Rừng Na-uy: Đẹp, tinh tế

Matsuyama vai Wantanabe và Mizuhara vai Midori trong phim Rừng Na-uy
Matsuyama vai Wantanabe và Mizuhara vai Midori trong phim Rừng Na-uy
TP - Đạo diễn Trần Anh Hùng quyết định không giao lưu với khán giả sau buổi chiếu Rừng Na-uy tối 22-12 như đã hẹn, mà chỉ phát biểu: "Xem xong phim, khán giả nên nói chuyện với người mình yêu hơn là với đạo diễn"...

 >> 'Rừng Na-uy' đến Việt Nam

Matsuyama vai Wantanabe và Mizuhara vai Midori trong phim Rừng Na-uy
Matsuyama vai Wantanabe và Mizuhara vai Midori trong phim Rừng Na-uy.

Tinh tế, biểu cảm, đẹp

Từ tiểu thuyết dày hơn 500 trang thành bộ phim hơn hai giờ, đương nhiên nhiều tuyến nhân vật, nhiều câu chuyện trong tác phẩm văn học đã bị loại bỏ. Bối cảnh xã hội Nhật Bản những năm 60 cũng không rõ ràng. Chỉ còn lại vài mối quan hệ, trong đó nổi lên câu chuyện tình Wantanabe- Naoko-Midori.

Từ tình bạn, Wantanabe chuyển sang tình yêu với Naoko sau cú sốc Kizuki- bạn chung của họ tự tử ở tuổi 17. "Tôi khác cậu, tôi chọn sống tiếp và không bỏ rơi Naoko, lý do đơn giản là tôi yêu cô ấy"- tự sự của chàng sinh viên Wantanabe với bạn học quá cố Kizuki.

Trong khi tình yêu có vẻ tương đối mơ hồ thì tình dục lại trực diện, giản dị, dễ chạm được đến phần sâu kín của bất cứ ai.

Còn Naoko, dù có niềm an ủi mới là Wantanabe nhưng vốn sẵn niềm tuyệt vọng về cuộc sống với những vết thương thể xác và tinh thần không sao chữa lành, cuối cùng cũng tìm đến cái chết ở tuổi 21.

Wantanabe không phải là thiên thần mà là một thanh niên hiện đại của thập kỷ 60. Ở tuổi 20 anh đã kịp "ngủ lang" với nhiều cô gái. Anh phân thân giữa một bên là tình cảm với Naoko mong manh xa vời, một bên là Midori tươi mới, cận kề.

Chỉ đến khi Naoko chết vì tuyệt vọng, anh mới có vẻ quyết chọn cho mình lối sống và yêu quyết liệt, trọn vẹn hơn. Nhưng rồi cũng chẳng biết điều gì sẽ đến. Như lời dẫn trong phim: "Bạn làm tất cả để vượt qua nỗi đau, nỗi buồn nhưng rồi điều đó trở nên vô nghĩa khi nỗi buồn mới lại ập đến".

Dịch giả Trịnh Lữ nói về cuốn Rừng Na-uy mà ông dày công chuyển ngữ: "Rừng Na-uy không lãng mạn. Nó không lý tưởng hóa và do vậy không bị lừa mị bởi chính những lý tưởng ấy của mình. Nó dũng mãnh như mũi tên vừa bay ra khỏi cánh cung. Thẳng từ cõi lòng bộc trực và chân xác của kiếp người.

Đọc lời thoại trong Rừng Na-uy, tôi chỉ mong mình cũng nói được như thế với người mình yêu mến. Bị lôi cuốn theo những ý nghĩ và xúc cảm trong Rừng Na-uy, tôi cũng chỉ mong mình dám nghĩ được thành lời những gì vẫn cuộn tròn trong lòng mình như vậy".

Về độ dũng mãnh, đậm đà, các nhân vật cũng như câu chuyện trong phim dường như không bằng truyện. Toru Wantatnabe do diễn viên Matsuyama đảm nhiệm rất gợi cảm- typ nhân vật hấp dẫn, nhưng tình yêu của anh thì có vẻ yếu đuối, mơ hồ nhiều hơn- có thể đó chính là ý đồ của Trần Anh Hùng. Midori cũng không sắc nét như trong nguyên tác văn học mà là một dạng "phá cách có điểm dừng", cũng bị sự nhẹ nhàng của đạo diễn chi phối.

Đạo diễn Trần Anh Hùng và vợ - diễn viên Trần Nữ Yên Khê trong buổi ra mắt phim “Rừng Na - uy” ở Hà Nội (Trong Rừng Na - uy, Yên Khê đảm nhiệm phần trang phục).
Đạo diễn Trần Anh Hùng và vợ - diễn viên Trần Nữ Yên Khê trong buổi ra mắt phim “Rừng Na - uy” ở Hà Nội (Trong Rừng Na - uy, Yên Khê đảm nhiệm phần trang phục). . Ảnh: Thiên Ngân

Còn thoại phim là sự chắt lọc thật sự từ tiểu thuyết- chân xác, hợp lý trong tất cả các cảnh huống. Có thể hiểu vì sao nhà văn Murakami khét tiếng kỹ tính như vậy mà chỉ cần đọc kịch bản Trần Anh Hùng chuyển thể đã chấp nhận anh, để anh tung tác trong suốt quá trình quay.

Ăn khách hay kén khách?

Chiếu ở LHP Cannes và LHP Venice, số nhà phê bình dù dành cho Rừng Na-uy những lời khen tặng vẫn cho rằng, phải có lòng kiên trì mới xem hết được bộ phim dài hơn 2 tiếng này. Tôi lại thấy đây là phim dễ xem của Trần Anh Hùng. Cũng chậm rãi nhưng không phải như Mùi đu đủ xanh.

Phim nói về tình yêu của tuổi trẻ, những vấn đề tình dục, những băn khoăn của họ về cuộc sống. Trong khi tình yêu có vẻ tương đối mơ hồ thì tình dục lại trực diện, giản dị, dễ chạm được đến phần sâu kín của bất cứ ai. Tuy nhiên, trong khi lời thoại về sex tỏ ra hợp lý thì hành động không phải lúc nào cũng vậy, có lúc hơi ồn ào.

Xem phim, không thấy việc một đạo diễn không biết tiếng Nhật lại chỉ đạo diễn viên Nhật là vấn đề. Dàn diễn viên diễn xuất đều ổn, kể cả vai phụ như Hatsumi. Nhìn sang Đường Sơn đại địa chấn của đạo diễn lừng danh Phùng Tiểu Cương. Trong phim có một cảnh ngắn- bối cảnh Canada, anh chồng người Canada của nhân vật Phương Đăng nói với cô về trận động đất Tứ Xuyên, mà xem ra cũng vụng về như đạo diễn Việt Nam chỉ đạo người nước ngoài!

Phim của Trần Anh Hùng có cái tài là quay một cái quán, một góc nhà cũng đẹp như cánh rừng đầy tuyết. Nếu có phàn nàn, anh thường bị phàn nàn là duy mỹ quá, "thoát ly đời thực". Và để cho nhân vật dựa dẫm vào thiên nhiên nhiều quá.

Trần Anh Hùng cho rằng phim của anh không hề kén khách. Nhưng số khán giả hay so sánh bắt bẻ với nguyên tác văn học- rất có thể đòi hỏi cao hơn sự "đẹp, tinh tế" mà anh làm được cho bộ phim.

Buổi tối 22-12 chiếu diện hẹp Rừng Na-uy ở Hà Nội, một nhà văn có tiếng và là người hâm mộ điện ảnh Mỹ, phát biểu: "Phim haxy vừa vừa. Tôi vẫn chưa thích thú nổi phong cách châu Âu hay thích tỏ ra sâu sắc điềm đạm và không thèm quan tâm đến trào lưu Hollywood".

Rừng Na-uy là cuốn sách bị in lậu nhiều nhất trước nay- thông tin của Cty Nhã Nam nơi phát hành tác phẩm này. Giờ đây, khi độc giả chưa quên nó, lại có bộ phim ăn theo nó, của một đạo diễn Việt kiều nổi tiếng, được chính khán giả quê hương của tiểu thuyết quan tâm. Phim lại có yếu tố "lạ" với khán giả Việt Nam. Một cơn sốt nhẹ sẽ đến?
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG