Thông tin chi tiết các ca mắc mới:
Bệnh nhân BN12151-BN12171 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Bệnh nhân BN12172-BN12231 ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh: 51 ca là các trường hợp F1, 4 ca liên quan đến nhóm truyền giáo Phục hưng, 5 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 170.674.
Tính đến 6h ngày 18/6: Việt Nam có tổng cộng 10.564 ca ghi nhận trong nước và 1.667 ca nhập cảnh.
Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 8.994 ca, trong đó có 1.879 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có thêm tỉnh Thái Bình qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới. Tổng cộng có 25 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Trà Vinh, Đà Nẵng, Thái Bình) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 2.311.345 xét nghiệm cho 5.147.851 lượt người.
Ngày 17/6, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, chiến dịch tiêm chủng quốc gia lần này có nhiều điểm mới và Bộ Y tế luôn đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên hàng đầu để đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Bộ trưởng thông tin, việc triển khai trên quy mô tất cả các địa phương và các điểm triển khai ở tất cả các xã, phường là lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam. Thêm nữa, chiến dịch tiêm chủng lần này dựa trên các điểm tiêm chủng đã triển khai lâu nay, nhưng khác là có thêm các điểm tiêm chủng lưu động như tại khu vực nhà máy, trường học và một số khu vực khác để đảm bảo người dân được tiếp cận vắc xin một cách tiện ích nhất và dễ dàng nhất.
“Điều mới nữa, chiến dịch tiêm chủng lần này có sự tham gia của tất cả các bộ, ngành và đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải cũng như nhiều bộ, ngành có liên quan khác cùng đồng hành với Bộ Y tế để triển khai chiến dịch này. Một điểm rất quan trọng của chiến dịch này đó là sự triển khai của tất cả các địa phương. Chúng tôi cho rằng đó là một yếu tố hết sức quan trọng giúp cho thành công của chiến dịch tiêm chủng lần này”, Bộ trưởng nói.
Trả lời cho câu hỏi vì sao Việt Nam đặt mục tiêu tiêm cho 70% dân số, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, nhiều quốc gia đặt mục tiêu trong năm 2021 và 2022 phải đạt miễn dịch cộng đồng. Việt Nam đặt ra kế hoạch cuối năm 2021 và đầu năm 2022 sẽ đạt mục tiêu này. “Đây là điều để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng và đưa cuộc sống trở lại bình thường. Chính vì thế, Bộ Y tế đã xây dựng và báo cáo Bộ Chính trị cũng như Chính phủ trong vấn đề mua vắc-xin và triển khai chiến dịch tiêm chủng này trên quy mô toàn quốc để làm sao đảm bảo người dân tiếp cận được vắc-xin”.