Bài 1: Lãi khủng
Giá SGK mới cao, phụ huynh thêm gánh nặng khi cho con đi học. Ảnh: Như Ý |
Sau nhiều năm báo lỗ, năm 2021, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam chính thức có lãi. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của việc xuất bản, phát hành SGK chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chỉ phát hành ở 3 khối lớp lợi nhuận đã chiếm 25%
Sau khi NXB Giáo dục Việt Nam công bố lợi nhuận sau thuế năm 2021, đã có nhiều ý kiến băn khoăn về những con số này. Trong năm, NXB Giáo dục phát hành 164,6 triệu bản SGK, vượt mức khoảng 40% so với kế hoạch 117 triệu bản. Doanh thu năm 2021 từ SGK là 1.583 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ SGK hiện hành là 674 tỷ đồng (37%), SGK mới là 675 tỷ đồng (chiếm 37%), sách bổ trợ 234 tỷ đồng (chiếm 13%).
NXB Giáo dục còn có doanh thu từ các nguồn cổ tức của các đơn vị nhận vốn góp, hòa nhập dự phòng, khai thác cơ sở vật chất... Khoản này là 245 tỷ đồng, chiếm 13%. Tương ứng với doanh thu, lợi nhuận sau thuế từ xuất bản SGK (bao gồm cả sách bổ trợ) là 137 tỷ đồng (chiếm 47,6% so với tổng lợi nhuận). Trong đó, lợi nhuận từ SGK hiện hành là 20 tỷ đồng (chiếm 6,9% tổng lợi nhuận), từ SGK mới là 72 tỷ đồng (chiếm 25% tổng lợi nhuận).
Từ phân tích số liệu, nhiều ý kiến cho rằng, NXB mới chỉ phát hành sách ở 3 khối lớp nhưng lợi nhuận đã chiếm 25% tổng lợi nhuận năm 2021 và cao hơn gấp 3 lần lợi nhuận phát hành SGK hiện hành năm 2021 (9 lớp đang học chương trình cũ). Điều này cho thấy giá SGK mới cao hơn đã góp phần đáng kể vào việc tăng lợi nhuận của NXB.
Giá SGK mới cao, phụ huynh thêm gánh nặng khi cho con đi học. Ảnh: Như Ý |
Thông tin về vấn đề này, đại diện NXB Giáo dục cho rằng, không thể dùng kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 để tính toán cho các năm tiếp theo vì các lí do: vật tư (giấy in) chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu giá SGK. Đặc biệt, năm 2021, NXB Giáo dục mua được vật tư ở thời điểm có giá thấp nên SGK có lãi. Trong đó, về sản lượng SGK, năm 2020 và 2021 là các năm đầu áp dụng thay sách theo chương trình giáo dục 2018, đặc biệt ở các lớp 1, 2 của bậc tiểu học nên số lượng phát hành lớn. Trong các năm tiếp theo, và theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT thì tỉ lệ sử dụng lại SGK và sử dụng sách trong thư viện sẽ tăng lên. “Do đó số sách phát hành trong các năm tiếp theo sẽ giảm. Đồng thời, năm 2022 NXB Giáo dục đã giảm giá SGK nên kết quả các năm tiếp theo dự kiến sẽ giảm”, đại diện NXB thông tin.
Theo NXB Giáo dục, SGK là mặt hàng không thể điều chỉnh tăng/giảm ngay lập tức như một số hàng khác nên NXB Giáo dục đã tính toán giá SGK trên cơ sở giữ ổn định giá trong cả quá trình. Với những biến động tăng hiện nay về giá vật tư đầu vào (giấy, mực, keo...), xăng dầu, lương tối thiểu... thì hiệu quả (lãi) của mảng SGK sẽ có biến động giảm mạnh. Thông tin thêm, đại diện NXB Giáo dục cho biết, trong số các sản phẩm mang lại doanh thu, SGK và sách bổ trợ là nguồn thu chính (chiếm 87%).
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) đề nghị Bộ GD&ĐT rà soát, tinh giản SGK theo hướng thống kê danh mục sách bắt buộc đối với từng lớp học, cấp học. Ngoài số SGK bắt buộc, số sách còn lại học sinh có thể tham khảo tùy vào điều kiện cụ thể.
Năm nay, đối với SGK phục vụ học sinh các lớp 4,5,8,9,11,12 theo chương trình hiện hành, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết đến ngày 9/8, đã hoàn thành việc in, nhập kho 55 triệu bản. Đối với SGK lớp 3,7,10 mới, đến nay NXB đã hoàn thành việc in, nhập kho được 46,8 triệu bản.
Hiện mới chỉ có NXB Giáo dục Việt Nam báo cáo tài chính, các NXB còn lại (cũng xuất bản SGK trong thời gian từ 2019 đến nay) dư luận chưa được tiếp cận con số lãi - lỗ. Do đó, việc xuất bản SGK theo chương trình mới như thế nào vẫn còn là ẩn số (?). Bộ SGK Cánh Diều chiếm bình quân 30 - 40% thị phần SGK theo chương trình mới. Không thể nói các NXB của bộ sách này không có lãi như NXB Giáo dục Việt Nam.
Khó tái sử dụng
Những năm gần đây, SGK đã thực sự là gánh nặng đối với một bộ phận gia đình học sinh. Gánh nặng này không chỉ vì giá SGK chương trình mới cao hơn chương trình cũ do xã hội hóa mà quan trọng hơn là SGK mới khó có thể tái sử dụng; hoặc mỗi năm thấy bất cập lại đổi, lại in mới. Đây là một sự lãng phí lớn (?).
Mỗi năm phụ huynh chi 1.000 tỷ đồng mua SGK
Theo tính toán, trung bình mỗi năm, phụ huynh phải chi 1.000 nghìn tỷ đồng để mua SGK cho con theo chương trình cũ. Với chương trình mới, giá sách cao hơn từ 2-3 lần, số tiền phụ huynh bỏ ra để mua SGK cho con sẽ lên đến con số vài nghìn tỷ đồng.
Tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn giải thích, các sách biên soạn theo bộ mới là hoàn toàn dùng lại được, không phải sách dùng một lần. Còn năm nào cũng thay sách bởi vì phải thay 12 năm mới hết nên cần thời gian ít nhất 5 năm. “Những sách biên soạn mới hoàn toàn có thể dùng lại được. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tăng cường mua sách đưa vào thư viện để học sinh có thể dùng lại nhiều lần”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Tuy nhiên, lí giải trên chưa nhận được sự đồng thuận của phụ huynh. Mỗi trường lựa chọn SGK khác nhau nên phụ huynh có con học trường này khó có thể xin SGK của học sinh ở trường khác. Đó còn chưa kể, ngay trong một trường, năm nay học SGK của NXB này nhưng năm sau lại lựa chọn NXB khác vì thấy hay hơn…
Đối với chương trình cũ, tình trạng SGK khó tái sử dụng đã được nhắc đến nhiều dù cả nước dùng chung một bộ SGK. Báo Tiền Phong đã có loạt bài phản ánh vấn đề này do SGK thiết kế các câu hỏi có thể trả lời luôn lên sách. Tại kì họp Quốc hội vừa qua, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp), cho rằng nguyên nhân đẩy giá SGK của các lớp lên 2 đến 4 lần không chỉ vì chi phí tăng trên từng đầu sách mà là do số lượng đầu sách. Vì vậy, đề nghị Bộ GD&ĐT cần có quy định những SGK nào là bắt buộc phải mua, những sách nào là tham khảo và cho phụ huynh quyền được lựa chọn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) đề nghị Bộ GD&ĐT rà soát, tinh giản SGK theo hướng thống kê danh mục sách bắt buộc đối với từng lớp học, cấp học. Ngoài số SGK bắt buộc, số sách còn lại học sinh có thể tham khảo tùy vào điều kiện cụ thể.(Còn nữa)