Ngày 18/2, TS. BS Ngô Đức Hiệp, trưởng Trưởng Khoa Phỏng Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết trong vòng chưa đến 2 tháng (từ 8/1 đến nay) khoa đã tiếp nhận 5 trường hợp sản phụ phải nhập viện cấp cứu vì tai nạn khi hơ nóng bằng than. nạn nhân do nằm than gần đây nhất là chị P.T.G (sinh năm 1988, quê Phú Hải, Phan Thiết, Bình Thuận) nhập viện vào ngày 13/2 trong tình trạng bỏng sâu tay trái, vai trái khi vừa sinh con 4 ngày.
Theo lời kể của bệnh nhân, trong lúc chị đang hơ nóng bằng nồi than, bất thình lình chiếc chăn rớt vào than, bén lửa. Lúc này bệnh nhân cũng đã bị ngất xỉu, sự việc chỉ được phát hiện khi chồng chị bế con từ phòng ngoài vào trong gọi vợ. Chị G được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. “ Sau 5 ngày điều trị, tổn thương cơ thể của chị G có đỡ nhưng về lâu dài thì chị G vẫn bị di chứng, ảnh hưởng đến chức năng thẩm mỹ sau này”, bác sĩ Hiệp cho hay.
Vào tháng trước, tại khoa cũng tiếp nhận 1 trường hợp sản phụ bị phỏng sâu ở hai mông và chân trái, được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng thở máy, phải đặt nội khí quản, nguyên nhân là do bỏng và ngộ độc khí CO lúc nằm than. Trường hợp nặng nhất do hậu quả từ việc nằm than là một bệnh nhân ở ngay huyện Bình Chánh (TPHCM) bị bỏng do ngộ độc CO té vào bếp than khiến tay bệnh nhân bị chín, phải tháo toàn bộ tay trái.
Cảnh báo về nguy cơ khi nằm than ở sản phụ, bác sĩ Hiệp phân tích khi than đốt không hết thì sẽ tạo ra khí carbon monoxide (CO). Khí CO kết hợp với Hemoglobin tạo thành độc chất Carboxyhemoglobin (CO-Hb). Đây là chất gây ngạt toàn thân do nó tranh chấp với oxy gây giảm oxy máu ở tất cả các cơ quan của cơ thể.
Bên cạnh đó, CO là một chất khí không màu, không mùi và không gây kích thích cho nên khi bị ngộ độc, nạn nhân thường không biết. Cho đến khi nạn nhân nhận biết được mình bị nhiễm độc thì bản thân họ không còn khả năng gọi cấp cứu được nữa.
Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết hơ nóng hoặc nằm than được khoa học chứng minh có hại cho sản phụ lẫn em bé. Than không cháy hết tạo khí CO, dễ gây ngộ độc. Trẻ non nớt khi ngộ độc CO khó điều trị.
Sản phụ và bé hơ nóng bằng than là quan niệm sai lầm
Các chuyên gia cho rằng quan niệm sau sinh nằm phòng kín không nắng, không gió là hoàn toàn sai. Sản phụ sau sinh nên ngồi dậy đi tới đi lui nhẹ nhàng, vận động giúp tử cung co thắt, giảm tình trạng bế sản dịch dẫn đến nhiễm trùng hậu sản. Thỉnh thoảng nên ra ngoài phơi nắng có đủ vitamin D, kết hợp dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý để mau hồi phục sức khoẻ.