Sân cỏ Việt Nam như một...võ đài

Sân cỏ Việt Nam như một...võ đài
Vụ việc các cầu thủ nam tấn công trọng tài nữ ở TPHCM thật ra nổi lên chỉ vì tính chất đặc biệt của nó là tấn công trọng tài nữ chứ thực sự chuyện tấn công trọng tài ở các giải đấu phong trào không mới. Điều đó càng trở nên bình thường khi ngay tại sân chơi cao nhất là V-League, bạo lực sân cỏ đang là vấn đề nhức nhối.
Cầu thủ ăn thua đủ với trọng tài tại một trận đấu ở V-League mùa giải 2009
Cầu thủ ăn thua đủ với trọng tài tại một trận đấu ở V-League mùa giải 2009.

Sẵn sàng triệt hạ

Chẳng phải tìm đâu xa, ngay ở 5 vòng đấu đầu tiên của V-League mùa này đều có những vụ việc lớn nhỏ khác nhau liên quan đến bạo lực sân cỏ. Ở vòng 1, suýt nữa cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai tấn công trọng tài trên sân Chi Lăng vì cho rằng ông này thổi ép một quả phạt đền.

Đến vòng 2, HLV Lê Thụy Hải dùng nhiều lời nặng nề phản đối trọng tài đến mức bị đuổi thẳng lên khán đài và bị cấm chỉ đạo 2 trận. Sang vòng 3, trên sân Bình Dương, người xem vô cùng bức xúc khi chứng kiến cảnh cầu thủ người Brazil Leandro cứ giật chỏ, đạp chân một cách thô bạo vào các cầu thủ Khánh Hòa khi bị đeo bám.

Cuối trận, đội trưởng của Bình Dương, tuyển thủ quốc gia Quang Thanh còn đá thẳng vào người một cầu thủ Khánh Hòa đang nằm trên sân. Khi nhận thẻ đỏ rời sân, anh này còn quay mặt lên khán đài tỏ thái độ khiêu khích các CĐV. Mới đây nhất, trong trận đấu tại sân Long An, cầu thủ 2 đội Bình Dương và Đồng Tâm Long An liên tục bỏ bóng, đá người.

V-League mới trải qua 5 vòng đấu nhưng ban tổ chức đã phải ra thông báo yêu cầu các đội kiềm chế, do số thẻ phạt tăng quá cao so với mức trung bình của mùa trước. Cá biệt như vòng 3, trung bình hơn 6 thẻ vàng/trận.

Tại vòng này, trận Sông Lam Nghệ An và Hòa Phát có đến 3 thẻ đỏ, 7 thẻ vàng. Với giới truyền thông, số thẻ tại V-League 2011 đến nay cũng chưa phản ảnh hết mức độ bạo lực trong quá trình thi đấu và chắc chắn còn tăng cao ở những vòng đấu tới.

Xuống cấp văn hóa bóng đá

Một điều đã được báo động là trong vòng 3 năm qua, mức độ bạo lực đã tiến triển nhanh. Trên sân cỏ, cầu thủ đánh nhau, còn trên khán đài CĐV sẵn sàng tấn công xuống sân cỏ. Sau vụ bạo loạn trên sân Vinh ở mùa giải 2008 giữa CĐV chủ nhà và các đội khách Thể Công, Hải Phòng, đến năm 2009, khán giả Đồng Tháp cũng lao xuống sân tấn công trọng tài ở trận gặp Hải Phòng.

Trong năm đó, tại sân Thống Nhất, phóng viên Quang Liêm của báo Người Lao Động bị các CĐV đánh bên ngoài sân do đã chụp ảnh cảnh quậy phá của họ. Năm 2010, phóng viên Duy Bùi của báo Thể thao 24h bị chính ban tổ chức sân Nam Định tấn công cũng vì cố gắng ghi hình cảnh đánh nhau giữa Nam Định và Đồng Tâm Long An ở vòng 8 V-League. Đó là chưa nói, suốt trong 2 năm 2009, 2010, các CĐV Hải Phòng liên tục bị xử kỷ luật do đốt pháo sáng và đánh nhau trên khán đài đến mức VFF phải cấm họ không được đi đến sân khách cổ vũ.

Cũng chỉ trong vài năm trở lại đây, sân cỏ Việt Nam lại bị nhiễm nhiều thói xấu. Năm 2009, cầu thủ trẻ Hoàng Danh Ngọc dùng hành vi xấu “ngón tay thối” để khiêu khích khán giả. Đến năm 2010, Hải Lâm của đội Đà Nẵng bị treo giò 4 trận vì hành động tương tự với cầu thủ đối phương. Các trọng tài liên tục phản ảnh với ban tổ chức giải về việc họ bị các cầu thủ lăng mạ, chửi tục rất nặng trong đó có cả ngôi sao Lê Công Vinh. Cũng chính anh này, mùa 2010 đã bị treo giò 6 trận vì hành động vái lạy trọng tài ngay trên sân.

Giữa năm 2010, sau sự việc phóng viên Duy Bùi bị tấn công trên sân Nam Định, giới truyền thông đã từng lên tiếng yêu cầu VFF xem xét khả năng có ngưng tổ chức V-League hay không khi bạo lực sân cỏ gần như không chừa trận đấu nào và sự sa sút ghê gớm của văn hóa trong sân cỏ.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG