Rủi ro ồ ạt phát hành trái phiếu địa phương

Rủi ro ồ ạt phát hành trái phiếu địa phương
TP - Sau TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, nhiều địa phương đã lên kế hoạch xin phát hành trái phiếu địa phương, với số vốn huy động hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư cho phát triển. Các chuyên gia cho rằng, việc phát hành ồ ạt này cần kiểm soát kỹ, nếu không sẽ xảy ra tình trạng nợ xấu như của ngân hàng.

> Đơn giản hóa 5 thủ tục hành chính ngành ngân hàng
> Lần đầu hụt thu ngân sách, Đà Nẵng 'lộ' kế sách vượt 'bão'

Nở rộ

Là địa phương lên kế hoạch phát hành trái phiếu chính quyền địa phương sớm nhất cả nước, từ cuối năm 2012, UBND TPHCM đặt mục tiêu huy động khoảng 5.000 tỷ đồng từ việc phát hành này để đáp ứng kịp thời nhu cầu chi cho đầu tư phát triển.

Theo đề án, loại trái phiếu kỳ hạn 3 năm có khối lượng phát hành chiếm 60% tổng khối lượng phát hành, tương đương 3.000 tỷ đồng. Còn trái phiếu kỳ hạn 5 năm chiếm 40% khối lượng phát hành, tương đương 2.000 tỷ đồng (mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu).

Trong trường hợp được Bộ Tài chính gia hạn khoản tạm ứng 2.000 tỷ đồng và phát hành thành công 5.000 tỷ đồng trái phiếu theo kế hoạch thì tổng dư nợ ngân sách thành phố tại thời điểm 31-12-2012 dự kiến là 11.459 tỷ đồng (bằng 75,20% tổng hạn mức vay nợ được phép).

Tiếp sau TPHCM, UBND TP Đà Nẵng vừa phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương để bổ sung ngân sách đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội.

Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, với lãi suất cố định 11%/năm. Tiền lãi trả sau theo định kỳ 1 năm 1 lần (không tính nhập gốc). Nguồn hoàn trả trái phiếu được bảo đảm từ nguồn thu của ngân sách thành phố. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2013, TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát hành 3.500 tỷ đồng trái phiếu địa phương.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cũng có đề xuất với Chính phủ cho phép phát hành trái phiếu chính quyền địa phương cho giai đoạn 2013-2015 để tạo nguồn vốn chi đầu tư ngân sách qua kênh này.

Đặc biệt, theo đề xuất của Bình Dương, Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế đặc biệt huy động vốn qua kênh trái phiếu gấp hai lần tổng đầu tư ngân sách địa phương theo dự toán hàng năm.

Tại cuộc họp cuối tháng 12 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cũng cho biết HĐND thành phố đã thông qua phương án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương với tổng mức huy động 5.000 tỷ đồng trong vòng 3 năm, tính từ 2013, để đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, Bắc Ninh cũng đang có phương án phát hành trái phiếu thời hạn 5 năm với tổng mức huy động 1.000 tỷ đồng kết hợp với vay vốn các tổ chức tín dụng và vốn nhàn rỗi Kho bạc Nhà nước để đầu tư cho các công trình trọng điểm của tỉnh, như dự án đường nối TL282 với cầu vượt sông Đuống; dự án bệnh viện đa khoa 1.000 giường; Trường PTTH chuyên Bắc Ninh; đường 295B… Một số địa phương phía Bắc khác cũng đang có kế hoạch phát hành trái phiếu với số tiền hàng nghìn tỷ đồng.

Lo xé rào, lấy tiền trả nợ

Trao đổi với PV Tiền Phong, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright, TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng, theo Luật Ngân sách 2002, các địa phương như Hà Nội, TPHCM được phát hành trái phiếu bằng 100% vốn đầu tư xây dựng cơ bản của địa phương mình, còn các tỉnh khác, như Đà Nẵng, chỉ được phát hành không vượt quá 30%.

Theo TS Tự Anh, vấn đề sẽ đáng lo nếu các địa phương xé rào phát hành vượt mức “trần” và Bộ Tài chính không biết, không kiểm soát được. Bản thân phát hành trái phiếu chính quyền địa phương không có gì đáng lo nếu tiền phát hành đó được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.

Vấn đề là anh dùng số tiền đó như thế nào, có hoàn vốn được không, công trình có mang lại lợi ích dân sinh không.

“Lưu ý là các địa phương đang nợ đọng xây dựng cơ bản khá nhiều (theo báo cáo khoảng trên 91.000 tỷ đồng-PV) nên nếu phát hành ra rồi lấy tiền để trả nợ thì hoàn toàn không ổn chút nào. Còn phát hành để tạo ra cái mới, có giá trị gia tăng thì rất tốt”- TS Tự Anh cảnh báo.

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, việc phát hành trái phiếu địa phương thực chất là đi vay tiền của dân, nên cần quan tâm đến lãi suất phải trả bao nhiêu, nguồn thu của địa phương trong các năm tới thế nào, có đủ để trả nợ tiền vay, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang hết sức khó khăn và dự báo kinh tế 2013 vẫn chưa có triển vọng thật sự khởi sắc.

Nếu địa phương không trả được các khoản nợ vay này thì sẽ rơi vào tình trạng phá sản như một loạt thành phố lớn của Mỹ đang phải đối đầu. “Đầu tư công của ta đang khá dàn trải, tình trạng rút ruột công trình vẫn còn nên cần kiểm soát chặt chẽ tài chính của các địa phương.

Đặc biệt, không để tình trạng ồ ạt xin phát hành trái phiếu để bù cho nguồn thu giảm, nhằm thanh toán cho khoản nợ đầu tư xây dựng cơ bản của địa phương. Việc này sẽ không khác gì việc “đảo nợ”, dùng tiền mới trả nợ cũ của các doanh nghiệp thời gian qua, thì rất nguy hiểm”, ông Thành nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một đại diện Bộ Tài chính cho rằng, để được chấp thuận phát hành trái phiếu chính quyền địa phương phải đáp ứng các điều kiện cần và đủ là không được phát hành quá hạn mức quy định và phải có phương án hoàn vốn khả thi cụ thể đi kèm.

Khi có đủ các điều kiện trên thì cơ quan quản lý phải chấp thuận, không có cớ gì để bác cả. “Nhưng nếu việc phát hành thực hiện nhiều thì phải cân nhắc thời điểm phát hành. Còn trên bình diện cả nước, Bộ Tài chính sẽ có trách nhiệm cảnh báo việc tăng dư nợ của chính quyền các địa phương”- Vị này nói.

Theo báo cáo của Chính phủ mới đây, nợ công của Việt Nam năm 2012 ước khoảng 55,4% GDP, trong đó nợ Chính phủ chiếm 43,1% GDP; nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 11,7% GDP; nợ địa phương mới chỉ chiếm 0,53% GDP nhưng có nguy cơ tăng trước tình trạng phát hành trái phiếu ồ ạt như hiện nay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG