GDP Việt Nam có thể bị suy giảm
Nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với độ mở lớn. Những biến động của kinh tế thế giới đều ít nhiều tác động đến kinh tế Việt Nam nhất là trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại đặc biệt quan trọng. Theo đó, Trung Quốc giữ vị trí đứng đầu thị trường nhập khẩu với 31,1 tỷ USD, với các mặt hàng chủ đạo là vải và điện thoại và linh kiện và chiếm khoảng khoảng 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu. Trung Quốc thay thế Hàn Quốc trở lại thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Về xuất khẩu, Mỹ đã vượt EU, trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất với khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Đánh giá về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tới GDP, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế Thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia – NCIF) dự báo, đến năm 2021-2023 tác động của chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc sẽ ngấm sâu vào kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động. Theo dự đoán, năm 2021 GDP của Việt Nam giảm 0,12%.
Theo ông Thắng, tại thị trường Mỹ, khi hàng Trung Quốc không xuất sang Mỹ sẽ tạo ra lỗ hổng ở thị trường và là cơ hội của DN Việt Nam chen chân. Danh sách các mặt hàng trong danh sách đánh thuế trị giá 50 tỷ USD của Mỹ không phải mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu vào Mỹ. Nếu danh sách các mặt hàng bị Mỹ đánh thuế nâng lên 200 tỷ USD, Việt Nam có nhiều mặt hàng xuất khẩu nằm trong danh sách này như thuỷ hải sản, đồ gỗ…“Cơ quan chức năng cần chủ động hơn trong việc theo dõi và điều chỉnh chính sách linh hoạt theo thị trường”.
Ông Trần Toàn Thắng kiến nghị
Khi xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc bị chặn, giá đầu vào nguyên vật liệu tăng sẽ khiến giá một số loại linh kiện Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc tăng giá. Ví dụ, Trung Quốc nhập phần mềm để sản xuất linh kiện và xuất khẩu sang Việt Nam. Lúc này, doanh nghiệp (DN) điện tử Việt Nam phải đối mặt thực trạng tăng giá các loại linh kiện điện tử.
Ngoài ra, khi không thể xuất hàng sang Mỹ, hàng hóa Trung Quốc nhất là các loại hàng gia dụng tràn về Việt Nam. Điều này sẽ khiến DN sản xuất trong nước của Việt Nam gặp khó khăn.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, chúng ta cần tránh việc để cho hàng hóa Trung Quốc thông qua Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Nếu không làm tốt được việc này, Việt Nam sẽ có nguy cơ bị đánh thuế như Trung Quốc.
Cùng quan điểm, TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc trong dài hạn. Việc Tổng thống Mỹ áp thuế trừng phạt lên hàng hóa của Trung Quốc sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm theo biên độ rộng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến những nước tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu như Việt Nam.
“Khi chiến tranh thương mại leo thang và kéo dài, tỷ giá đồng nhân dân tệ - USD sụt giảm tiếp sẽ gây lo ngại cho các nhà đầu tư. Từ đó dẫn tới việc các nhà đầu tư rút vốn khỏi Trung Quốc. Điều này có tác động lớn đến kinh tế Việt Nam khi hàng hóa Trung Quốc sẽ có cạnh tranh lớn hơn cũng như tạo nên sức ép tỷ giá đồng Việt Nam - USD”, ông Thành nói.
Chủ động nâng cao năng lực nền kinh tế
Theo nhận định của NCIF, nguy cơ lớn hơn của Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc là ảnh hưởng đến cầu thương mại chung của thế giới. Trong đó, các thị trường xuất khẩu nhiều của Việt Nam bị ảnh hưởng và gián tiếp tác động đến kinh tế Việt Nam.
Nếu Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc lan rộng, không chỉ Trung Quốc với Mỹ mà các đối tác khác như Nhật Bản, Hàn với Mỹ sẽ gây ra nguy cơ rất lớn. Lúc này không chỉ dừng câu chuyện áp thuế mà các hàng rào phi thuế quan sẽ được dựng lên, khiến đối tác của Việt Nam bị ảnh hưởng. Từ đây, gián tiếp tác động đến thương mại và dòng đầu tư, thậm chí có thể làm chao đảo dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
Trước bối cảnh này, Việt Nam cần tăng cường dự trữ đủ ngoại tệ để tránh việc chao đảo khi gặp biến đổi tỷ giá trên thế giới. Cơ quan chức năng cần có chính sách tỷ giá chủ động hơn. Thời gian qua, khi tỷ giá thị trường lên rất cao, cơ quan chức năng mới cho phép tăng 1,1% tỷ giá trung tâm là động thái chậm so với diễn biến trên thị trường.“Để nắm được lợi thế khi dòng FDI dịch chuyển, cơ quan xúc tiến đầu tư của Việt Nam cần thay đổi phương thức, chiến lược. Thay vì bị động, cơ quan xúc tiến đầu tư cần chủ động tiếp cận những DN lớn đã và đang có ý định rời khỏi Trung Quốc, tranh thủ cơ hội để thu hút họ đến với Việt Nam”.
Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế Thế giới (NCIF)
Ngoài vấn đề tỷ giá, khi Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn ra, dòng FDI sẽ chuyển dịch theo nhiều hướng mới và bắt đầu từ năm 2020 sẽ thể hiện rõ nét. “Một số DN ở TP HCM cho biết, đơn hàng từ Trung Quốc đặt sản xuất nhiều hơn trước kia và chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ. Các mặt hàng này chủ yếu gồm dây cáp điện, linh kiện điện tử…”, đại diện NCIF cho biết.
Ngoài ra, để nắm được lợi thế khi dòng FDI dịch chuyển, cơ quan xúc tiến đầu tư của Việt Nam cần thay đổi phương thức, chiến lược. Thay vì bị động, cơ quan xúc tiến đầu tư cần chủ động tiếp cận những DN lớn đã và đang có ý định rời khỏi Trung Quốc, tranh thủ cơ hội để thu hút họ đến với Việt Nam. Đồng thời, bản thân các DN trong nền kinh tế Việt Nam phải tự nâng cao năng lực sản xuất, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Cơ quan chức năng đưa ra giải pháp để DN yên tâm mở rộng sản xuất như cam kết không tăng các loại thuế, phí, không tạo gánh nặng cho DN.