Sáng tạo sinh ra từ thiếu thốn

Phó Đại sứ Doron Lebovich giới thiệu về hệ thống tưới nhỏ giọt của đất nước ông với bạn trẻ Đà Nẵng Ảnh: Thanh Trần
Phó Đại sứ Doron Lebovich giới thiệu về hệ thống tưới nhỏ giọt của đất nước ông với bạn trẻ Đà Nẵng Ảnh: Thanh Trần
TP - Là thông điệp sâu sắc được gửi đến từ triển lãm “Vùng đất sáng tạo” do Đại sứ quán Nhà nước Israel tại Việt Nam phối hợp với Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng, tổ chức ngày 27/11.

Triển lãm giới thiệu gần 20 bức ảnh về những phát minh vĩ đại của Israel đã góp phần vào sự phát triển của thế giới, diễn ra tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP Đà Nẵng, thu hút đông đảo bạn trẻ.

Không bỏ cuộc

 “Israel có tới 60% là sa mạc, các bạn có thể hình dung việc thiếu nước như thế nào rồi đấy. Chúng tôi vẫn hay nói rằng sự thiếu thốn là mẹ của sáng tạo. Vì vậy chúng tôi đã sáng tạo ra hệ thống tưới nhỏ giọt, để nảy lên mầm sống trên những vùng đất khô cằn”, ông Doron Lebovich, Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam mở đầu triển lãm với phát minh ấn tượng như thế. 

Trước bức ảnh giọt nước nhỏ ra từ ống trên một mầm xanh, nhiều bạn trẻ có mặt tại triển lãm không khỏi trầm trồ.  Ông Lebovich giải thích hệ thống tưới này cung cấp chính xác đến từng giọt nước và chất dinh dưỡng mà cây cần. Chính vì vậy nên tiết kiệm nước, giúp đất không bị trôi màu mỡ. Hiện tại, hơn 100 quốc gia trên thế giới đã áp dụng hệ thống này.

Sáng tạo sinh ra từ thiếu thốn ảnh 1 Triển lãm là cơ hội để các bạn trẻ học hỏi và thêm quyết tâm sáng tạo, 
khởi nghiệp Ảnh: Thanh Trần

Bức ảnh về cây cam ra trái sum suê giữa sa mạc bạc phếch thu hút rất nhiều người xem. Bằng cách ghép hai giống khác nhau, người Israel đã dùng phần gốc của cây này ghép với thân của cây kia. Khi đưa ra sa mạc, phần thân rễ mới sẽ phát triển trong điều kiện khô cằn cực độ, và cho trái ngọt. “Sự khắc nghiệt, thiếu thốn bắt buộc chúng tôi phải sáng tạo mới có thể tồn tại. Bằng mọi cách, chúng tôi đưa những phát minh sáng chế này trở thành hiện thực, ứng dụng trong cuộc sống. Chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc trước khó khăn!”, ông Doron Lebovich nhấn mạnh.

Tại triển lãm, sáng tạo trong các lĩnh vực giao thông, trí tuệ nhân tạo, y tế, công nghệ…cũng được giới thiệu. Những thành tựu đó đã  làm thay đổi thế giới rất nhiều. Có thể kể đến hệ thống máy tính thông minh có thể điều trị cho con người từ xa, hay ứng dụng cảnh báo và dừng xe khi có phương tiện khác ở cự li gần…Hiện tại, Israel đang đứng thứ hai trên thế giới về số lượng bằng phát minh sáng chế tính trên đầu người.

Nhiều bài học quý giá

Chia sẻ với các bạn trẻ tại triển lãm, ông Doron Lebovich nói rằng trong sáng tạo, ý tưởng rất quan trọng nhưng để thành hiện thực thì cần phải có sự hỗ trợ đắc lực. Ở Israel sự hỗ trợ đến từ ba phía: các trường học, viện nuôi dưỡng ý tưởng; chính phủ với các chính sách; doanh nghiệp giúp hiện thực hóa ý tưởng.

“Các vườn ươm sẽ ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp, nếu thành công thì người khởi nghiệp sẽ bán lại doanh nghiệp để trả nợ cho chính phủ. Còn thất bại? Chẳng vấn đề gì cả! Vì chúng tôi hiểu rằng thất bại trong khởi nghiệp là chuyện hiển nhiên, xảy ra rất nhiều”, ông cởi mở. Phó đại sứ quán dẫn chứng bằng ứng dụng Waze về giao thông thông minh. Trước đây người sáng lập công ty này đã hai lần thất bại, nhưng anh ta không hề nhụt chí mới có kết quả bán được sản phẩm này cho Google với giá 1 tỷ đô-la.

Ông Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp tại Đà Nẵng nhìn nhận Israel phát triển công nghệ, đặc biệt công nghệ cao rất tuyệt vời. “Báo chí đã nói nhiều, khi tận mắt chứng kiến tôi càng khâm phục hơn. Ngay trên sa mạc người ta có thể làm ra những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu ra thế giới. Có lẽ ở trong tình thế ấy, họ chỉ còn con đường lấy khoa học công nghệ (KHCN) để tồn tại, phát triển. Đó là điều mà chúng ta cần xem lại mình và 
học hỏi”. 

Ông Khương chia sẻ thêm, sau chuyến đi Israel, ông nhận thấy đất nước này giáo dục thế hệ trẻ rất tuyệt vời. Ngay từ lúc đi học đã giáo dục tình yêu với KHCN, cho nên khi lớn lên luôn suy nghĩ làm sao có thể ứng dụng KHCN vào sự phát triển của đất nước. Ông kể: “Tôi tới bảo tàng công nghệ Israel, toàn bộ những vấn đề KHCN được giáo dục trong nhà trường đều có mặt ở đó. Học sinh có thể tới tìm hiểu và thực hành tại chỗ”. Phó đại sứ Doron Lebovich cũng nói rằng, Israel rất chú trọng về giáo dục STEM nhằm kích thích sự sáng tạo cho học sinh. Đồng thời khuyến khích trẻ em không ngại đặt ra câu hỏi, không bao giờ ngừng thắc mắc.

Hãy tự thách thức mình

Phó đại sứ Doron Lebovich đánh giá: Đà Nẵng đang tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp rất tốt, với vườn ươm và các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. “Tôi mong các bạn trẻ hãy tự thách thức mình, dám mơ, dám thực hiện ước mơ của mình”, ông gửi gắm.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.