, ngủ ít mà vẫn khỏe khoắn, ăn nhiều và muốn đánh người, thích quan hệ tình dục. Nếu một người vừa thiếu serotonin (khiến họ trầm cảm) lại vừa thừa dopamine (khiến họ hưng cảm) thì có thể trải qua các giai đoạn cả trầm cảm và hưng cảm xen kẽ nhau; gọi là rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
Theo TS. Huy: 70% cơn hưng cảm xuất hiện ban đầu thường do một chấn thương tâm lý, nhưng sau đó, khi đã vào chu kỳ thì các tác động bên ngoài không còn ý nghĩa nữa. Khi mắc chứng hưng cảm theo mùa thường chỉ điều trị dứt bằng thuốc hoặc sốc điện. Thường cơn hưng cảm kéo dài ít nhất là một tuần, lâu nhất là 6 tháng rồi tự hết.
Tuy nhiên, việc dùng thuốc sẽ giúp rút ngắn cơn, giảm nhẹ các triệu chứng và ngăn chặn tái phát. Bệnh này chữa đơn giản nhưng thường những người bị bệnh phải uống thuốc củng cố suốt đời. Trong thời gian đó, cần tránh sử dụng rượu bia cũng như hạn chế các chất kích thích khác.
Ngoài ra, các chuyên gia khuyên rằng ngoài việc điều trị bệnh lý hưng cảm theo mùa, những người mắc chứng bệnh này cần đưa ra những biện pháp để giúp mình không nghĩ đến tình dục chẳng hạn như tạo sự bận rộn cho mình bằng công việc, tập luyện thể thao. Nếu bản thân không đủ khả năng để tạo ra những sự bận rộn đó, bạn bè, gia đình phải tạo ra cho họ. Công việc và những hoạt động giải trí khác sẽ giúp họ giải phóng năng lượng, trong đó có cả năng lượng về tình dục.
* Tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.
Theo Kỳ Anh
Giadinh.net